Số liệu tăng trưởng kinh tế quý II/2023 vừa được công bố không có bất ngờ. Doanh nghiệp và nhà đầu tư kỳ vọng chuyển biến thực sự sẽ đến trong quý III sau khi lãi suất thấp ngấm dần, Nhà nước triển khai các dự án đầu tư công, thúc đẩy tiến độ giải ngân, tạo hiệu ứng lan tỏa.
Lĩnh vực sản xuất còn yếu
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC, những số liệu kinh tế quý II/2023 vừa được công bố cho thấy, dù rất nỗ lực hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ, nhưng kinh tế trong nước còn rất yếu, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội cho thấy, GDP quý II/2023 của Việt Nam ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm chỉ vỏn vẹn 0,44% so với cùng kỳ năm ngoái, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023. Đây là điều đã được dự báo từ trước, khi Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã suy giảm 6 lần trong 7 tháng gần nhất, tính đến tháng 5/2023.
Với số liệu vĩ mô vừa công bố, không bất ngờ khi kết quả kinh doanh quý II của nhiều doanh nghiệp tương đối ảm đạm, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất.
Đáng chú ý là, sau nhiều lần hạ lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng thương mại lớn đã về dưới 7%, kỳ hạn 6 tháng dưới 6%. Đây là mức lãi suất khá hợp lý. Tuy nhiên, ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn thì lãi suất kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng vẫn xoay quanh mốc trên dưới 8%, là mức khá cao.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest cho biết, cần thêm thời gian để lãi suất thấm vào nền kinh tế, bởi khả năng hấp thu vốn của doanh nghiệp khá yếu sau thời gian oằn lưng gánh lãi suất cao và ứng phó với khó khăn về thanh khoản, nhu cầu tiêu thụ trong nước suy giảm.
Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế. Để các chính sách này ngấm vào đời sống cần có thời gian. Vì thế, kỳ vọng từ quý III, các chính sách vĩ mô sẽ tác động rõ ràng hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin, tính đến giữa tháng 6, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tú nhận định, 3,36% chưa phải là con số tín dụng tăng cao và nhanh. NHNN rất muốn đẩy mạnh tín dụng, nhưng không thể hạ chuẩn tín dụng, bất chấp để cho vay mà không quan tâm đến rủi ro trong tương lai.
Từ góc độ vi mô, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chia sẻ: “Có những người bạn của tôi làm ở các chi nhánh ngân hàng đang than vì bây giờ không áp chỉ tiêu huy động, mà phải chạy đua chỉ tiêu tín dụng. Bởi các ngân hàng đang huy động hàng ngàn tỷ đồng lãi suất cao, nếu dư thừa trong hệ thống lâu thì sẽ không hiệu quả, nên không loại trừ khả năng sắp tới các ngân hàng sẽ phải linh hoạt và năng động hơn để thúc đẩy cho vay”.
Kỳ vọng vào quý III
Các vấn đề nội tại của nền kinh tế đã được Chính phủ nhận diện rõ và đã có nhiều giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, để các chính sách này ngấm vào đời sống cần có thời gian. Vì thế, kỳ vọng từ tháng 7 và cả quý III sẽ là giai đoạn bắt đầu cảm nhận chính sách vĩ mô tác động rõ ràng hơn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời điểm này, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, một số doanh nghiệp đã xây dựng chính sách bán hàng để đón đầu sự chuyển động của kinh tế vĩ mô. Chẳng hạn, doanh nghiệp bất động sản xây dựng chính sách bán hàng có hỗ trợ lãi suất cho người mua có thể dùng vốn tự có để thanh toán 20-35% giá trị căn hộ, sau đó chuyển qua sử dụng nguồn vốn vay với lãi suất được hỗ trợ để thanh toán nốt giá trị căn hộ sau khi nhận nhà là thời điểm sau 1 đến 2 năm nữa. Rõ ràng, nhìn trong trung hạn 1 năm trở lên thì lãi suất sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhiều.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa tung gói hỗ trợ 20.000 tỷ đồng với lãi suất từ 8,4% với chủ đầu tư và 7,8% với người mua nhà, như là một tín hiệu kích cầu trở lại lĩnh vực nhà ở thương mại vốn đang mất thanh khoản. Khi thị trường bất động sản có những chuyển động tích cực hơn, sẽ tạo tâm lý yên tâm cho doanh nghiệp và giới đầu tư.
Đặc biệt hiện nay, khi các dự án đầu tư công trọng điểm như đường giao thông liên tỉnh, gói thầu sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng đang đấu thầu, là những thông tin tạo kỳ vọng cho tăng trưởng. Tiêu thụ sắt thép, vật liệu xây dựng, xi măng, đá xây dựng và ngành xây dựng kết cấu hạ tầng sẽ tăng trưởng trong các tháng cuối năm và cả năm 2024 nhờ thúc đẩy đầu tư công.
Về cơ bản, kinh tế vĩ mô đang ủng hộ cho tăng trưởng. Tuy nhiên, rủi ro được đề cập là tỷ giá khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến có thêm 2 lần tăng lãi suất trong năm nay. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk cho rằng, việc tăng lãi suất của Fed sẽ cản trở quá trình giảm lãi suất ở thị trường trong nước.
“Tôi dự đoán, nhiều khả năng sẽ không có thêm đợt giảm lãi suất điều hành nào trong năm 2023 để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, khi lãi suất huy động của các ngân hàng có vốn nhà nước đã xuống mức khá thấp, thì mặt bằng lãi suất của các ngân hàng thương mại cổ phần dần dần sẽ phải giảm theo, nên dư địa giảm lãi suất cho vay vẫn còn đáng kể”, ông Điệp nói.
Lãi suất giảm, chi phí vốn hợp lý và chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên 11% cho năm nay là yếu tố quan trọng, tạo niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư, từ đó giúp tăng trưởng kinh tế phục hồi rõ nét hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn