Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Thị trường chứng khoán: Xây nền – tích lũy và bứt phá

 Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, hội nghị đầu tiên về phát triển thị trường chứng khoán do Thủ tướng Chính phủ chủ trì diễn ra giữa tuần qua đã tạo hiệu ứng tâm lý rất tích cực với giới đầu tư. 

Quyết tâm nâng hạng

Mới dẫn đoàn 14 định chế tài chính từ 6 quốc gia do Tập đoàn đầu tư Maybank dẫn đầu (trong đó có những đơn vị đang quản lý tài sản hàng trăm tỷ USD) tới tìm hiểu triển vọng, cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Kinh doanh Khối Khách hàng định chế, Công ty Chứng khoán Maybank Investment Bank cho biết, một trong những điểm cộng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài chính là nỗ lực của Chính phủ trong việc nâng hạng thị trường. Qua trao đổi với các thành viên của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tinh thần cởi mở, thông thoáng và cầu tiến của Chính phủ Việt Nam trong quá trình nâng hạng, cũng như sự quyết tâm và tốc độ thực thi từ phía tất cả các bộ, ban, ngành nhằm đạt mục tiêu vào nhóm thị trường mới nổi trong năm 2025. Những yếu tố quan trọng này được kỳ vọng sẽ thu hút và thúc đẩy việc giải ngân của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.

“Nâng hạng” đang là từ khoá được cộng đồng nhà đầu tư rất quan tâm, họ kỳ vọng trước hết là cơ hội để thị trường tăng trưởng khi đón nhận dòng vốn mới từ các quỹ đầu tư nước ngoài, thanh khoản tăng lên. Quan trọng hơn, việc này có thể kích thích các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ IPO, niêm yết để tận dụng cơ hội từ sự sôi động của thị trường.

Dĩ nhiên, vẫn còn rất nhiều việc cần cải thiện để thị trường chứng khoán Việt Nam “ghi điểm” hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều thành viên thị trường cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay, chính là IPO gắn với niêm yết, nhằm tạo hàng hoá đa dạng hơn trên thị trường, hay câu chuyện về room ngoại, các thủ tục cần tinh gọn hơn…

Chẳng hạn, lãnh đạo Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam phản ánh, mảng lúa gạo – lĩnh vực đang rất cần thu hút vốn đầu tư nước ngoài để triển khai những mục tiêu quan trọng của Chính phủ như Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp… – lại là ngành nghề kinh doanh đặc thù bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hay vấn đề về công bố thông tin giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội để doanh nghiệp có thể thực hiện công bố thông tin chỉ bằng một lần thao tác.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS Research cho rằng, để đảm bảo chức năng huy động vốn của thị trường chứng khoán được phát huy một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai, cần sớm thực thi 4 giải pháp:

Thứ nhất, các cơ quan chức năng cần ưu tiên việc rà soát và hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán. Luật Chứng khoán năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021 là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn khoảng cách giữa các quy định của Luật và thực tiễn triển khai, từ đó tạo ra một số khó khăn đối với hoạt động huy động vốn của doanh nghiệp.

Ông Sơn cho rằng, khung pháp lý của thị trường chứng khoán cần hoàn thiện theo hướng vừa đảm bảo mục tiêu quản lý và nâng cao tính minh bạch của thị trường, vừa tạo được sự thông thoáng và nhanh gọn về mặt thủ tục, quy trình để gia tăng hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như đơn vị tư vấn. Song song với việc hoàn thiện khung pháp lý của thị trường chứng khoán thì cần tăng cường quản lý, giám sát sự tuân thủ của các chủ thể tham gia thị trường chứng khoán, phát hiện và xử lý các sai phạm một cách kịp thời, đảm bảo thị trường chứng khoán hoạt động công khai, minh bạch và công bằng với mọi đối tượng nhà đầu tư.

Thứ hai, nâng cao số lượng và chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết. Cơ quan chức năng cần xem xét chặt chẽ hồ sơ đăng ký niêm yết, tăng vốn, thông tin công bố nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa niêm yết, tính công khai và minh bạch của thị trường; đồng thời, thực hiện kiểm tra, hậu kiểm các thông tin được doanh nghiệp niêm yết công bố nhằm kịp thời phát hiện các sai sót và vi phạm. Minh bạch thông tin là một trong các tiêu chí quan trọng để nâng hạng thị trường chứng khoán theo tiêu chí của MSCI và FTSE.

Thứ ba, củng cố nền tảng cơ sở hạ tầng với tầm nhìn dài hạn hơn. Một trong những giải pháp tối quan trọng đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán là cơ sở hạ tầng đáp ứng tốt tất cả các nhu cầu giao dịch của thị trường, bao gồm cả khối lượng giao dịch lẫn nhu cầu phát triển các sản phẩm mới. Mục tiêu cuối cùng là để thị trường có thể vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả. Việc tập trung triển khai hệ thống giao dịch KRX để thay thế hệ thống giao dịch cũ, theo ông Sơn, là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn để giải quyết các vấn đề tồn đọng của hệ thống giao dịch cũ.

Thứ tư, đẩy mạnh xử lý sai phạm trên thị trường chứng khoán. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tập trung nâng cao hiệu quả công tác giám sát, thanh kiểm tra thị trường chứng khoán, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật những trường hợp, hành vi vi phạm, đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển bền vững và vận hành công bằng, công khai, minh bạch.

Triển vọng thị trường tươi sáng hơn

Theo ông Nguyễn Mạnh Dũng, dù lạm phát Mỹ chưa hạ nhiệt với tốc độ kỳ vọng, nhưng có thể thấy xu hướng lạm phát đi xuống vẫn tiếp tục diễn ra. Hơn nữa, các thành viên Fed đã nhất trí với việc kết thúc chu kỳ thắt chặt tiền tệ và đang vạch ra lộ trình cắt giảm lãi suất từ quý III/2024 trở đi. Điều này sẽ giúp đồng USD hạ nhiệt và ổn định tỷ giá USD/VND trong năm nay. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác như BOE, ECB cũng được dự báo sẽ bắt đầu quá trình cắt giảm lãi suất trong năm nay. Đây là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán toàn cầu và giúp dòng vốn có thể quay trở lại các thị trường mới nổi, thị trường cận biên sau năm 2023 rút ròng đáng kể.

Ở trong nước, thị trường chứng khoán tiếp tục được hỗ trợ bởi chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng được duy trì. Trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát và áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để duy trì mặt bằng lãi suất thấp nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Xu hướng tích cực hơn được duy trì trong nhiều ngành và lĩnh vực. Triển vọng kinh tế Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, với quyết tâm của Chính phủ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư, tinh giản thủ tục và các rào cản kỹ thuật nhằm hướng tới việc nâng hạng thị trường trong năm 2025, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh về thanh khoản, nhiều nhà đầu tư tham gia hơn và nhiều sản phẩm mới sẽ được giới thiệu, giúp nhà đầu tư cá nhân có nhiều sự chọn lựa cho danh mục.

Ông Sơn cho biết, theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng và các định chế tài chính quốc tế lớn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng. Tuy nhiên, hiện có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường chứng khoán trong thời gian tới: yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài. Việc tháo gỡ những vấn đề này đều cần có sự phối hợp thiết thực của các bộ, ngành có liên quan.

Về mặt thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 được nhiều tổ chức lớn dự báo vẫn ở mức thấp, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị luôn thường trực, có thể bùng lên và lan rộng ở nhiều khu vực. Nỗi lo về gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng đẩy giá năng lượng, chi phí vận tải và giá hàng hóa cơ bản tăng có thể khiến vấn đề lạm phát trở nên dai dẳng, ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn trầm lắng, sức cầu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục mạnh, các chỉ số sản xuất, quản trị mua hàng, xuất nhập khẩu của Việt Nam khó có thể cải thiện mạnh mẽ và tiêu dùng cũng vậy.

Ngoài ra, áp lực trái phiếu đáo hạn sẽ vẫn là một khó khăn cho thị trường vốn trong năm nay. Theo dữ liệu mới nhất do Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 23/2/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong phần còn lại của năm là 258.239 tỷ đồng; trong đó, có 38% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản, với khoảng 99.234 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngân hàng, đạt gần 54.496 tỷ đồng, chiếm 21%.

“Hiện, các doanh nghiệp bất động sản đang đẩy mạnh việc phát hành cổ phiếu ở mức kỷ lục để trả nợ và giảm đòn bẩy, nếu thành công thì đây sẽ là một cú huých đáng chú ý cho thị trường vốn và bất động sản trong năm 2024”, ông Sơn đánh giá.

Ngày 5/3 tới đây, Báo Đầu tư tổ chức toạ đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích lũy – Bứt tốc”. Toạ đàm có sự tham dự của cơ quan quản lý nhà nước, các công ty chứng khoán hàng đầu trên thị trường.

Nội dung toạ đàm tập trung vào các yếu tố tạo ra nền tảng vững chắc hơn cho thị trường trong năm 2024, giải pháp giao dịch, sản phẩm mới, cơ hội đầu tư tiềm năng… Nội dung của toạ đàm cũng là những thông tin tham khảo trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ thị trường phát triển bền vững sau Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra cuối tháng 2 vừa qua.

Tọa đàm có sự đồng hành của Công ty Chứng khoán SSI, Công ty Chứng khoán DNSE, Công ty Chứng khoán VPBankS, Công ty Chứng khoán Bảo Việt, Công ty Chứng khoán VIX, Công ty Chứng khoán Vietinbank, CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm – LIDECO.

Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Ông Johan Nyvene, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell vẫn tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Mặc dù có nhận xét là tiến độ cải thiện những tiêu chí để nâng hạng còn chậm, FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường.

Chúng tôi được biết, mục tiêu nâng hạng từ thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế là một trong 6 mục tiêu trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2021-2030. Một khi Việt Nam được các tổ chức FTSE, MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường chứng khoán nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ được hưởng lợi ở nhiều khía cạnh như tăng cường tính hội nhập toàn cầu, nâng tầm thị trường Việt Nam và vị thế quốc gia.

Với việc thị trường vốn được nâng hạng, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm năng. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và đón nhận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư trên thế giới. Dòng vốn đầu tư nước ngoài thông qua các quỹ mở, các quỹ đầu tư chỉ số (ETF) tham chiếu theo các bộ chỉ số của MSCI và FTSE được kỳ vọng sẽ tìm đến thị trường chứng khoán Việt Nam với quy mô lớn.

Bên cạnh đó, việc nâng hạng thị trường chứng khoán còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một trung tâm tài chính quốc tế. Rõ ràng, đây là một phần trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)

Để TTCK phát triển, cần tăng quy mô của thị trường, tăng số lượng song song với tăng chất lượng của cả doanh nghiệp niêm yết và cả nhà đầu tư tham gia thị trường, song song với việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cấp hệ thống giao dịch.

Để tăng khả năng thu hút vốn của các doanh nghiệp niêm yết, cần phân loại các doanh nghiệp niêm yết theo các tiêu chí ngành, hiệu quả hoạt động, sức mạnh thương hiệu, thị phần trong ngành, tính minh bạch, tuân thủ công bố thông tin. Bên cạnh đó, cần chú trọng áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế như các nguyên tắc quản trị công ty tốt nhất của OECD cho các doanh nghiệp niêm yết. Trên thực tế, số lượng doanh nghiệp mới niêm yết trên thị trường trong thời gian qua tăng khá thấp so với tiềm năng của thị trường.

Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, các ngân hàng, hiệp hội, doanh nghiệp niêm yết, cho thấy Chính phủ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước có sự quan tâm sâu sát và hiểu rõ tầm quan trọng của thị trường vốn, đặc biệt với vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những thành tựu trong quá trình phát triển, nhưng vẫn còn những hạn chế như thiếu hụt hàng hóa chất lượng, sự mất cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân.

Để thị trường chứng khoán phát triển bền vững, chúng tôi đề xuất giải pháp trên hai giác độ: Về tổ chức vận hành thị trường, các nhà quản lý cần cởi mở chính sách hơn để có thêm các cấu phần nhà đầu tư tham gia thị trường mới, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư dài hạn như quỹ hữu trí tự nguyện, các công ty đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, xác định vai trò của tổ chức tạo lập thị trường; phân hạng công ty chứng khoán để hoạt động của công ty chứng khoán đóng góp được vai trò tốt hơn cho sự phát triển của thị trường vốn.

Về giác độ hàng hóa, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu và ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp mới niêm yết, trái phiếu mới niêm yết thông qua việc tối giản hóa thủ tục, nâng cao vai trò của các tổ chức tư vấn trung gian. Đồng thời, có các giải pháp thực chất, đột phá nhằm thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước để cung ứng, bổ sung thêm hàng hóa chất lượng cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR)
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Bất động sản Phát Đạt (PDR)

Trong năm 2023, PDR đã gặp phải những thách thức liên quan đến nguồn vốn và thanh khoản như nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường. Vượt qua khó khăn, PDR đã thu hút nguồn vốn thành công thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thu về số tiền hơn 670 tỷ đồng. Công ty cũng nộp hồ sơ xin phép phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến thu về số tiền khoảng 1.340 tỷ đồng trong năm 2024, đặc biệt, thanh toán trái phiếu doanh nghiệp với giá trị 2.500 tỷ đồng đúng và trước hạn.

Việc có thêm được nguồn vốn góp và trả hết nợ trái phiếu doanh nghiệp về số 0 đã thúc đẩy việc tái cấu trúc tài chính của PDR diễn ra nhanh hơn so với kế hoạch và có cơ cấu nợ an toàn, tạo những nền tảng tài chính vững chắc cho Công ty phát triển trong nhiều năm tiếp theo.

Chính phủ, cơ quan quản lý nên tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp và có chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhà đầu tư đầu tư dài hạn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cơ Điện Lạnh (REE)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Cơ Điện Lạnh (REE)

Thị trường chứng khoán đã góp phần tạo nên một kênh huy động vốn hiệu quả bên cạnh các kênh truyền thống như ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển.

Các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục. Trong đó, nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào, cần được tiếp tục củng cố và phát huy.

Vấn đề mấu chốt quan trọng hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp niêm yết nói riêng, bên cạnh vấn đề tài chính, công nghệ, hay năng lực quản lý là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. Chúng tôi kiến nghị Chính phủ tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin – cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO