Tại thời điểm hết phiên 14/6, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE lũy kế từ đầu năm 2023 ghi nhận mua ròng 89 tỷ đồng.
Sau giai đoạn nhà đầu tư nội “gồng gánh” thị trường, khối ngoại bắt đầu cho thấy tín hiệu giải ngân trở lại vào cổ phiếu Việt Nam. Bốn phiên gần nhất nhà đầu tư ngoại đã mua ròng với giá trị tổng cộng gần 1.000 tỷ đồng. Lực cầu trở lại đã giúp dòng vốn ngoại chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức đảo chiều sau nửa tháng ghi nhận bán ròng.
Tại thời điểm hết phiên 14/6, giá trị giao dịch ròng của khối ngoại trên HoSE lũy kế từ đầu năm 2023 ghi nhận mua ròng 89 tỷ đồng.
Bối cảnh thị trường có nhiều triển vọng khả quan có thể là động lực khiến dòng vốn ngoại trở lại với cổ phiếu Việt Nam. Thông tin mới nhất là tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng 5 so với cùng kỳ đã hạ xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Với cơ sở này, các nhà đầu tư kỳ vọng xu hướng tăng lãi suất của Fed sẽ sớm dừng lại. Nếu trường hợp này xảy ra, tỷ giá được giữ ổn định, kỳ vọng dòng vốn đầu tư trên toàn cầu sẽ bớt đi áp lực rút khỏi những thị trường mới nổi và cận biên như Việt Nam.
Trong nước, tình hình vĩ mô 5 tháng đầu năm cũng ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, lạm phát và tỷ giá được kiểm soát ở mức ổn định, các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết khó khăn trong lĩnh vực bất động sản đã được ban hành kịp thời. Chính phủ cũng cho thấy quyết tâm thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm nay. Tổng hòa những yếu tố trên, Việt Nam vẫn là mảnh đất tiềm năng thu hút vốn ngoại.
Việc có thêm hơn 100.000 tài khoản chứng khoán mở mới cùng với sự tăng trưởng về khối lượng giao dịch trong tháng 5 vừa qua cũng cho thấy thị trường chứng khoán đang dần trở nên hấp dẫn hơn. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất hạ nhiệt, nhà đầu tư dần hướng sự quan tâm đến với những kênh đầu tư rủi ro hơn như chứng khoán thay vì chỉ gửi tiền ngân hàng.
Dòng vốn từ các quỹ rục rịch trở lại
Theo đánh giá của giới phân tích, kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết đã tạo đáy trong quý 1/2023 thúc đẩy niềm tin giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng tốt trong thời gian tới. Không chỉ vậy, câu chuyện nâng hạng cũng tạo thêm kỳ vọng thu hút dòng tiền ngoại. Việc nhiều quỹ mới tiến hành niêm yết hay gọi vốn cho thấy phần nào đánh giá tiềm năng của thị trường Việt Nam. Gần nhất, China Trust Vietnam Opportunity Fund đã thông báo sẽ huy động vốn lần thứ 5 để đầu tư vào Việt Nam với giá trị huy động khoảng 5 tỷ TWD, tương đương 163 triệu USD (~3.800 tỷ đồng).
Song song với đó, một số quỹ chủ động sau giai đoạn hạ tỷ trọng vừa qua có thể đang mua lại cổ phiếu cũng là yếu tố giúp dòng tiền ngoại trở lại những phiên gần đây.
Tại nhóm ETF, trong những phiên gần đây, chứng chỉ quỹ Diamond FUEVFVND lọt top những mã được khối ngoại rót tiền nhiều nhất. Đây có thể là tín hiệu cho thấy dòng vốn thông qua ETF đang rục rịch trở lại sau thời gian dài bị rút ròng, trong đó lực mua chủ yếu tới từ nhà đầu tư Thái Lan.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dòng tiền ngoại được kỳ vọng sẽ trở lại khi thị trường Việt Nam bước qua chu kỳ suy giảm lợi nhuận. Theo ông Trần Ngọc Báu – CEO Wi Group, mức độ suy giảm lợi nhuận có thể sẽ chậm lại từ quý 2, thậm chí một vài ngành còn được kỳ vọng bắt đầu ghi nhận tăng trưởng nhẹ trở lại. Đây cũng là thời điểm mà chi phí vốn sẽ giảm nhanh và duy trì ở mặt bằng thấp. Điều này có thể sẽ hỗ trợ diễn biến của thị trường chứng khoán cũng như thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại.
Trong một báo cáo gần đây, Dragon Capital đã cho thấy sự lạc quan của nhóm quỹ ngoại này vào giai đoạn sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Dragon Capital, giai đoạn phục hồi đang bắt đầu với 4/5 tiêu chí chuyển biến tích cực, 2023 là năm để tích lũy những cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên thận trọng trong việc chọn lọc cổ phiếu tốt và sẵn sàng tận dụng cơ hội để đầu tư khi thị trường điều chỉnh.
Vì sao lạm phát Mỹ thấp nhất trong 2 năm chưa hẳn là thông tin tốt với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Theo Cafef