VN-Index giảm hơn 15 điểm; Lãi suất điều hành chưa sớm hạ lần 5; Chứng khoán Việt Nam với “tấm áo chật” công nghệ; Quỹ đạo thị trường chưa thay đổi; Nỗi lo bão giá năng lượng trở lại…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay 18/9 tăng 150.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm nhẹ 50.000 đồng/lượng, hiện đứng ở mức 68,35 – 69,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 13,5 USD lên 1.924,1 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng nhích lên gần 1.930 USD, nhưng đã hạ nhiệt về gần 1.925 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 105,22 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 18/9 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.046 đồng/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.190 – 24.530 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua đi ngang quanh 26.500 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng lên gần 27.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,56 USD (+0,62%), lên 91,33 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 0,40 USD (+0,43%), lên 94,33 USD/thùng.
VN-Index giảm hơn 15 điểm
Thị trường sớm đỏ lửa từ sớm với áp lực bán luôn trong trạng thái chực chờ, mỗi khi VN-Index được kéo lên đôi chút thì nhà đầu tư lại tranh thủ xả hàng. Dù không quá mạnh tay, nhưng lực bán trên diện rộng cũng đủ khiến chỉ số lùi về các mức thấp hơn và có thời điểm đã về sát 1.200 điểm, trước khi thu hẹp đà giảm về cuối phiên nhờ một bộ phận dòng tiền bắt đáy.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 17,94 triệu đơn vị, với tổng giá trị bán ròng 506,62 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 18/9: VN-Index giảm 15,55 điểm (-1,27%), xuống 1.211,81 điểm; HNX-Index giảm 2,28 điểm (-0,9%), xuống 250,48 điểm; UPCoM-Index giảm 0,59 điểm (-0,63%), xuống 93,17 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên thứ Sáu (15/9), khi nhà đầu tư thận trọng giao dịch trước cuộc họp chính sách của Fed.
Giới đầu tư ngày tỏ ra lo ngại trước một loạt dữ liệu kinh tế trái chiều trước khi Fed đưa ra quyết định chính sách, dự kiến vào ngày 20/9. Theo dự báo, Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất như hiện tại, nhưng nhà đầu tư sẽ tìm hiểu sâu hơn về cách các nhà hoạch định chính sách đang suy nghĩ về lạm phát.
Trong tuần, Dow Jones tăng nhẹ 0,12%. Tuy nhiên, S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất điểm, giảm lần lượt 0,16% và 0,39%.
Kết thúc phiên 15/9: Chỉ số Dow Jones giảm 288,86 điểm (-0,83%), xuống 34.618,24 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 54,78 điểm (-1,22%), xuống 4.450,32 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 217,72 điểm (-1,56%), xuống 13.708,34 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản nghỉ giao dịch ngày Kính lão.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ, trong bối cảnh có các dấu hiệu ổn định ở nền kinh tế.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,26% lên 3.125,93 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,51% lên 3.727,71 điểm.
Dữ liệu hôm thứ Sáu cho thấy sản lượng nhà máy và doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh hơn trong tháng 8, trong khi sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản trở nên tồi tệ hơn bất chấp một loạt các biện pháp hỗ trợ gần đây.
Sau khi dữ liệu cho thấy một số dấu hiệu ổn định trong quá trình phục hồi, J.P. Morgan và ANZ đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc thêm 0,2% lên lần lượt 5% và 5,1%.
Các nhà phân tích của Gavekal Dragonomics cho biết: “Nhiều chỉ số cho thấy đà tăng trưởng của Trung Quốc ổn định hoặc cải thiện trong tháng 8 sau khi sụt giảm mạnh trong quý II, cho thấy rằng cú sốc giảm phát tồi tệ nhất đối với nền kinh tế hiện đã qua”.
Tuy nhiên, điều tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc vẫn chưa kết thúc, một cuộc khảo sát các nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế do JPMorgan thực hiện cho thấy.
Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết họ hy vọng tác động của lĩnh vực bất động sản suy giảm sẽ “có khả năng đè nặng lên nền kinh tế trong nhiều quý tới”.
Trong khi đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết họ sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) thêm 0,25% đối với tất cả các ngân hàng từ hôm nay, ngoại trừ những ngân hàng đã thực hiện tỷ lệ dự trữ 5%.
Nhưng các lĩnh vực bất động sản tiếp tục trở nên tồi tệ hơn, với dữ liệu cho thấy giá nhà mới, đầu tư và bán bất động sản giảm sâu, nhấn mạnh rằng ngành này sẽ cần nhiều hỗ trợ hơn.
Chứng khoán Hồng Kông giảm khi các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tránh xa thị trường, trong bối cảnh lo ngại đồng nhân dân tệ sẽ suy yếu do chênh lệch lãi suất ngày càng lớn.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 1,39% xuống 17.930,55 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 1,59% xuống 6.209,52 điểm.
Các nhà phát triển bất động sản đại lục niêm yết tại Hồng Kông mất 2%, với thông tin đáng chú ý là các nhà chức trách bắt giữ một số giám đốc điều hành từ đơn vị quản lý tài sản của China Evergrande.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, bị kéo xuống bởi các nhà sản xuất chip lớn do lo ngại về sự phục hồi yếu của nhu cầu.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 26,56 điểm, tương đương 1,02%, xuống 2.574,72 điểm
Nhà sản xuất chip Samsung Electronics giảm 2,5% phiên giảm mạnh nhất từ đầu tháng 2, trong khi công ty cùng ngành SK Hynix mất 2,78%.
Kết thúc phiên 18/9: Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,19 điểm (+0,26%), lên 3.125,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 252,34 điểm (-1,39%), xuống 17.930,55 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 26,56 điểm (-1,02%), xuống 2.574,72 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
– Lãi suất điều hành chưa sớm hạ lần 5
Đợt hạ lãi suất điều hành lần thứ 5 nhiều khả năng chưa được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong quý III/2023 như kỳ vọng..>> Chi tiết
– Chứng khoán Việt Nam với “tấm áo chật” công nghệ
Thực tế, TTCK tồn tại một luật bất thành văn là CTCK chỉ được làm những gì cho phép chứ không được làm những gì pháp luật không cấm..>> Chi tiết
– Quỹ đạo thị trường chưa thay đổi
VN-Index trong phiên cuối tuần qua tăng nhẹ, nhưng vẫn không thể giúp đồ thị nến tuần tránh khỏi sắc đỏ. Mặc dù đã xác định tuần giao dịch tiền đáo hạn phái sinh luôn căng thẳng với những biến động rung giật có tần suất cao, nhưng ảnh hưởng của yếu tố chu kỳ này vẫn khiến tâm lý giao dịch trở nên thận trọng. Nhiều cổ phiếu quay đầu điều chỉnh, sự phân hóa mạnh giữa các cổ phiếu cũng xảy ra, nhưng quỹ đạo vận động tích cực của thị trường chưa bị ảnh hưởng..>> Chi tiết
– Nỗi lo bão giá năng lượng trở lại
Thị trường năng lượng thế giới gần đây ghi nhận giá biến động mạnh theo hướng tăng..>> Chi tiết
Theo tinnhanhchungkhoan.vn