Chứng khoán Mỹ tăng trong phiên thứ Năm (29/2) sau khi chỉ số tiêu dùng cá nhân được công bố. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq chạm mức cao kỷ lục mới nhờ sự lạc quan của thị trường trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI).
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 1 của Mỹ được công bố đã tăng 0,3% so với tháng trước đó. Tính trên cơ sở hàng năm, chỉ số này tăng 2,4%, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Loại trừ các thành phần như năng lượng và thực phẩm, chỉ số PCE lõi đã tăng 0,4% trong tháng 1. Cũng trên cơ sở hàng năm, lạm phát lõi tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 3/2021.
Giới đầu tư đã tăng khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 6 sau khi dữ liệu PCE được công bố.
Trong khi đó, các cổ phiếu chip trí tuệ nhân tạo như Nvidia tăng 2%, AMD vọt hơn 9% là động lực lớn cho Nasdaq Composite trong phiên hôm nay.
“Dự đoán về sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đã thực sự hỗ trợ cho những cổ phiếu này ngay cả ở mức định giá đã rất cao. Để đà tăng tiếp tục, tôi nghĩ thị trường cần phải vượt qua áp lực tâm lý và cần nhận ra rằng, AI như một cuộc cách mạng phải xảy ra và các công ty phải bắt đầu cho thấy doanh thu trực tiếp từ lĩnh vực này”, Rick Meckler, đối tác tại Cherry Lane Investments, một văn phòng đầu tư gia đình ở New Vernon, New Jersey cho biết.
Trong tháng 2, Nasdaq Composite dẫn đầu với mức mức tăng 6,12%. Chỉ số S&P 500 nhích 5,17%, còn Dow Jones tăng 2,22%, đánh dấu mạch 4 tháng tăng liên tiếp lần đầu tiên kể từ tháng 5/2021.
Kết thúc phiên 29/2: Chỉ số Dow Jones tăng 47,37 điểm (+0,12%), lên 38.996,39 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,51 điểm (+0,52%), lên 5.096,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 144,18 điểm (+0,90%), lên 16.091,92 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng nhẹ, khi các nhà đầu tư cảm thấy lạc quan với các báo cáo lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng nhẹ lên 494,61 điểm.
Chỉ số DAX của Đức tăng 0,4% lên mức cao nhất mọi thời đại mới,sau khi dữ liệu cho thấy giá năng lượng giảm đã giúp làm chậm lạm phát xuống 2,7% trong tháng 2.
Các chỉ số lạm phát sơ bộ khác từ Pháp và Tây Ban Nha cho thấy lạm phát khu vực đồng euro tiếp tục hạ nhiệt, củng cố cho dự báo Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
“Thông điệp ở đây là chúng ta vẫn đang đi đúng hướng, nhưng con đường bình thường hóa về lãi suất có thể sẽ khá dài và sẽ không phải là một chuyến đi suôn sẻ… Đó sẽ không phải là một sự giảm tốc từ từ trở lại mức mục tiêu 2%”, Julien Lafargue chiến lược gia thị trường trưởng tại Barclays Private Bank cho biết.
Dữ liệu về lạm phát của khu vực đồng euro, dự kiến có trong ngày thứ Sáu sẽ cho thấy sự chậm lại, với mức tăng chỉ khoảng 2,5% trong tháng 2 từ mức 2,8% trong tháng 1, tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ECB.
Kết thúc phiên 29/2: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 5,04 điểm (+0,06%), lên 7.630,02 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 76,97 điểm (+0,44%), lên 17.678,19 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 26,96 điểm (-0,34%), xuống 7.927,43 điểm.
Giá dầu thô giảm nhẹ sau dữ liệu lạm phát của Mỹ được công bố và sản lượng của OPEC tăng.
Kết thúc phiên 29/2, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,28 USD/thùng (-0,33%), xuống 78,26 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD/thùng (-0,07%), xuống 83,62 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn