Thị trường nối tiếp đà hồi phục tích cực và có cơ hội trở lại vùng đỉnh cũ quanh 1.125-1.130 điểm. Trong khi đó, dòng tiền đang có tín hiệu trở lại với các cổ phiếu bất động sản, khi khối lượng giao dịch đang tập trung rất cao vào nhóm này.
Trong phiên hôm qua, VN-Index có thời điểm giằng co và chịu sức ép và lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu, nhưng về cuối phiên, sắc xanh dần lan rộng bảng điện tử cùng với sự dẫn dắt tích cực của nhóm VN30 đã giúp VN-Index bật tăng lên gần 1.120 điểm, kết phiên tại vùng giá cao nhất ngày cùng thanh khoản cải thiện tích cực khi vượt xa mức 15.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dòng tiền vẫn luân chuyển mạnh mẽ và đến lượt nhóm cổ nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng. Bên cạnh AGR sớm khoe sắc tím, các cổ phiếu khác cũng đua nhau tăng mạnh.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 22/6, VN-Index sớm có nhịp tăng khá mạnh lên gần 10 điểm ngay khi mở cửa với dòng tiền tiếp tục sôi động và sắc xanh chiếm ưu thế lớn trên bảng điện tử. Tuy nhiên, khi chưa chạm đến 1.130 điểm, chỉ số đã bị đẩy nhẹ trở lại và rung lắc ở trên vùng 1.125 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch do các bluechip vẫn chỉ biến động nhẹ.
Nhà đầu tư dường như vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, nhưng với lực mua chỉ ở mức thăm dò nên không nhiều mã tăng mạnh, với chỉ một số ít như PTL, QCG có lúc tăng trần, DIG và TCD vọt hơn 5%, các cổ phiếu DXG, KDH, DXS tăng trên dưới 4%.
Trong đó, cổ phiếu DIG và DXG đang hút giao dịch nhất khi thanh khoản đang dẫn đầu thị trường, ngay phía sau cũng là những cổ phiếu bất động sản, xây dựng như NVL, CII, PDR, VCG, GEX…
Dù dòng tiền trên thị trường vẫn mạnh, bảng điện tử hơn 270 mã tăng riêng trên sàn HOSE, nhưng VN-Index không thể bật qua ngưỡng 1.125 điểm mà gần như chỉ đi ngang quanh mốc điểm này do các bluechip hoạt động yếu.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 276 mã tăng và 106 mã giảm, VN-Index tăng 5,93 điểm (+0,53%), lên 1.124,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 430 triệu đơn vị, giá trị 8.433,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,5 triệu đơn vị, giá trị 602,5 tỷ đồng.
Dù rằng có tới 2/3 số mã tăng trong rổ VN30, nhưng mức tăng đều chỉ ở mức thấp, với VIB tích cực nhất cũng chỉ +1,8% lên 19.750 đồng. Theo sau là hai mã bất động sản NVL và PDR khi nhích 1,7% và 1,4%. Tăng hơn 1% còn MBB, VHM, HDB, MWG, BID và STB.
Ở chiều ngược lại, cũng chỉ có BCM là cổ phiếu duy nhất mất hơn 1%, còn lại GAS, FPT, HPG, GVR, BVH chỉ giảm nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, mức tăng đáng kể nhất ở tại một số cổ phiếu bất động sản, xây dựng, với NBB và QCG đều đã tăng kịch trần lên 15.850 đồng và 10.150 đồng, khớp lần lượt 1,11 triệu và 1,75 triệu đơn vị.
Cũng có được sắc tím có PTL +6,9% lên 4.510 đồng, khớp 0,44 triệu đơn vị, sau khi có thông tin mới về kế hoạch phát hành 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Các cổ phiếu tăng mạnh khác trong nhóm còn có DIG +5,3% lên 22.850 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với 31,68 triệu đơn vị, TCD +4,9% lên 10.150 đồng, DXS +4,6% lên 9.150 đồng, NVT +4,6% lên 9.390 đồng, KDH +3,8% lên 31.750 đồng, DXG +3,6% lên 15.900 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau DIG với hơn 17,4 triệu đơn vị…
Ngoài nhóm bất động sản, một số cổ phiếu nhóm hóa chất, phân bón cũng có phiên khởi sắc, với CSV tăng trần +6,9% lên 34.900 đồng, tương tự là SFG +6,9% lên 9.460 đồng, DGC +3,6% lên 66.000 đồng, BFC +3,1% lên 16.800 đồng, DCM +3,1% lên 26.250 đồng, DPM +2,6% lên 34.050 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index sau nhịp tăng đầu phiên đã yếu đà và về sát tham chiếu vào cuối phiên.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 80 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,01%), lên 231,8 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,8 triệu đơn vị, giá trị 895,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,9 triệu đơn vị, giá trị 38,2 tỷ đồng.
Bảng điện tử phân hóa mạnh, nhưng các sắc xanh, đỏ phần lớn chỉ biến động nhẹ, như SHS, IDJ, APS, MBS API, LIG, DVM, DDG chỉ giảm nhẹ, trong khi đó, IDC, PVC, TNG, PVC, TAR, TIG tăng nhẹ, chỉ riêng LAS tăng khá +4,5% lên 11.500 đồng.
Khá nhiều cổ phiếu giằng co mạnh và về tham chiếu như HUT, AMV, MBG, NRC DTD, MST…
Phiên này, cổ phiếu CEO khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 7,63 triệu đơn vị và tăng 2,3% lên 26.400 đồng.
Trên UpCoM, dù khá nhiều cổ phiếu thanh khoản tăng, nhưng UpCoM-Index vẫn bị đẩy xuống dưới tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng điểm.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,06 điểm (-0,08%), xuống 85,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,3 triệu đơn vị, giá trị 506 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,61 triệu đơn vị, giá trị 128,8 tỷ đồng.
Các cổ phiếu thu hút lực cầu nhất đều tăng, nhưng mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1,5%, như BSR +1,7% lên 17.800 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 11,09 triệu đơn vị, C4G +2,2% lên 14.150 đồng, khớp hơn 4 triệu đơn vị, SBS +1,3% lên 8.100 đồng, khớp 1,35 triệu đơn vị…
Các mã tăng khác còn PXT, PXI, QTP, VGT, DDV, OIL, VHG, khớp từ 0,61 triệu đến gần 1,3 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn