Thị trường rung lắc và đã hồi phục mốc 1.250 điểm thành công nhờ một số mã lớn giao dịch khởi sắc. Điểm sáng thị trường thuộc về nhóm ngành sản xuất, với nhiều mã đua nhau tăng tốt.
Mặc dù nhịp điều chỉnh giảm đã được giới phân tích cảnh báo và nhà đầu tư cũng đã chuẩn bị tâm lý, nhưng pha biến động mạnh ngày 8/3 dường như nằm ngoài dự đoán của toàn thị trường. Áp lực bán mạnh trên diện rộng đã khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và chỉ số VN-Index xuyên thủng mốc hỗ trợ 1.250 điểm.
Về yếu tố kỹ thuật, hai chỉ báo RSI và MACD đã tạo đỉnh và hướng xuống cùng với việc DI+ đảo chiều cho thấy VN-Index đang bước vào nhịp chỉnh sau giai đoạn dài tăng điểm. Tuy nhiên, MACD mới chỉ hình thành đỉnh đầu tiên nên xu hướng chính của thị trường vẫn là tăng điểm trung hạn và những phiên điều chỉnh rung lắc mạnh là cần thiết để VN-Index tiếp tục hướng lên các khu vực cao.
Theo Chứng khoán Kafi, nhịp điều chỉnh lần này cần thời gian để quan sát thêm, nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn đang là bệ đỡ vững chắc cho thị trường. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index quanh 1.200 điểm và xa hơn là 1.160 – 1.170 điểm được kỳ vọng sẽ kích thích lực cầu bắt đáy lớn.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 11/3, tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn sau phiên đột biến ngày 8/3, đã khiến thị trường giao dịch phân hóa và chỉ số VN-Index biến động giằng co nhẹ quanh mốc tham chiếu.
Sau khoảng 90 phút giao dịch, thị trường đang trong xu hướng xanh vỏ đỏ lòng với thanh khoản có phần kém sôi động hơn so với những phiên gần đây.
Nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng vẫn biến động kém khả quan với chủ yếu đang điều chỉnh nhẹ.
Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu khởi sắc với điểm sáng là nhóm công nghệ và chế biến thủy sản. Cụ thể, ở nhóm công nghệ, cổ phiếu lớn FPT đang lấy lại mức giá cao kỷ lục trên 111.000 đồng/CP, bên cạnh CTR sớm tăng kịch trần, VGI tăng mạnh trên 6,5%…
Ở nhóm thủy sản, sắc xanh đang chiếm ưu thế với phần lớn các mã tăng trên 3%. Điểm sáng ngành là cổ phiếu IDI đang biến động quanh mức giá trần với thanh khoản sôi động so với thị trường chung, hiện đang đứng ở vị trí thứ 7 của thị trường khi đạt khối lượng khớp lệnh hơn 5,7 triệu đơn vị.
Bên cạnh thủy sản, nhiều cổ phiếu khác trong nhóm ngành sản xuất cũng đua nhau khởi sắc như DBC, BAF, GVR… đều tăng hơn 3%, hay mã lớn MSN và VNM đang tăng trên dưới 1,5%.
Mặc dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử nhưng sự khởi sắc của một số mã lớn, đặc biệt là dòng bank đã đảo chiều thành công với điểm sáng từ mã lớn BID, đã giúp VN-Index lấy lại mốc 1.250 điểm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 182 mã tăng và 253 mã giảm, VN-Index tăng 4,58 điểm (+0,37%) lên 1.251,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 387 triệu đơn vị, giá trị 9.649 tỷ đồng, giảm 44,42% về khối lượng và 42,65% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 8/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 25 triệu đơn vị, giá trị 563,38 tỷ đồng.
Nhóm VN30 giao dịch phân hóa với số mã tăng giảm khá cân bằng nhau, chốt phiên chỉ số nhóm này tăng nhẹ chưa tới 3 điểm. Trong đó, các mã tăng tốt nhất là GVR tăng 3,3%, cùng MSN, FPT, BID, VNM đều tăng hơn 1,5%, còn lại nhích nhẹ. Ngược lại, các cổ phiếu giảm trong biên độ khá hẹp, với BCM và TCB giảm sâu nhất khi cùng mất 1,3%. Điều này cho thấy các mã lớn vẫn là động lực tiếp sức giúp thị trường lấy lại thăng bằng và hồi phục sau phiên biến động mạnh ngày 8/3.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, ấn tượng nhất là DBC có thanh khoản ấn tượng, dẫn đầu thị trường với hơn 15 triệu đơn vị giao dịch thành công, chốt phiên sáng nay tăng 3,6% lên mức 30.450 đồng/CP. Ngoài ra, một số mã như BFC, DMC, NO1, VRC chốt phiên tăng kịch trần.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nhích nhẹ. Bên cạnh BID hỗ trợ tốt, nhiều mã khác trong ngành cũng đã khởi sắc như VCB và CTG đều tăng nhẹ, còn EIB dẫn đầu dòng bank khi tăng 2,82%. Cặp đôi MBB và SHB đều chốt phiên giảm nhẹ khoảng 0,5%, nhưng thanh khoản sôi động nhất nhóm, tương ứng đạt 12,68 triệu đơn vị và 10,79 triệu đơn vị.
Ngành sản xuất vẫn khởi sắc với đà tăng mạnh với sự dẫn dắt của mã lớn MSN tăng 1,91%, VNM tăng 1,71%, hay các mã khác như DBC, GVR, CSV, PTB… đều tăng hơn 3%.
Trong đó, phân nhóm nhỏ hơn là thủy sản vẫn tích cực với IDI tăng hơn 6%, ASM tăng hơn 4%, DAT tăng 3,95%, ANV tăng 3,62%, CMX tăng 1,81%, FMC tăng 1,35%…
Nhóm công nghệ với anh cả FPT tiếp tục phá kỷ lục mới khi tăng 1,82%, chốt phiên đứng tại mức giá 112.000 đồng/CP, ngoài ra, ELC tăng gần 3%, CTR tăng kịch trần…
Nhóm chứng khoán nhích nhẹ, trong đó VIX giao dịch sôi động nhất ngành với hơn 10 triệu đơn vị, chốt phiên tăng 0,3%, trong khi VND khớp 9,8 triệu đơn vị, chốt phiên giảm nhẹ 0,2%… Điểm sáng ngành là FTS tiếp tục xác lập mức giá kỷ lục mới 62.200 đồng/CP, tăng 4,89%.
Trên sàn HNX, thị trường giao dịch rung lắc và HNX-Index liên tục đổi sắc trong suốt cả phiên sáng.
Chốt phiên, sàn HNX có 50 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,09%) lên 236,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,49 triệu đơn vị, giá trị 717,13 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1,94 triệu đơn vị, giá trị 70,6 tỷ đồng.
Cổ phiếu IDC khởi sắc khi chốt phiên tăng 2,1% lên 59.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 1,85 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã giao dịch sôi động khác đang đứng giá tham chiếu hoặc điều chỉnh nhẹ, với SHS dẫn đầu khi khớp 5,3 triệu đơn vị, chốt phiên đứng giá tham chiếu; PVS và CEO cùng giảm hơn 0,5% và khớp trên 2,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường lùi nhẹ dưới mốc tham chiếu sau hơn nửa đầu phiên giao dịch giằng co.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,15%) xuống 91,09 điểm với 111 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 13,72 triệu đơn vị, giá trị 214,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể chỉ hơn 1 tỷ đồng.
Ấn tượng nhất là mã VGI chốt phiên tăng 6,3% lên mức 38.800 đồng/CP, với khối lượng giao dịch đạt 1,44 triệu đơn vị. Đây là 1 trong 3 mã duy nhất trên UPCoM có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, giao dịch sôi động nhất là BSR với hơn 1,8 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, chốt phiên giảm 1% xuống 19.300 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn