Dù đã phát huy được vai trò là một kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhưng thị trường chứng khoán cũng tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục để phát triển bền vững hơn.
Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán ACBS. |
Trong vài năm gần đây, cùng với bối cảnh trầm lắng của nền kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của nền kinh tế Việt Nam, sự vận hành của thị trường chứng khoán, đặc biệt là kênh huy động vốn của các doanh nghiệp đang có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, để đảm bảo chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán được phát huy một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai, chúng tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần ưu tiên thực hiện một số nhóm giải pháp như sau:
Kiện toàn khung pháp lý và tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường
Phải khẳng định rằng, Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một khoảng cách giữa các quy định của Luật và thực tiễn triển khai, từ đó tạo ra một số khó khăn đối với hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp.
Đơn cử như hoạt động phát hành trái phiếu ra công chúng, các thủ tục hiện tại khiến cho một giao dịch phát hành thường kéo dài khoảng 6 – 9 tháng để hoàn thành. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần huy động một nguồn lực rất lớn để có thể thực hiện được giao dịch phát hành này. Trong khi đó, môi trường lãi suất liên tục thay đổi, khiến những phương án tính toán ban đầu có thể không còn phù hợp sau vài tháng. Khó khăn phức tạp về thủ tục dẫn tới việc kéo dài thời gian xin cấp phép phát hành, từ đó, các công ty niêm yết sẽ có xu hướng lựa chọn con đường nhanh chóng và dễ dàng hơn, đó là phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát và hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu quản lý và nâng cao tính minh bạch của thị trường, vừa tạo được sự thông thoáng và nhanh gọn về mặt thủ tục, quy trình để gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như đơn vị tư vấn.
Song song với việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán thì việc quản lý, giám sát sự tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán cũng là một nhiệm vụ không thể thiếu, nhằm đảm bảo phát hiện và xử lý các sai phạm một cách kịp thời, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch và công bằng với mọi đối tượng nhà đầu tư.
Nâng cao số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết
Sau hơn 20 năm phát triển, theo số liệu của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tới cuối tháng 6/2023, trên cả 3 sàn có 1.600 doanh nghiệp đang niêm yết, đăng ký giao dịch. Trong đó, HOSE có 403 doanh nghiệp, HNX có 332 doanh nghiệp và UPCoM có 865 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, gần 90% giá trị và khối lượng giao dịch tập trung vào nhóm cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Điều đó đồng nghĩa với việc, xét trên góc độ phân phối nguồn lực tài chính và huy động vốn, thì nhóm doanh nghiệp đang thực sự được hưởng lợi từ thị trường chứng khoán vẫn còn khá khiêm tốn so với tổng số các doanh nghiệp niêm yết, cũng như với toàn bộ hệ thống doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Xét theo khía cạnh vốn hóa, Top 10 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán chiếm 35% tổng vốn hóa của 3 sàn. Chính sự tập trung vốn hóa quá lớn vào một số doanh nghiệp và một vài nhóm ngành cũng gián tiếp tạo ra một sự mất cân đối về cơ cấu của thị trường chứng khoán.
Do đó, theo chúng tôi, trước khi đặt mục tiêu gia tăng thêm số lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, nên chăng tập trung vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp đang giao dịch trên thị trường UPCoM dần đạt chuẩn và có động lực chuyển sang niêm yết trên sàn HNX/HOSE để làm sâu thêm tệp doanh nghiệp chất lượng cao cho nhà đầu tư.
Cải thiện cơ sở hạ tầng với tầm nhìn dài hạn
Một trong những giải pháp tối quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, đó là cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt tất cả các nhu cầu giao dịch của thị trường, bao gồm cả khối lượng giao dịch lẫn nhu cầu phát triển các sản phẩm mới. Mục tiêu cuối cùng là để thị trường có thể vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã từng gặp sự cố hệ thống giao dịch khi khối lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021. Việc tập trung triển khai hệ thống giao dịch KRX để thay thế hệ thống giao dịch cũ, theo chúng tôi, là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn để giải quyết được các vấn đề tồn đọng của hệ thống giao dịch cũ. Hệ thống giao dịch mới càng được đưa vào áp dụng sớm chừng nào thì lợi ích của nó đối với thị trường chứng khoán càng lớn chừng đó.
Thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư
Sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán có sự đóng góp rất lớn từ sự tham gia bền vững của các nhà đầu tư. Chúng ta có thể chia nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán thành các nhóm khác nhau theo các tiêu chí khác nhau: Nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài; nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức; hoặc nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư không chuyên nghiệp…
Để thu hút sự tham gia của các đối tượng nhà đầu tư này, chúng tôi cho rằng, cần phải triển khai các giải pháp khác nhau với từng nhóm nhà đầu tư khác nhau.
Thứ nhất, đối với nhóm nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chuyên nghiệp, rào cản lớn nhất ảnh hưởng tới mức độ quan tâm của nhóm này với thị trường chứng khoán Việt Nam chính là việc nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Vấn đề này đã được Chính phủ và các cơ quan quản lý nhận thức một cách rốt ráo và có kế hoạch hành động cụ thể để nâng hạng thị trường trong thời gian tới. Một khi giải được bài toán này, cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam đón nhận dòng vốn mới từ các tổ chức tài chính và quỹ đầu tư lớn trên thế giới là rất lớn, có thể lên tới 10 tỷ USD sau khi nâng hạng.
Thứ hai, đối với nhóm nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Đây là nhóm nhà đầu tư có vai trò ngày càng tăng đối với thị trường chứng khoán trong mấy năm vừa qua. Theo thống kê về khối lượng và giá trị giao dịch, thì tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước đã gia tăng liên tục trong các năm qua (từ 77% lên 85% trong giai đoạn 2017 – 2023). Số lượng mở mới tài khoản cũng như giá trị giao dịch của nhóm này cũng tăng vọt (tăng gấp gần 4 lần trong giai đoạn 2017 – 2023). Tuy nhiên, đa phần các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường chứng khoán với một nền tảng kiến thức về tài chính và đầu tư còn tương đối sơ lược. Hoạt động đầu tư thường theo trào lưu, cảm tính, với tầm nhìn ngắn hạn và thường rời bỏ thị trường khi gặp thất bại.
Do đó, mục tiêu lớn nhất của các cơ quan chức năng cũng như của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, đó là phát triển và duy trì được sự tham gia bền vững, lâu dài của nhóm nhà đầu tư này, vì đây là một nguồn lực rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu đó, chúng ta có thể triển khai đồng bộ một số nhóm giải pháp sau: Một là, tăng cường truyền thông về chức năng của thị trường chứng khoán để nhà đầu tư cá nhân có một hiểu biết và tâm thế đúng đắn khi bắt đầu tham gia thị trường, phân biệt được sự khác biệt giữa “đầu tư” và “đầu cơ;
Hai là, ưu tiên phát triển các quỹ đầu tư, nơi các nhà đầu tư cá nhân với số vốn đầu tư nhỏ có thể tham gia, thay vì tự tham gia thị trường khi chưa đủ kiến thức. Các quỹ đầu tư, đầu tư kết hợp bảo hiểm, quỹ hưu trí… cần được thúc đẩy để trở nên phổ biến, hiện diện trong từng doanh nghiệp;
Ba là, tăng cường quản lý giám sát thị trường để tạo môi trường đầu tư minh bạch, công bằng cho mọi nhà đầu tư;
Bốn là, tăng cường các chế tài đối với doanh nghiệp niêm yết để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn