Từ gần 10 năm về trước, CTCP Vicostone đã dành mối quan tâm đặc biệt cho báo cáo phát triển bền vững bên cạnh báo cáo thường niên.
Quan tâm là bởi các đối tác quốc tế, trong đó có bên mua hàng của doanh nghiệp sử dụng tài liệu trên như một luận cứ củng cố cho quyết định đặt hàng. Làm thế nào để có thể lập được báo cáo phát triển bền vững “ăn điểm”, kể những câu chuyện gì cho phù hợp… là những câu hỏi mà đội ngũ thực hiện đặt ra.
Tất nhiên, cái gốc của một bản báo cáo chất lượng được đánh giá cao vẫn là doanh nghiệp phải làm thật và có những câu chuyện thuyết phục để kể. Đến nay, các giải pháp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường đã trở thành phần việc quan trọng trong hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
Gần đây, một số doanh nghiệp niêm yết của Việt Nam đã có những bước chuẩn bị cho việc tham gia thị trường tín chỉ carbon. Động thái này cho thấy tầm nhìn của lãnh đạo doanh nghiệp cho những mảng miếng mới trong tương lai. Hiện trên thế giới có 46 quốc gia, 35 vùng lãnh thổ đã áp dụng định giá carbon với sự tham gia của hàng chục ngàn doanh nghiệp, nguồn thu năm 2022 khoảng 95 tỷ USD.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp đi đầu cũng đã tận dụng tốt cơ hội và thu được nhiều lợi ích trong thực hiện các cơ chế khi nhận được hơn 15.000 tỷ đồng thông qua bán tín chỉ carbon từ các dự án cơ chế phát triển sạch (CDM) và gần 35 triệu USD hỗ trợ cho các dự án cơ chế tín chỉ chung để áp dụng các công nghệ, sản phẩm, hệ thống, dịch vụ carbon thấp tiên tiến của Nhật Bản.
Đó chỉ là một trong nhiều ví dụ để thấy có cơ hội sinh ra từ các xu hướng mới ở trong nước và trên thế giới. ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) đang là từ khóa được diễn giải ở nhiều khía cạnh, nhiều lĩnh vực bao trùm.
Cam kết của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố vào tháng 11/2021 – với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đang mở ra những cơ hội. Doanh nghiệp nào có ý thức, đi đầu trong xu hướng này có thể sớm hái quả ngọt. Nhìn ra khu vực, ngay tại châu Á – Thái Bình Dương, ESG đang trở thành xu hướng sôi động của các doanh nghiệp niêm yết với mức trung bình triển khai lên tới 88%.
Doanh nghiệp vẫn cần tiếp tục cải thiện và nâng cao nhận thức, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh và thực hành các tiêu chuẩn ESG. Hơn nữa, cần có sự cam kết và hợp tác giữa nhiều bên liên quan để đạt được tác động lâu dài cũng như tạo dựng môi trường kinh doanh có trách nhiệm. Song không đi sẽ không đến, muốn tới đích đều phải có điểm bắt đầu.
Thực hiện chuyên đề “Hành trình phát triển bền vững” nhân dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam – 13.10 năm nay, Báo Đầu tư Chứng khoán mong rằng câu chuyện của những doanh nghiệp bước đầu thành công trong phát triển bền vững sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt. Đây cũng là những doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ được tin dùng, được nhiều nhà đầu tư lựa chọn mua cổ phiếu với mục tiêu nắm giữ trung và dài hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn