Phiên giao dịch chứng khoán chiều 11/10: Nhóm chứng khoán khởi sắc, VN-Index vượt qua mốc 1.150 điểm
Dù dòng tiền vẫn còn thận trọng, nhưng bên nắm giữ cổ phiếu không bán giá thấp giúp thị trường bật lên trong phiên chiều, trong đó đáng kể nhất chính là sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.
Trong phiên giao dịch sáng, thị trường giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp khi nhà đầu tư tỏ ra thận trọng sau 3 phiên hồi phục liên tiếp trước đó. Tuy nhiên, vào phiên chiều, mọi thứ trở nên tích cực hơn rất nhiều, giúp VN-Index duy trì phiên tăng thứ 4 liên tiếp, vượt qua ngưỡng cản 1.150 điểm, dù dòng tiền vẫn không có nhiều chuyển biến.
Bước vào phiên giao dịch chiều, dư âm của lực bán cuối phiên sáng khiến VN-Index nới đà giảm, nhưng không quá mạnh và quá lâu. Ngay khi thủng mốc 1.140 điểm, VN-Index đã quay đầu bật tăng trở lại với sự dẫn dắt của nhóm công ty chứng khoán, sau đó lan tỏa ra nhóm ngân hàng, bất động sản.
Dù dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng, thậm chí còn thấp hơn phiên hôm qua, nhưng bên nắm giữ cũng không muốn bán giá thấp, giúp nhiều mã quay đầu đảo chiều tăng, sau đó đà tăng được nới rộng dần về cuối phiên, kéo VN-Index lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, vượt qua ngưỡng 1.150 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 7,12 điểm (+0,62%), lên 1.150,81 điểm với 265 mã tăng, gấp đôi so với phiên sáng, trong khi số mã giảm chỉ còn 213 mã, so với gần 300 mã của phiên sáng. Tổng khối lượng giao dịch đạt 543 triệu đơn vị, giá trị 12.193,8 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,4 triệu đơn vị, giá trị 992,6 tỷ đồng.
Các mã tăng trần của phiên sáng như OGC, TLD, HU1, VAF, PIT… vẫn duy trì sắc tím với thanh khoản không cải thiện nhiều, chỉ có lượng dư mua trần tăng thêm do lực bán không còn. Tuy nhiên, điểm nhấn trong phiên chiều đến từ nhóm công ty chứng khoán.
Nếu như phiên sáng chỉ có 2 sắc xanh nhạt tại SSI và VCI, thì trong phiên chiều, chỉ còn TVS giảm, nhưng mức giảm rất khiêm tốn, còn lại đều tăng. Trong đó, FTS lên mức kịch trần 46.200 đồng, các mã khác cũng tăng khá mạnh, như AGR tăng 5,74% lên 17.500 đồng, VCI tăng 4,88% lên 41.950 đồng, BSI tăng 4,58% lên 42.200 đồng, SSI tăng 3,98% lên 34.000 đồng, VDS tăng 3,9% lên 16.000 đồng, VND tăng 3,74% lên 22.200 đồng…, VIX tăng 3,22% lên 16.050 đồng, HCM tăng 3,15% lên 31.150 đồng…
Trong đó, SSI, VIX và VND là 3 mã có giao dịch bùng nổ trong phiên chiều và vượt qua PVD, trở thành 3 mã có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE với khối lượng khớp lần lượt là 23,56 triệu, 22,64 triệu và 22,41 triệu đơn vị.
Trong khi đó, PVD giao dịch cầm chừng hơn trong phiên chiều khi thanh khoản tụt xuống vị trí thứ 5 với 15,29 triệu đơn vị, đứng sau cả GEX, đóng cửa tăng 6,11% lên 27.800 đồng.
Nhóm ngân hàng cũng đồng loạt đảo chiều, chỉ còn TPB đứng tham chiếu và 3 sắc đỏ nhạt tại BID, OCB và ACB, trong khi phiên sáng không có mã nào tăng, dù đà tăng không mạnh như nhóm công ty chứng khoán. Trong đó, tăng mạnh nhất là STB tăng 1,6% lên 31.750 đồng, tiếp đến là HDB tăng 1,15% lên 17.600 đồng, VIB tăng 1,03% lên 19.600 đồng, VPB tăng 0,93% lên 21.800 đồng…, hay “anh cả” VCB cũng tăng 0,46% lên 10.900 đồng.
Trong nhóm này, HDB là mã có thanh khoản tốt nhất với 8,96 triệu đơn vị, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 0,7 triệu đơn vị. Tiếp đến là VPB với 8,93 triệu đơn vị, STB với 8,37 triệu đơn vị.
Nhóm bất động sản, xây dựng cũng khởi sắc hơn phiên sáng với sắc xanh đã chiếm thế áp đảo và đà tăng cũng mạnh hơn. Trong đó, QCG đã cũng chính thức gia nhập nhóm tăng trần cùng TLD và HU1, trong khi CTD tăng 6,26% lên 54.300 đồng. Có 3 mã tăng hơn 4% đến gần 5% là PTL tăng 4,91% lên 5.130 đồng, DXG tăng 4,41% lên 17.750 đồng và SGR tăng 4,04% lên 20.600 đồng. Ngoài ra, còn có nhiều mã khác tăng trên dưới 2%. Mã liên quan là GEX cũng tăng mạnh 4,11% lên 21.550 đồng, khớp 17,78 triệu đơn vị.
Trong đó, DIG khớp 14 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,96% lên 23.400 đồng, DXG khớp 11,32 triệu đơn vị, NVL khớp 10,24 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,76% lên 14.450 đồng…
Các nhóm ngành khác, sắc xanh cũng chiếm ưu thế so với sắc đỏ, trái ngược hoàn toàn với phiên sáng. Trong đó, nhóm thép NKG, SMC và HSG tăng hơn 2%, còn mã đầu ngành HPG tăng khiêm tốn hơn với mức 0,77% lên 26.200 đồng, nhưng thanh khoản tốt nhất với 13,5 triệu đơn vị.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương đồng với sàn HOSE khi chỉ số chính của sàn này gặp chút khó khăn đầu phiên, sau đó bứt tốc đi lên thẳng mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,83 điểm (+1,21%), lên 237 điểm với 98 mã tăng và 52 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 92,1 triệu đơn vị, giá trị 1.882,7 tỷ đồng, giảm 7% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,6 triệu đơn vị, giá trị 62,8 tỷ đồng.
SHS có thanh khoản vượt trội so với các mã còn lại trên sàn HNX, thậm chí cao nhất toàn thị trường phiên hôm nay với 28,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,2% lên 18.200 đồng. Mã chứng khoán khác trên sàn HNX cũng tăng mạnh là MBS tăng 4,44% lên 23.500 đồng, khớp 5,72 triệu đơn vị.
Các mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị trên HNX hôm nay đều đóng cửa tăng giá, trong đó PVS khớp thứ 2 với 9,53 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,23% lên 39.400 đồng, CEO khớp 6,62 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,04% lên 20.000 đồng; HUT tăng 0,43% lên 23.100 đồng, khớp 4,16 triệu đơn vị; IDC tăng 1,46% lên 48.800 đồng, khớp 3,45 triệu đơn vị; DVM thậm chí còn lên kịch trần 16.100 đồng, khớp 3,18 triệu đơn vị; TNG tăng 0,47% lên 21.200 đồng, khớp 2,51 triệu đơn vị.
Trong khi đó, UPCoM lại giao dịch lận đận hơn 2 sàn niêm yết và thiếu tích cực hơn so với phiên sáng, nhưng vẫn đóng cửa giữ được sắc xanh nhạt.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,29 điểm (+0,34%), lên 87,75 điểm với 172 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,7 triệu đơn vị, gía trị 659 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,8 triệu đơn vị, giá trị 73 tỷ đồng.
BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM với 10,69 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,91% lên 21.300 đồng. Tiếp đến là SBS tăng 1,25% lên 8.100 đồng, khớp 2,6 triệu đơn vị, C4G tăng 1,56% lên 13.000 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị, AAS tăng 1,04% lên 9.700 đồng, khớp 1,64 triệu đơn vị. Trong khi đó, OIL giao dịch trầm lắng hơn trong phiên chiều, nên lùi về đứng thứ 5 về thanh khoản so với chỉ sau BSR ở phiên sáng với 1,58 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,86% lên 10.800 đồng.
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có 16 mã được giao dịch với tổng khối lượng gần 1,28 triệu đơn vị được giao dịch, tổng khối lượng 425,75 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch lớn nhất là DBJ12201 của Công ty cổ phần Điện Biên với 550.000 đơn vị, giá trị 56,71 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, với mức tăng tốt hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 10 là VN30F2310 tăng 9 điểm (+0,78%), lên 1.166 điểm với 173.202 hợp đồng được giao dịch, tổng giá trị 20.074 tỷ đồng; khối lượng mở 44.613 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, hôm nay chỉ có 3 mã có giao dịch trên 1 triệu đơn vị và đều do SSI phát hành là CVPB2307 với gần 2,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,63% lên 390 đồng; CVIB2303 với 1,84 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,76% lên 190 đồng; và CMWG2306 với 1,08 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,63% xuống 370 đồng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn