VN-Index thêm một phiên lao dốc; Sức hấp thụ vốn dần cải thiện; Chuyên gia Dragon Capital bật mí chiến lược mang lại hiệu suất 15 – 17% mỗi năm; Doanh nghiệp thép nhỏ dần hụt hơi; Chủ tịch Fed: Quá trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu mất nhiều thời gian hơn dự kiến…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 17/4 tăng 600.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 200.000 đồng/lượng chiều mua vào và 600.000 đồng/lượng chiều bán ra, hiện đứng ở mức 82,10 – 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm nhẹ 0,38 USD xuống 2.383,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng hạ nhiệt về dưới 2.380 USD trước khi leo lên trên 2.390 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 106,14 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 17/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.231 đồng/USD, tăng mạnh 90 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.130 – 25.440 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm mạnh xuống 62.600 USD thì sang phiên hôm nay đã hồi phục lên 64.000 USD, trước khi lùi về 63.500 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,73 USD (-0,86%), xuống 84,63 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,70 USD (-0,78%), xuống 89,30 USD/thùng.
VN-Index thêm một phiên giảm sâu
Lực cầu yếu dần từ sớm khiến VN-Index nhanh chóng giảm về gần 1.210 điểm sau những phút đầu giao dịch trên tham chiếu.
Sau giờ nghỉ trưa, bên nắm giữ một lần nữa là bên mất kiên nhẫn và VN-Index rơi mạnh, dễ dàng xuyên thủng ngưỡng 1.200 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày, ở ngay đường MA100, gần sát dải dưới bollinger. Thanh khoản sụt giảm mạnh so với 2 phiên trước đó khi bên mua không còn đủ dũng khí để bắt đáy.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 42,68 triệu đơn vị, giá trị bán ròng 996,22 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 17/4: VN-Index giảm 22,67 điểm (-1,86%), xuống 1.193,01 điểm; HNX-Index giảm 2,63 điểm (-1,15%), xuống 226,2 điểm; UPCoM-Index giảm 0,48 điểm (-0,55%), xuống 88,15 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ có phiên giao dịch khá ảm đạm vào thứ Ba (16/4), khi nhà đầu tư thận trọng về lãi suất trong tương lai khi mà nền kinh tế Mỹ vẫn vững vàng với lạm phát dai dẳng.
Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết hôm thứ Ba rằng các dữ liệu về lạm phát gần đây đã không mang lại cho các nhà hoạch định chính sách đủ tự tin để sớm nới lỏng tiền tệ và ông lưu ý rằng Fed có thể cần phải giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn so với dự báo trước đây.
Kết thúc phiên 16/4: Chỉ số Dow Jones tăng 63,86 điểm (+0,17%), lên 37.798,97 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 10,41 điểm (-0,21%), xuống 5.051,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 19,77 điểm (-0,12%), xuống 15.865,25 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản giảm phiên thứ ba liên tiếp và để mất mốc 38.000 điểm lần đầu tiên trong hai tháng, khi căng thẳng ở Trung Đông đè nặng lên tâm lý và các nhà đầu tư đã chốt lời trước mùa báo cáo kết quả kinh doanh.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,32% xuống 37.961,80 điểm, mức thấp nhất kể từ ngày 14/2. Chỉ số Topix giảm 1,26% xuống 2663,15 điểm.
Chỉ số chuẩn có thời điểm tăng giá, nhưng không giữ sắc xanh khi sự thận trọng gia tăng do sự không chắc chắn về tình hình ở Trung Đông sẽ diễn ra như thế nào.
Đồng thời, các nhà đầu tư dường như đang đứng ngoài khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2024 tại Nhật Bản bắt đầu, với các công ty chủ chốt như nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm chip Advantest sẽ có báo cáo vào tuần tới.
Advantest giảm 4,5%, trong khi Lasertec giảm 7,9% và Tokyo Electron giảm 1% để trở thành những cổ phiếu giảm mạnh nhất trên Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc tăng vọt, sau khi Cơ quan quản lý chứng khoán đã làm rõ các quy tắc hủy niêm yết mới để nâng đỡ tâm lý thị trường sau đợt bán tháo cổ phiếu vốn hóa nhỏ.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 2,14% lên 3.071,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1,55% lên 3.565,40 điểm.
Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, các quy tắc chặt chẽ hơn sẽ không châm ngòi cho làn sóng hủy niêm yết. Cơ quan này cũng bác bỏ quy định hủy niêm yết mới nhất sẽ nhắm vào các công ty vốn hóa nhỏ, nói rằng chỉ có khoảng 30 công ty sẽ bị hủy niêm yết vào năm tới theo quy định mới.
Chỉ số CSI 2000, bao gồm các công ty vốn hóa nhỏ của Trung Quốc tăng 6,6%.
Trong khi đó, UBS nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc lên 4,9% từ 4,6%, do tăng trưởng kinh tế quý đầu tiên tốt hơn dự kiến và triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ hơn.
Chứng khoán Hồng Kông giằng co và tăng nhẹ khi Chủ tịch Fed Powell đưa ra giọng điệu diều hâu hơn về lạm phát.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,01% lên 16.251,84 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,10% lên 5.749,69 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm phiên thứ tư liên tiếp, khi sự thận trọng gia tăng trong bối cảnh thiếu chắc chắn về khả năng giảm lãi suất của Mỹ và căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 25,45 điểm, tương đương 0,98% xuống 2.584,18 điểm.
Kết thúc phiên 17/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 509,40 điểm (-1,32%), xuống 37.961,80 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 64,31 điểm (+2,14%), lên 3.071,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 2,67 điểm (+0,01%), lên 16.251,84 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 25,45 điểm (-0,98%), xuống 2.584,18 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Sức hấp thụ vốn dần cải thiện
Tăng trưởng tín dụng thoát “âm” kể từ tháng 3/2024, lãnh đạo các ngân hàng kỳ vọng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện trong các quý tới..>> Chi tiết
– Thị trường điều chỉnh sâu, chuyên gia Dragon Capital bật mí chiến lược mang lại hiệu suất 15 – 17% mỗi năm
Việc thị trường điều chỉnh không ảnh hưởng đến xu hướng tăng trung hạn, từ đó chuyên gia Dragon Capital bật mí về chiến lược “đầu tư bình quân đều” để mang lại hiệu suất 15 – 17% mỗi năm..>> Chi tiết
– Doanh nghiệp thép nhỏ dần hụt hơi
Kinh doanh sa sút, cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát, thậm chí bị hủy niêm yết là tình trạng chung của nhóm doanh nghiệp thép có quy mô nhỏ và vừa trong thời gian qua..>> Chi tiết
– Chủ tịch Fed: Quá trình đưa lạm phát trở lại mục tiêu mất nhiều thời gian hơn dự kiến
Hôm thứ Ba (16/4), Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, mặc dù nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ, nhưng vẫn chưa thấy lạm phát quay trở lại mục tiêu của ngân hàng trung ương, đồng thời chỉ ra rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ không sớm diễn ra..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn