Không chỉ cổ đông Hải Phát Invest (HPX), mà ngay cả nhiều nhà đầu tư khác cũng rất hào hứng đón chào “ngày trở về” của cổ phiếu HPX. Trong khi đó, dù còn rung lắc, nhưng với việc bên bán chùn tay, VN-Index đã hồi trở lại sau 2 phiên giảm liên tiếp.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã chuỗi 4 tháng tăng liên tiếp kể từ tháng 11/2023, còn nếu tính từ đầu năm 2024 tới nay, chỉ số tăng khoảng 9%. Trong chuỗi tăng ấn tượng này, thị trường cũng có những phiên rung lắc, điều chỉnh, đây là điều bình thường và cần thiết để thị trường tích lũy động lực trong quá trình đi lên. Tuy nhiên, có điểm đáng chú ý có nhiều phiên thị trường điều chỉnh sâu và trong các phiên giảm mạnh này, thì thanh khoản lại tăng đột biến so với các phiên tăng, có thể kể đến như phiên 31/1, 23/2, 8/3 và đặc biệt là phiên 18/3 khi khối lượng giao dịch đạt mức kỷ lục với khối lượng khớp lệnh hơn 1,6 tỷ cổ phiếu.
Sau phiên bùng nổ, đua mua, đua bán này, nhà đầu tư đã trấn tĩnh trở lại trong phiên hôm qua (19/3) để quan sát, theo dõi diễn biến thị trường, cũng như dòng tiền để có quyết định tiếp theo.
Sự thận trọng này tiếp tục được duy trì trong phiên giao dịch sáng nay, nhất là khi chỉ còn 1 ngày nữa là đến đáo hạn phái sinh tháng 3.
Tuy nhiên, sau 1 giờ giao dịch giữ tâm lý thận trọng, bên nắm giữ cổ phiếu bất ngờ ra tay, khiến VN-Index đột ngột rơi theo phương thẳng đứng, nhưng đà tăng cũng nhanh chóng được chặn lại khi bên mua hành động kịp thời để gom hàng giá thấp.
Hành động nhanh và dứt khoát của bên mua khiến bên bán chùn tay, qua đó không chỉ hãm đà giảm của VN-Index, mà còn kéo chỉ số này tăng dựng đứng như lúc bị đẩy xuống, lên sát mốc 1.250 điểm.
Tuy nhiên, mốc điểm này dường như đang là mốc kháng cự tạm thời của VN-Index khi chỉ số 2 lần không thể chinh phục được ngưỡng này trong sáng nay.
Chốt phiên sáng, VN-Index tăng 6,26 điểm (+0,5%), lên 1.248,72 điểm với 229 mã tăng và 206 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 393,2 triệu đơn vị, giá trị 9.922 tỷ đồng, giảm nhẹ 6% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên sáng qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 19,4 triệu đơn vị, giá trị 800,9 tỷ đồng.
Trong nhóm VN30, từ việc chỉ có 6 sắc xanh, chốt phiên có thêm 13 mã đảo chiều thành công, nâng số mã tăng lên 19 mã, trong khi số mã giảm chỉ còn 9 mã và biên độ giảm cũng thu hẹp. Trong đó, VIB là mã có mức tăng tốt nhất với 4,98% lên 23.200 đồng, khớp 17 triệu đơn vị, có lúc đã chạm mức trần 23.600 đồng. Tiếp đến là MWG với mức tăng 4,18% lên 47.400 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị. Các mã tăng mạnh tiếp theo trong rổ VN30 đều là các mã ngân hàng gồm MBB, TCB tăng hơn 3%; CTG, ACB tăng hơn 2%; TPB, VPB tăng trên dưới 1,5%. Ngoài ra, nhóm ngân hàng còn có sắc xanh tại STB, SHB, VCB, BID, trong khi chỉ có 3 mã là chưa thể đảo chiều thành công là HDB, SSB và EIB, nhưng mức giảm cũng thu hẹp đáng kể, chỉ còn giảm dưới 0,5%.
Không chỉ tích cực về giá, nhóm ngân hàng cũng hút tiền trong phiên sáng nay khi trong Top 10 mã có thanh khoản tốt nhất có tới 7 mã ngân hàng, trong đó có 4 mã đứng ở vị trí đầu là MBB (24,4 triệu đơn vị), VIB (17 triệu đơn vị), SHB (14,1 triệu đơn vị) và STB (12,2 triệu đơn vị). Cùng với đó còn có TPB (10,4 triệu đơn vị), ACB (8,5 triệu đơn vị), đứng ở vị trí 7 và thứ 10. Ngoài ra, còn có TCB ở vị trí 11 với 8,2 triệu đơn vị, hay MSB, CTG cũng khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng đã đảo chiều thành công, chỉ còn duy nhất VND giảm nhẹ cùng HCM và VDS đứng tham chiếu. Dù vậy mức tăng của nhóm này không lớn khi 2 mã tăng mạnh nhất là BSI và VCI chỉ chưa tới 1,4%. Về thanh khoản thì VIX và VND là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm, đứng ở vị trí thứ 6 và 8 trong Top 10 trên sàn HOSE với 11,3 triệu đơn vị và 9,1 triệu đơn vị
Trong các mã đơn lẻ, ấn tượng nhất chính là cổ phiếu HPX của Hải Phát Invest đã thăng hoa trong ngày trở lại sàn HOSE sau thời gian dài bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm về công bố thông tin.
Ngay khi thị trường mở cửa, lệnh đua mua HPX đã được đẩy vào, kéo cổ phiếu tăng kịch trần 20% lên 6.550 đồng, thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 72 triệu đơn vị.
Không chỉ khắc phục được lỗi vi phạm liên quan tới công bố thông tin để được trở lại sàn sau hơn 6 tháng rời xa thị trường, Hải Phát Invest còn công bố nhiều thông tin tích cực về sự trở lại của doanh nghiệp sau thời gian khó khăn, khủng hoảng.
Theo đó, sau thời gian tái cấu trúc, Công ty đã báo lãi trở lại trong năm 2023 ở mức hơn 134 tỷ đồng trước thuế, đồng thời giảm bớt dư nợ trái phiếu gần 1.300 tỷ đồng, xuống 4.710 tỷ đồng. Không những thế, Công ty còn đưa ra kế hoạch bỏ ra 434 tỷ đồng để thâu tóm một công ty bất động sản ở Hòa Bình (Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xanh Kỳ Sơn).
Trong nhóm bất động sản, xây dựng, ngoài HPX còn có 1 sắc tím khác tại D2D, lên 39.050 đồng. Trong khi các mã còn lại chỉ tăng hoặc giảm ở biên độ nhỏ. Trong đó, DIG là mã có thanh khoản tốt nhất 12 triệu đơn vị, đứng ở mức tham chiếu. Các mã đáng chú ý khác trong nhóm là NVL và PDR chỉ giảm nhẹ và giao dịch kém sôi động hơn so với các phiên trước.
Trong nhóm thép, sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế khi chỉ có 3 sắc xanh, trong đó có HPG và HSG đảo chiều tăng thành công với mức tăng khiêm tốn 0,17% lên 29.850 đồng và 0,23% lên 22.250 đồng. Mã tăng tốt nhất là TNI cũng chỉ 0,72% lên 2.780 đồng.
Sàn HNX cũng giao dịch giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong phiên sáng nay và đóng cửa với sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,05%), lên 236,29 điểm với 67 mã tăng và 68 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 29,8 triệu đơn vị, giá trị 587,7 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.
Sáng nay sàn HNX chỉ có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là SHS, CEO, MST, PVS và MBS, trong đó SHS vẫn là mã dẫn đầu và vượt trội so với phần còn lại. Cụ thể, SHS đứng tham chiếu 18.800 đồng, khớp 8,96 triệu đơn vị; CEO giảm 0,44% xuống 22.600 đồng, khớp 3,9 triệu đơn vị; MST tăng 1,37% lên 7.400 đồng, khớp 2,47 triệu đơn vị; PVS đứng tham chiếu 37.200 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị; và MBS tăng 0,35% lên 28.300 đồng, khớp 1,14 triệu đơn vị.
UPCoM cũng có giao dịch giống 2 sàn niêm yết khi giằng có quanh tham chiếu và đóng cửa tăng nhẹ.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 90,65 điểm với 131 mã tăng và 90 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch 14 triệu đơn vị, giá trị 180 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,2 triệu đơn vị, giá trị 29,5 tỷ đồng.
UPCoM sáng nay cũng chỉ có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ có duy nhất BOT tăng. Mã thanh khoản tốt nhất vẫn là BSR với 1,32 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 18.900 đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn