Sau phiên giao dịch đẩy biến động hôm qua với tâm điểm tại các ngành ngân hàng, bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, nhà đầu tư đang có dấu hiệu dịch chuyển dòng tiền, tìm kiếm cơ hội ở các nhóm ngành mới và phiên hôm nay có thể có sóng đến từ các mã dầu khí, vận tải.
Trong phiên hôm qua, dù VN-Index kéo qua vùng giá 1.130 điểm từ khá sớm, nhưng nỗ lực bất thành đã khiến chỉ số rơi nhanh về ngưỡng hỗ trợ 1.120 điểm và hãm được đà rơi.
Về cuối phiên, VN-Index dần nhích bước và đã đảo chiều hồi phục sắc xanh thành công trong ít phút trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và sau đó tiếp tục nới nhẹ đà tăng điểm nhờ một số bluechip khởi sắc như MWG, GVR, VNM.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 27/6, VN-Index tiếp tục đà tăng và vượt lên trên 1.135 điểm nhờ sắc xanh lan tỏa trên bảng điện tử, nhưng nhóm bluechip phân hóa dần khiến chỉ số dần mất đi động lực và quay trở lại trạng thái giằng co nhẹ trên vùng tham chiếu sau đó.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dù đa số tăng điểm, nhưng lực cầu giá cao chỉ xuất hiện tại một số ít như tại ba cổ phiếu dòng P là PVT, PVP và PSH khi đều đã tăng trần từ khá sớm, với PVT khớp lệnh tăng vọt với hơn 5,4 triệu đơn vị chỉ sau hơn 1 giờ giao dịch và khả năng cao sẽ vượt lên phiên có khối lượng cao nhất vào đầu năm nay.
Các cổ phiếu vận tải, logistics cũng đang thu hút dòng tiền khá tốt và tăng mạnh với GSP, VTO, HAH, VOS, VIP nhích từ 4% đến hơn 5%, thanh khoản tương đối tốt.
Trái lại, cổ phiếu ST8 tiếp tục bị chốt lời và giảm sàn về 25.850 đồng. Tương tự là QCG, khi cũng có lúc đã giảm sàn về 9.400 đồng.
Nhịp tăng lên trên 1.135 điểm khiến áp lực bán gia tăng và đẩy VN-Index mạnh xuống dưới tham chiếu. Dù vậy, nhờ sự cân bằng ở nhóm bluechip đã giúp VN-Index bật nhẹ trở lại sắc xanh ở những phút cuối.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 208 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 0,22 điểm (+0,02%), lên 1.132,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 350,9 triệu đơn vị, giá trị 7.098 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 37,9 triệu đơn vị, giá trị 803 tỷ đồng.
Nhóm VN30 phần lớn chỉ biến động nhẹ, ngoài một vài cái tên đáng chú ý, như VRE khi là mã tăng tốt nhất +2,8% lên 27.450 đồng, cũng như NVL khi thanh khoản cao nhất nhóm và dẫn đầu thị trường với 20,4 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích 1% lên 15.050 đồng, cùng với đó là SSI khi khối lượng khớp lệnh cũng chỉ đứng sau NVL trên sàn với 10,1 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích 1,7% lên 26.250 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu logistics vận tải, đặc biệt là vận tải các sản phẩm dầu khí là điểm nhấn, với TMS và PVT đã tăng trần lên 53.600 đồng và 22.800 đồng, trong đó, PVT khớp lệnh hơn 5,59 triệu đơn vị
Các mã khác trong nhóm tăng khá còn có GSP +3,5% lên 11.900 đồng, VTO +3,7% lên 9.240 đồng, PJT +3,8% lên 10.800 đồng, VOS +4,8% lên 13.200 đồng, HAH +4,8% lên 46.850 đồng, VIP +5,7% lên 11.100 đồng, PVP +5,9% lên 14.300 đồng, cùng một cổ phiếu kinh doanh dầu khí là PSH +5,8% lên 13.600 đồng.
Ở những nơi khác, lực mua thăm dò giúp khá nhiều cổ phiếu tăng trên dưới 2% và tương đối phân tán ở nhiều nhóm ngành khác nhau, như bất động sản, hóa chất, thủy sản… với những cái tên như EVG, ASM, CTI, HCD, IDI, ANV, CMX, DGC, MSH…
Trái lại, cổ phiếu giảm sâu đáng kể nhất là ST8 khi về giá sàn -6,8% xuống 25.850 đồng, khớp 0,21 triệu đơn vị, cổ phiếu QCG thoát giá sàn nhưng vẫn còn giảm khá sâu -6% xuống 9.490 đồng, khớp 1,61 triệu đơn vị. Phần còn lại không mã nào giảm quá sâu.
Trên sàn HNX, phần lớn các mã lớn thu hẹp đà tăng và áp lực phân hóa trên bảng điện tử khiến HNX-Index lùi nhẹ về tham chiếu sau nửa đầu phiên tăng điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 77 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,07%), xuống 230,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 35,8 triệu đơn vị, giá trị 657,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,87 triệu đơn vị, giá trị 36,9 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tăng đáng kể có CTC tăng trần +7,1% lên 3.000 đồng, DL1 +4% lên 5.200 đồng, PVC +3,3% lên 18.800 đồng, TNG +2,6% lên 19.500 đồng, trong khi các mã SHS, PVS, HUT, TAR, NRC, TIG, LAS chỉ nhích nhẹ, với SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 6,8 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu API, APS và IDJ tiếp tục nằm sàn với khối lượng dư bán chất đống, với API dư bán sàn hơn 6 triệu đơn vị, APS dư bán 11,96 triệu đơn vị và IDJ dư bán hơn 17 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nửa đầu phiên tăng điểm cũng đã hạ nhiệt và có thời điểm về dưới tham chiếu trước khi nhích lên vào những phút cuối.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,04%), lên 85,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 20,1 triệu đơn vị, giá trị 277,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,59 triệu đơn vị, giá trị 7,61 tỷ đồng.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất là AAS của CTCP Chứng khoán Smart Invest, trong ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 50% và chào bán 80 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, giá cổ phiếu AAS đã tăng kịch trần +14,4% lên 11.900 đồng, khớp lệnh đứng thứ hai trên UpCoM với 1,48 triệu đơn vị.
Cổ phiếu BSR vẫn là mã hút giao dịch nhất với 3,68 triệu đơn vị, giá cổ phiếu nhích nhẹ 0,6% lên 17.500 đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn