Miếng bánh thị phần môi giới “phình to” theo sự gia tăng thanh khoản của thị trường không giúp các công ty chứng khoán hưởng lợi lớn như trước, vì cạnh tranh gay gắt khiến chính sách miễn, giảm phí giao dịch liên tục được kích hoạt.
5 mảng kinh doanh cốt lõi
Khai trương ngày 28/7/2000, thị trường chứng khoán hiện có gần 24 năm hoạt động và phát triển. Từ những ngày đầu tiên với 2 cổ phiếu REE và SAM, số lượng cổ phiếu niêm yết trên tổng thị trường hiện đạt xấp xỉ 750, trong đó có hơn 40 mã vốn hóa tỷ USD, phần lớn là những “cánh chim đầu đàn” của nền kinh tế như HPG, DGC, VNM…
Thị trường chứng khoán phát triển giúp người dân có thêm một kênh đầu tư khác các kênh truyền thống như gửi tiết kiệm, mua bất động sản, mua vàng. Thông qua việc đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết, sự tăng trưởng của các doanh nghiệp này giúp nhiều nhà đầu tư gia tăng tài sản bền vững khi không ít doanh nghiệp chuyển hóa từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mới lên sàn chuyển mình thành các doanh nghiệp lớn, thậm chí siêu lớn.
Từ đó, các doanh nghiệp chứng khoán trở thành trung gian để nhà đầu tư mua cổ phần của các doanh nghiệp trên sàn, hưởng lợi từ sự phát triển và mở rộng của thị trường. Nhiều công ty chứng khoán hoạt động kinh doanh hiệu quả, tăng vốn và trở thành những cổ phiếu trụ trên thị trường như SSI, VND, HCM, VCI.
Sau thời gian dài vận hành hoạt động, các doanh nghiệp chứng khoán có 5 mảng kinh doanh cốt lõi sau.
Một là, mảng môi giới và dịch vụ khách hàng: Tư vấn khách hàng thông qua bộ phận môi giới (broker), từ đó công ty chứng khoán hưởng phí hoa hồng và trích lại một phần phí cho bộ phận broker.
Hai là, mảng tự doanh: Các công ty chứng khoán dùng nguồn vốn tự có/vốn vay/ vốn ủy thác để đầu tư cổ phiếu, trái phiếu nhằm kiếm lời cho công ty.
Ba là, mảng kinh doanh nguồn vốn: Công ty chứng khoán kinh doanh nguồn vốn đang nắm giữ của khách hàng hoặc nguồn vốn của mình để cho vay giao dịch ký quỹ (margin), mua bán lại (repo)…
Bốn là, mảng tư vấn đầu tư chứng khoán: Xây dựng đội ngũ phân tích để độc lập đưa ra cho khách hàng các lời khuyên đầu tư trong quá trình tham gia thị trường.
Năm là, mảng ngân hàng đầu tư (IB) và dịch vụ khác: Hoạt động tư vấn doanh nghiệp với các nghiệp vụ bảo lãnh phát hành, đại lý phát hành chứng khoán…
Nhìn lại các giai đoạn nổi bật
Định giá P/E và P/B ngành chứng khoán đang ở mức cao, lần lượt là 22,82 lần và 1,84 lần.
Thị trường chứng khoán nói chung, khối chứng khoán nói riêng có nhiều giai đoạn thăng trầm, trong từng giai đoạn đó có những doanh nghiệp dẫn đầu ngành, song theo thời gian, vị trí thống lĩnh dần đổi ngôi nhờ sự “tiến hóa” của thị trường.
Giai đoạn trước năm 2018: Trước khi các công ty chứng khoán Hàn Quốc gia nhập thị trường. Khi đó, thị trường chứng khoán bắt đầu bước qua giai đoạn đi ngang sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2012, nhóm 4 công ty lớn nhất thị trường (Big 4) là SSI, HCM, VCI, VND, chiếm khoảng 75% thị phần.
Với lợi thế thị phần lớn, nhóm Big 4 áp dụng mức lãi suất margin cao (12 – 15%/năm) cho khách hàng. Không những vậy, phí giao dịch có thời điểm lên đến 0,35% giá trị mua hoặc bán. Tất nhiên, thanh khoản giai đoạn đó của thị trường không cao, phổ biến trong khoảng 2.000 – 3.000 tỷ đồng/phiên.
Trong nhóm Big 4, SSI đẩy mạnh hoạt động IB nhằm tìm kiếm các cơ hội trên thị trường, HSC hướng đến nhóm khách hàng tổ chức, VND tập trung vào khách hàng cá nhân, VCI hướng đến cung cấp dịch vụ IB để tư vấn niêm yết, bảo lãnh cho khách hàng.
Giai đoạn 2018 – 2020: Khi các doanh nghiệp Hàn Quốc gia nhập thị trường. Nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhiều công ty chứng khoán Hàn Quốc (Mirase Asset, KIS, KBSV…) bắt đầu gia nhập thị trường. Ban đầu, chiến lược của các công ty chứng khoán xứ Kim chi hướng đến việc hưởng chênh lệch lãi suất cho vay giữa thị trường Hàn Quốc và Việt Nam. Nhờ nguồn vốn dồi dào lãi suất thấp, các công ty chứng khoán Hàn Quốc tập trung “lôi kéo” môi giới từ các Big 4 bằng cách chia hoa hồng môi giới cao kết hợp với giảm phí giao dịch xuống mức 0,15%. Nhóm Big 4 dần mất thị phần vào nhóm công ty đến từ Hàn Quốc nên buộc phải hạ dần phí giao dịch để giữ chân khách hàng.
Trong giai đoạn này, nhiều ngân hàng cũng thấy ưu điểm của thị trường chứng khoán và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động cho vay thông qua công ty chứng khoán, từ đó các công ty chứng khoán nội địa nhỏ bắt đầu vươn mình và tăng được thị phần nhờ nguồn vốn từ ngân hàng, tiêu biểu như VPS, TCBS.
Giai đoạn từ năm 2020 đến nay: Dịch Covid-19 xuất hiện và chính sách tiền tệ nới lỏng được thực hiện đồng loạt trên thế giới để kích cầu. Phong tỏa được tiến hành trên cả nước nhằm phòng chống dịch kết hợp với chính sách tiền tệ nới lỏng khiến nguồn tiền trên thị trường trở nên dồi dào. Trong khi đó, người dân có thể mở tài khoản chứng khoán một cách dễ dàng nhờ công nghệ eKYC được ứng dụng rộng rãi. Từ đây, lượng khách hàng mở mới gia tăng đột biến, kéo theo lượng tiền mới đổ mạnh vào thị trường chứng khoán, giúp thị trường có những phiên giao dịch trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, có thời điểm đạt 2 tỷ USD.
Miếng bánh thị phần môi giới “phình to” giúp tất cả các công ty trong ngành đều được hưởng lợi, trong đó VPS có tốc độ tăng trưởng thị phần ấn tượng và giành vị trí số 1 vào quý I/2021 (duy trì cho đến ngày nay), chấm dứt một thập kỷ dẫn đầu của nhóm Big 4 mà SSI là đại diện. Nhờ chính sách hoa hồng hấp dẫn (dành 50 – 60% hoa hồng cho cộng tác viên và môi giới), kết hợp lãi suất margin thấp và mức phí hợp đồng phái sinh thấp nhất thị trường, VPS dần lấy thị phần từ SSI, HCM, VND và ngày càng kéo giãn khoảng cách thị phần với doanh nghiệp có thị phần lớn thứ hai là SSI.
Gần đây, SSI buộc phải thay đổi chiến lược khi đưa ra chính sách hoa hồng mới, trong đó chi đến 96% hoa hồng cho các broker. Trước SSI, nhiều công ty khác cũng đã có động thái tương tự như DNSE, VPBS, một số công ty còn miễn phí giao dịch như Pintree, TCBS.
Lợi nhuận có thể không như kỳ vọng
Từ mức phí giao dịch 0,35%, sau đó hạ về 0,15% khi các công ty chứng khoán Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) gia nhập thị trường, rồi xuống mức 0,11% và cuối cùng là miễn phí giao dịch, có thể thấy sự cạnh tranh đang khiến các công ty chứng khoán càng ngày càng phải cắt bớt biên lợi nhuận. Không những thế, chi phí hoa hồng cho đội ngũ broker được điều chỉnh tăng để họ không chuyển sang công ty đối thủ. Như vậy, với mảng môi giới hiện nay, dù “miếng bánh” giao dịch có lớn hơn nhờ thanh khoản thị trường gia tăng, song các công ty chứng khoán cũng không thu được nhiều lợi ích như kỳ vọng, nhất là với những công ty hướng đến chính sách phí giao dịch bằng 0 để thu hút khách hàng.
Nếu không thu được phí giao dịch, công ty chứng khoán lấy nguồn thu từ đâu để vận hành? Nguồn thu chủ yếu đến từ hoạt động cho vay margin. Các công ty giữ được thị phần tức giữ được lượng khách hàng giao dịch đang để tiền trong công ty, qua đó có thể cho các khách hàng này vay margin và hưởng chênh lệch lãi suất. Tất nhiên, nhiều công ty cũng cạnh tranh thông qua việc hạ lãi suất cho vay margin xuống thấp như nhóm công ty Hàn Quốc, Đài Loan (8 – 9%/năm). Một số công ty hướng đến chính sách margin đa dạng (như VPS, DNSE), qua đó có thể cho vay với lãi suất 12 – 14%/năm mà vẫn giữ chân được khách hàng.
Mặc dù vậy, quy định chỉ cho vay tối đa 10% nguồn vốn cho một mã chứng khoán và 3% cho một khách hàng, tổng mức cho vay vay tối đa 200% vốn chủ sở hữu khiến các công ty chứng khoán không tích lũy đủ lợi nhuận để có thể gia tăng nguồn vốn cho vay nhanh chóng. Theo đó, việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu liên tục được nhiều công ty thực hiện, khiến cổ phiếu bị pha loãng và hiệu quả sử dụng vốn giảm dần khi phải giảm lãi suất cho vay margin để cạnh tranh.
Hiện tại, với 2 nghiệp vụ cơ bản nhất là môi giới và cho vay margin, dù thanh khoản thị trường có tiếp tục tăng theo đà phát triển của thị trường, thì nguồn thu của các công ty chứng khoán ở các nghiệp vụ này nhiều khả năng sẽ có xu hướng biến động khó lường, chứ không phải chỉ một đường đi lên như kỳ vọng. Với định giá P/E toàn ngành lên đến 22,82 lần, P/B 1,84 lần, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang được định giá ở mức cao, có những mã lập đỉnh giá mới, dù kết quả kinh doanh vẫn đang mơ hồ ở phía trước.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn