Đến thời điểm thanh toán mà nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được chuyển sang CTCK, công ty đại chúng phải bắt buộc công bố thông tin bằng tiếng Anh…
Bên cạnh các vấn đề nút thắt như Yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và Giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, việc nâng cao chất lượng quản trị công ty nói chung và chất lượng công bố thông tin của doanh nghiệp niêm yết nói riêng cũng là đòi hỏi bức thiết nhằm đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan quản lý đang ưu tiên giải quyết tiêu chí được FTSE đề cập cùng với các vấn đề khác như tỷ lệ sở hữu nước ngoài, giải pháp minh bạch thị trường.
Theo đó, UBCKNN đang nghiên cứu và sẽ đề xuất sửa đổi một số văn bản pháp lý như Nghị định 155/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán; Thông tư 96/2020/TT-BTC về công bố thông tin; Thông tư 119/2020/TT-BTC về lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; Thông tư 120/2020/TT-BTC về giao dịch chứng khoán.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam có quy định ngành nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với đầu tư nước ngoài, chưa có hướng dẫn cụ thể về cách xác định chính xác giới hạn sở hữu nước ngoài tương ứng với ngành, nghề doanh nghiệp đang hoạt động. Vì thế, cần làm rõ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại doanh nghiệp đảm bảo nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận thông tin này. Đồng thời, cần đẩy mạnh quá trình thoái vốn, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tăng tỷ lệ cổ phiếu chuyển nhượng tự do của các doanh nghiệp nhà nước niêm yết.
Giải pháp được đưa ra là sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP yêu cầu các công ty đại chúng trên thị trường chứng khoán phải bắt buộc công bố rõ về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại mỗi công ty trên trang thông tin của công ty và Sở giao dịch chứng khoán. Công bố một số loại thông tin nhất định bằng song ngữ tiếng Việt _ Tiếng Anh để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài trong tiếp cận thông tin.
Theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế, khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường Việt Nam còn hạn chế, cần phải cải thiện (cụ thể là các thông tin công bố bằng tiếng Anh). Giải pháp được tính đến là xác định danh sách công ty đại chúng bắt buộc tuân thủ việc công bố thông tin bằng tiếng Anh trong ngắn hạn và dài hạn.
Theo đó, Công ty đại chúng quy mô lớn (vốn góp chủ sở hữu từ 120 tỷ đồng trở lên) được yêu cầu công bố thông tin bằng tiếng Anh đối với các thông tin công bố định kỳ. Công ty đại chúng có vốn góp chủ sở hữu dưới 120 tỷ đồng và việc công bố thông tin bất thường sẽ thực hiện sau theo lộ trình.
Liên quan đến việc giao dịch ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài, cơ quan quản lý định hướng cho phép đến thời điểm thanh toán mà nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không có đủ tiền thì nghĩa vụ thanh toán của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài sẽ được chuyển sang CTCK.
Theo đó sẽ sửa đổi Thông tư 96/2020/TT-BTC theo hướng bổ sung Khoản 7a Điều 33 “Trường hợp CTCK là người có liên quan của người nội bộ của tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc quỹ đại chúng niêm yết, khi thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư không đủ khả năng thanh toán thông qua nghiệp vụ tự doanh của mình, CTCK không phải thực hiện công bố thông tin trước khi giao dịch và phải báo cáo UBCKNN, Sở GDCK, tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm hoàn thành giao dịch về việc miễn trừ trách nhiệm công bố thông tin trước giao dịch của người nội bộ, người có liên quan của người nội bộ là CTCK khi CTCK thực hiện nghĩa vụ thanh toán thay cho nhà đầu tư nước ngoài sử dụng dịch vụ giao dịch không ký quỹ 100% tiền bị mất khả năng thanh toán.
Đồng thời, cơ quan quản lý cũng dự kiến bổ sung Khoản 7b Điều 33 “Trường hợp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tại thời điểm thanh toán, CTCK nơi nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đặt lệnh giao dịch phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm thực hiện thanh toán thay cho nhà đầu tư”. Điều này nhằm tăng cường tính răn đe, kỷ luật thanh toán và ngăn chặn khả năng CTCK lợi dụng cơ chế này để cấp tín dụng cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn