VN-Index tiếp tục tăng nhẹ; Tín dụng chậm không hẳn vì lãi suất; Cận cảnh chợ trái phiếu riêng lẻ; Chọn danh mục cho nửa cuối năm; Các ngân hàng trung ương: Đồng USD sẽ duy trì sự thống trị trong thập kỷ tới…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 28/6 không đổi so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày đã tăng nhẹ 50.000 đồng/lượng và hiện đứng ở mức 66,40 – 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ giảm 9,1 USD xuống 1.913,7 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng tiếp tục lùi bước và về gần 1.905 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 102,58 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 28/6 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.760 đồng/USD, tăng 5 đồng so với hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 23.380 – 23.720 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên 33.000 USD, thì sang phiên hôm nay đã tiếp tục nhích lên nhưng đã hạ nhiệt về quanh ngưỡng trên vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,48 USD (+0,71%), lên 68,18 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,47 USD (+0,65%), lên 72,73 USD/thùng.
VN-Index tiếp tục tăng
Sau diễn biến không mấy thuận lợi ở phiên sáng khi áp lực bán gia tăng về cuối phiên khiến VN-Index lùi về sát vạch xuất phát, thị trường bước sang phiên chiều khá giằng co và nhưng bất ngờ đảo chiều, thử thách mốc 1.140 điểm trước khi thu hẹp biên độ tăng đôi chút. Thị trường đóng cửa tăng nhẹ và xác nhận phiên tăng điểm thứ 7 liên tiếp trong bối cảnh “xanh vỏ đỏ lòng”.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 5,19 triệu đơn vị, tổng giá trị mua ròng 105,76 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 28/6: VN-Index tăng 4,02 điểm (+0,35%), lên 1.138,35 điểm; HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,25%), xuống 230,25 điểm; UPCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,39%), lên 85,99 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Ba (27/6), sau khi dữ liệu kinh tế lạc quan làm dịu nỗi lo của nhà đầu tư về suy thoái kinh tế sắp xảy ra, cũng như hoạt động “tích cực” của các quỹ giúp nâng đỡ tâm lý thị trường.
Các báo cáo riêng biệt cho thấy các đơn đặt hàng mới đối với tư liệu sản xuất chính của Mỹ bất ngờ tăng trong tháng 5 và doanh số bán nhà ở cho một gia đình mới tăng trong cùng tháng, trong khi niềm tin của người tiêu dùng tăng lên mức cao gần 1,5 năm trong tháng 6.
Hiện giới đầu tư sẽ có thêm những dữ liệu kinh tế khác trong tuần này, bao gồm thước đo lạm phát chính, cũng như bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Diễn đàn Ngân hàng Trung ương Châu Âu ở Sintra, Bồ Đào Nha.
Kết thúc phiên 27/6, chỉ số Dow Jones tăng 212,03 điểm (+0,63%), lên 33.926,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 49,59 điểm (+1,15%), lên 4.378,41 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 219,89 điểm (+1,65%), lên 13.555,67 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng vọt sau bốn phiên thua lỗ, khi cổ phiếu ngành công nghệ tăng tốc theo chân các công ty cùng ngành trên phố Wall đêm qua.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 2,02% lên 33.193,99 điểm. Chỉ số Topix tăng 1,99% lên 2.298,60 điểm.
Cổ phiếu công nghệ tăng 2,6% để trở thành lĩnh vực hoạt động tốt nhất của Nikkei 225 với những cái tên như Tokyo Electron và Advantest lần lượt đóng góp 53 điểm và 45 điểm tích cực với mức tăng lần lượt tăng 2,66% và 3,73%.
Ngoài ra, việc đồng yen trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2 so với đồng USD đã thúc đẩy các nhà xuất khẩu, với Toyota Motor tăng 82,3%.
Ở đầu bên kia, chỉ số vận chuyển của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, vốn đã tăng hơn 7% trong hai phiên trước đó đã giảm 1,67%.
Theo đó, cổ phiếu Kawasaki Kisen Kaisha giảm 6,2% để trở thành cổ phiếu hoạt động kém nhất trên Nikkei 225, các công ty cùng ngành Nippon Yusen và Mitsui O.S.K. Lines giảm lần lượt 1,09% và 0,68%
Chứng khoán Trung Quốc gần như không đổi, khi dữ liệu cho thấy lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc giảm trong 5 tháng đầu năm và các nhà đầu tư lo lắng trước tin tức rằng Mỹ đang cân nhắc các hạn chế mới đối với xuất khẩu chip AI sang Trung Quốc.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm không đáng kể xuống 3.189,38 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 0,12% xuống 3.840,80 điểm.
Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp của Trung Quốc đã giảm 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong năm tháng đầu năm 2023, khi các công ty bị ảnh hưởng bởi lợi nhuận bị siết chặt từ nhu cầu suy yếu, trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu COVID vấp ngã.
Thêm vào những lo ngại, Wall Street Journal đưa tin rằng, Mỹ có thể áp thêm hạn chế trong việc xuất khẩu chip AI do Nvidia và các hãng khác sản xuất sang Trung Quốc.
Các cổ phiếu liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) được giao dịch tại Trung Quốc đã giảm tới 4,8%.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhưng sự thận trọng vẫn chiếm ưu thế trên thị trường do lo ngại căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng liên quan đến ngành chip AI.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,12% lên 19.172,05 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,26% lên 6.521,22 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi các nhà sản xuất pin yếu đà, mặc dù tổn thất được hạn chế nhờ cổ phiếu các nhà sản xuất chip.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 17,20 điểm, tương đương 0,67% xuống 2.564,19 điểm.
“Các nhà đầu tư đang ở chế độ chờ xem trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed, ông Powell và công bố thu nhập của nhà sản xuất chip Micron Technology của Mỹ”, Kim Seok-hwan, nhà phân tích tại Mirae Asset Securities, cho biết.
Phiên này, các cổ phiếu pin sụt giảm, với LG Energy Solution giảm 2,5% và LG Chem giảm 5,83%. Các công ty cùng ngành Samsung SDI và SK Innovation lần lượt mất 3,1% và 3,95%.
Trong khi đó, nhà sản xuất chip lại nhích lên với Samsung Electronics tăng 0,14% và SK Hynix tăng 1,15%, sau khi truyền thông đưa tin Mỹ đang xem xét các hạn chế mới đối với xuất khẩu chip trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.
Kết thúc phiên 28/6: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 655,66 điểm (+2,02%), lên 33.193,99 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,06 điểm (–0,00%), xuống 3.189,38 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 23,92 điểm (+0,12%), lên 19.172,05 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 17,20 điểm (-0,67%), xuống 2.564,19 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Tín dụng chậm không hẳn vì lãi suất
Mặt bằng lãi suất thấp hơn so với đầu năm 2023, song nhiều ngân hàng cho hay, khó có thể đẩy mạnh cho vay trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu ra của các doanh nghiệp suy giảm..>> Chi tiết
– Cận cảnh chợ trái phiếu riêng lẻ
Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) dự kiến sẽ đưa vào giao dịch trong tháng 7/2023. Giới đầu tư đặt nhiều kỳ vọng khi thị trường này được đưa vào khuôn khổ..>> Chi tiết
– Chọn danh mục cho nửa cuối năm
Phần lớn các thành viên thị trường chứng khoán đang có góc nhìn lạc quan hơn về triển vọng nửa cuối năm 2023, nhưng việc lựa chọn danh mục đầu tư sẽ tập trung vào một số nhóm ngành..>> Chi tiết
– Các ngân hàng trung ương: Đồng USD sẽ duy trì sự thống trị trong thập kỷ tới
Theo một cuộc khảo sát hàng năm với các ngân hàng trung ương, đồng USD sẽ duy trì vị thế là đồng tiền dự trữ thống trị của thế giới trong thập kỷ tới, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng từ một số quốc gia về việc áp dụng các giải pháp thay thế đồng bạc xanh..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn