Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Hành động thế nào khi thị trường biến động biên độ mạnh hiện nay?

 Ngay giữa mùa Xuân nhưng thị trường đã có một phiên 8/3 rực màu phượng cháy. Sau đó là một vài pha nhấp nhả, sau đó bất ngờ tăng vọt trong phiên 13/3, rồi lại điều chỉnh trong phiên 14/3, đóng cửa ở mốc 1.265 điểm.

Giai đoạn hiện tại, tâm lý trong đầu tư đang là yếu tố quan trọng, chi phối hành động các chứng sĩ. Hành động thế nào sau những phiên điều chỉnh mạnh đang là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Chuyên gia Nguyễn Việt Quang, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam có những chia sẻ nhanh cùng Báo Đầu tư Chứng khoán về câu chuyện này. Bình Minh thực hiện.

Có vẻ như phiên rũ ngày 8/3 đã khiến nhiều nhà đầu tư “tỉnh mộng”?

Đúng vậy. Thị trường đã có một phiên điều chỉnh khá mạnh khi giảm tới hơn 21 điểm với thanh khoản lớn đà bán mạnh hầu hết các nhóm ngành trên thị trường, VN-Index thủng mốc 1.250 điểm, xuống còn 1.247,35 điểm.

Từ đầu năm đến nay, không khó để thấy rằng các nhà đầu tư đã hơi quá lạc quan với thị trường. Và “y như rằng”, những lúc như vậy, thị trường thường làm mọi người tỉnh mộng bằng một phiên rất “phũ”.

Chuyên gia Nguyễn Việt Quang

Chuyên gia Nguyễn Việt Quang

Tôi muốn có một sự so sánh về sự khác biệt giữa nhà đầu tư “già rơ” và những “tay chơi” mới khi đối mặt với những cú sốc của thị trường?

Nhà đầu tư nhiều trải nghiệm, giàu kinh nghiệm khi thị trường tới những vùng kháng cự mạnh họ sẽ chủ động thực hiện quản trị rủi ro (giảm dần tỷ trọng cổ phiếu nắm giữ), họ xác định rõ có thể không kiếm được tiền nhưng không để mất tiền. Do đó, họ thuộc nhóm phòng thủ tốt hơn.

Còn với nhóm nhà đầu tư mới, nhiều khi họ quá tập trung vào việc tìm cổ phiếu nào giúp họ kiếm được tiền nhanh nhất mà quên đi việc phòng vệ. Và với những lần thị trường điều chỉnh mạnh, “thiệt hại” của hai bên theo đó cũng rất khác nhau.

Tóm lại, khác biệt cơ bản là một bên nghĩ nhiều đến quản lý rủi ro song hành với việc kiếm lời, bên còn lại lại nghĩ quá nhiều đến lợi nhuận. Và phiên giảm 8/3 sẽ khiến nhiều người tỉnh ngộ, rút ra bài học cho mình.

Phải chăng sau những phiên thị trường điều chỉnh mạnh, sẽ có nhiều nhà đầu tư cố vùng vẫy kháng cự với diễn biến thực tại?

Điều này là dễ hiểu bởi đó cũng là tâm lý chung, nhưng trong lúc này, tôi cho rằng “ngồi im” rất quan trọng. “Ngồi im” cũng là một hành động hợp lý, đừng cố chống lại xu hướng thị trường, hành động quá nhiều.

Tuy nhiên, hành động “ngồi im” không phải là dễ. Nhà đầu tư lão luyện cũng bắt đầu từ những tay mơ. Phải qua gió giông mới có được những hành động hợp lý và sự kiên định, tĩnh tại trước các phiên như vậy.

Không ít nhà đầu tư sau khi lỡ đu đỉnh đã có tâm lý phó mặc cho thị trường, tạm quên tài khoản không giao dịch. Điều này có cực đoan? Và theo ông nhà đầu tư nên làm gì?

Trong một con sóng lớn đi lên sẽ có rất nhiều nhịp điều chỉnh ngắn hạn – những đỉnh ngắn hạn và những nhà đầu tư kiên trì với tâm lý phó mặc cho thị trường sẽ trải qua diễn biến lỗ khi điều chỉnh và lãi tốt khi thị trường bật tăng vượt đỉnh trở lại, nhưng khi thị trường tạo đỉnh cho nhịp dài hạn thì tài khoản sẽ chịu những tổn thất rất lớn.

Trong khu vườn danh mục của mình, nhà đầu tư phải có cách ứng xử phù hợp. Không phải hiện tại mà lúc nào cũng vậy, “nhổ cỏ trồng hoa” là hoạt động cần thực hiện thường xuyên. Theo đó, hãy loại bỏ các cổ phiếu không hiệu quả, “chăm sóc, tưới bón” các cổ phiếu tốt, phải dũng cảm chịu đau, loại bỏ các cổ phiếu chưa tốt.

Cũng xin khẳng định rằng, để làm được điều này rất khó, vì đó là hành động thay đổi sự bảo thủ, quan điểm, nếp nghĩ quen thuộc của bản thân.

Quay lại chi tiết ông vừa đề cập là sự hơi quá lạc quan về thị trường. Có vẻ giai đoạn vừa qua nhiều người đã FOMO?

Thị trường và nhà đầu tư có vẻ lạc quan, sợ bị bỏ lỡ cơ hội và bằng các hành động của mình đã đẩy định giá thị trường lên hơi sớm. Ai cũng sợ nhỡ tàu, cùng với các yếu tố như: có tiền, đi vay dễ, các công ty chứng khoán đang cung cấp các sản phẩm cho vay margin linh hoạt, lãi suất thấp đẩy thanh khoản thị trường lên cao, đã khiến nhiều người càng bị cuốn vào cuộc chơi.

Nói vậy, những phiên điều chỉnh mạnh như ngày 8/3 vừa qua, dù “làm đau” nhiều người nhưng cũng có giá trị cảnh tỉnh?

Đúng vậy. Tôi vẫn nhắc lại rằng, sau phiên ngày 8/3, nhiều người đã trở về mặt đất.

Thường thị trường sẽ có các đợt điều chỉnh mạnh vào giai đoạn vùng trũng thông tin, vào tháng 4 – 5 hàng năm. Và phiên ngày 8/3 là tín hiệu ban đầu. Thường sau khi thị trường tăng mạnh, khoảng 150 – 200 điểm thì có thể có các đợt điều chỉnh lớn, từ 40 – 50 điểm, hay thậm chí 100 điểm.

Chuyện tăng trong hưng phấn rồi điều chỉnh mạnh vẫn luôn lặp lại, vậy nhà đầu tư có thể rút ra cho mình điều gì để có hành động hợp lý?

Lịch sử có xu hướng lặp lại, nhưng quan trọng là nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và sự tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề. Nhà đầu tư phải thuộc bài học lịch sử, kết hợp với cập nhật và liên kết nó với câu chuyện thực tại mới nhìn ra được xu hướng và có hành động hợp lý. Không nên coi nhẹ “môn lịch sử”, bởi nó cho ta cái nhìn mang tính chiêm nghiệm.

Lấy ví dụ, cũng là những giai đoạn khó khăn, nhưng bối cảnh khách quan của năm 2012 và hiện tại khác nhau khá nhiều. Năm 2012, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ, xu hướng toàn cầu hoá, kinh tế phẳng hay kinh tế chia sẻ rõ nét hơn hiện nay. Giai đoạn khó khăn đó, các nền kinh tế lớn đều nỗ lực cứu trợ, hồi phục kinh tế chính mình và hỗ trợ kinh tế toàn cầu tăng trưởng cùng nhau. Nhưng hiện tại, các nền kinh tế đầu tàu đều gặp vấn đề về lạm phát, phải xây dựng hàng rào chống lạm phát, lo giải quyết các vấn đề nội tại, lo “chữa cháy trong nhà” chứ chưa gánh vác được sứ mệnh hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu, nên Việt Nam không được hưởng lợi nhiều như trước.

Hiện tại, tôi cho rằng nếu chưa nhìn rõ được xu hướng, nhà đầu tư cần bình tĩnh nhìn nhận, phân tích sự việc dựa trên các cổ phiếu mình nắm giữ thay vì vội vã hành động. Xin nhắc lại, những lúc thị trường điều chỉnh mạnh, tâm lý hoảng loạn thì “ngồi im” cũng là một hành động hợp lý.

Cụ thể hơn, sau những phiên giảm mạnh, nhà đầu tư muốn mua – bán cổ phiếu thì nên hành động theo tiêu chí nào?

Sau các phiên điều chỉnh, động thái mua – bán của nhà đầu tư trên thị trường nên căn cứ vào tỷ lệ tham gia vốn đầu tư hiện tại của nhà đầu tư trên thị trường cho các phần đầu tư dài hạn/ngắn hạn.

Sau giai đoạn thị trường tạo nên những vùng rung lắc mạnh, nhà đầu tư nên giữ lại phần vốn đầu tư theo hướng tập trung vào 2 – 3 cổ phiếu cho một chu kỳ đầu tư dài hạn. Còn việc sử dụng đòn bẩy để mua mới thì không nên, sau điều chỉnh không phải là lúc dùng margin mà cần giảm tỷ lệ vay tối đa. Còn với các cổ phiếu lướt sóng ngắn hạn thì có thể bán, để duy trì được khả năng mua tốt khi thị trường giảm mạnh.

Nhìn chung, việc bán hay mua cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào phương pháp đầu tư ngắn hay dài hạn. Tuy nhiên, giai đoạn thị trường có điều chỉnh như hiện tại thì các cổ phiếu trong danh mục đầu tư dài hạn nên được giữ lại, tránh việc vì bị hoảng loạn mà “mất hàng”.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO