Thị trường Việt Nam rất được các nhà đầu tư Nhật Bản chào đón, trong thời gian tới, Daiwa sẽ góp phần tìm kiếm các cơ hội đầu tư để các nhà đầu tư Nhật có thể rót vốn vào Việt Nam.
Việt Nam – điểm sáng về thu hút đầu tư
Chia sẻ tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tài chính “Việt Nam – điểm đến đầu tư” diễn ra tại Nhật Bản, ông Takafumi Oue, trưởng đại diện Daiwa tại Việt Nam cho biết, tại thị trường Việt Nam, Daiwa trở thành cổ đông lớn của SSI, đồng hành thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam liên tục 16 năm nay.
Daiwa xác định sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, đẩy mạnh M&A. Trong thời gian tới, Daiwa đánh giá lĩnh vực logistic, chăm sóc sức khỏe sẽ phát triển.
Bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc chiến lược của CTCP Chứng khoán SSI, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI cho biết, Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng về thu hút đầu tư và có nhiều yếu tố hỗ trợ để phát triển thành trung tâm tài chính.
Các yếu tố hỗ trợ chính bao gồm tốc độ tăng trưởng GDP cao, dân số trẻ và được đào tạo, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, trở thành trung tâm chế biến chế tạo tại khu vực Đông Nam Á.
Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn trước đại dịch Covid, thậm chí trong giai đoạn đại dịch 2020 – 2021 vẫn đạt tăng trưởng dương 2,5 – 3%. Trong năm 2023, mặc dù bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng tích cực và trở thành điểm sáng. Chính phủ đã và đang có nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, cả về chính sách tiền tệ (giảm lãi suất), đến chính sách tài khóa cũng như tăng cường giải ngân vốn đầu tư công.
SSI Research dự kiến GDP sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm 2024. Sự phục hồi trong tăng trưởng GDP cho 2024 sẽ được thúc đẩy đầu tiên bởi hoạt động chế biến chế tạo, xuất khẩu, sau đó sẽ là hoạt động tiêu dùng từ nửa cuối 2024 (một phần đến từ việc cải cách tiền lương cho khối Nhà nước và tăng lương tối thiểu vùng).
Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Theo Tổng cục Thống kê, nhóm dân số trong độ tuổi từ 15- 59 tuổi chiếm 62,2% năm 2023 và tốc độ đô thị hóa ở Việt Nam tiếp tục diễn ra mạnh mẽ do việc di cư dân số từ khu vực nông thôn đến thành thị.
Đến hết 2023, tỷ lệ dân số thành thị ở Việt Nam khoảng 38,1%. Tầng lớp trung lưu hiện chiếm khoảng 15% dân số và dự kiến sẽ đạt 26% trong 2026. Dân số trẻ, tốc độ tăng trưởng của tầng lớp trung lưu và đô thị hoá cao đã thúc đẩy tăng trưởng ở những ngành như Ngân hàng – tài chính, tiêu dùng, và bất động sản.
Với tỷ lệ dân số trẻ và sự gia tăng vượt bậc của người dùng điện thoại di động cũng như sự lên ngôi của điện thoại thông minh, mạng di động đã trở thành công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam. Theo báo cáo của We are Social, đến hết 2023 Việt Nam có 77 triệu người dùng Internet tương đương với 79,1% dân số. Ước tính 89,8% tổng số người dùng Internet của Việt Nam đã sử dụng ít nhất một nền tảng mạng xã hội.
Sự phổ biến của ứng dụng di động, dịch vụ trực tuyến, và giao dịch điện tử đã và đang thúc đẩy mô hình kinh doanh số tại Việt Nam. Theo Temasek and Bain, nền kinh tế số của Việt Nam đến hết 2023 là 30 tỷ USD và có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2030 lên 90 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử đóng góp đáng kể.
Bà Lê Thị Lệ Hằng – Giám đốc chiến lược của CTCP Chứng khoán SSI, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI |
Việt Nam cũng là một quốc gia có sự quan tâm ở mức rất cao đối với tài sản số, hiện tại Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất quan điểm quản lý đối với tài sản số, cũng như giải pháp xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản số.
Bên cạnh lợi ích trong việc giúp sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám của FATF (lực lượng đặc nhiệm tài chính) hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này…, theo bà Lệ Hằng, nếu có cơ chế quản lý hợp lý, Việt Nam hoàn toàn có thể có các lợi ích về thuế, không bị chảy máu chất xám, thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chạy thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
“Việt Nam, với chính sách làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới, sở hữu rất nhiều các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đang là một trong các quốc gia hưởng lợi chính từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, bà Hằng nói và cho rằng xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc và được củng cố bởi căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung kể từ năm 2018.
Bằng chứng rõ ràng cho xu hướng này là xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2018 và Việt Nam hiện đứng thứ ba trong số các quốc gia xuất siêu sang Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Các lĩnh vực hợp tác đáng chú ý trong việc Việt Nam nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các quốc gia trên thế giới có thể kể đến như sản xuất chất bán dẫn (với Mỹ và các nước đối tác) hay nâng cấp kết nối đường sắt (với Trung Quốc).
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu điện tử của Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 10% trong năm 2024, nhờ giảm bớt gián đoạn nguồn cung, hiệu ứng cơ sở thấp và nhu cầu đầu tư vào trí tuệ nhân tạo”, bà Hằng nói.
So với các nước láng giềng thì tỷ lệ đầu tư vào hạ tầng ở Việt Nam so với GDP là cao; tuy nhiên sự dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng đã và đang thúc đẩy Việt Nam phải đẩy mạnh hơn đầu tư vào hạ tầng.
Việt Nam dự kiến đón dòng vốn 8-10 tỷ USD khi được FTSE và MSCI nâng hạng
Sự gia tăng nhanh chóng của nhà đầu tư cá nhân trên TTCK Việt Nam đã làm thay đổi diện mạo thị trường vốn. Hiện Việt Nam có khoảng 7,6 triệu tài khoản giao dịch, tương đương mức 8% quy mô dân số. Con số này khá thấp khi so với các thị trường phát triển như Nhật Bản, khoảng 33% quy mô dân số.
Với thanh khoản trung bình khoảng 1 tỷ USD, quy mô của TTCK khoảng 200 tỷ USD, một bước tăng trưởng vượt bậc so với quy mô TTCK 10 năm trước là 60 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nhìn về tỷ lệ quy mô của thị trường so với GDP (430 tỷ USD năm 2023) thì con số này vẫn còn khiêm tốn. Điều này cho thấy triển vọng phát triển thị trường cổ phiếu còn nhiều.
Theo dự báo của SSI, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng 16% trong 2024 so với mức giảm 4,6% của năm 2023. PE của Việt Nam so với các nước vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng.
Nếu xét về quy mô giao dịch của thị trường thì Việt Nam có thể được coi như tương đồng với các nước ở thị trường cận biên.
Mặc dù được đưa vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi của FTSE (secondary emerging market) từ năm 2018, vì một số lý do như yêu cầu ký quỹ trước giao dịch với nhà đầu tư tổ chức, nhưng từ tháng 7/2023 đến nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã có nhiều động thái trong quá trình tháo gỡ các rào cản cũng như lắng nghe ý kiến từ thành viên thị trường để cùng đưa ra giải pháp thúc đẩy nâng hạng thị trường Việt Nam.
“Sẽ có rất nhiều lợi ích cho Việt Nam trong việc nâng hạng thị trường”, bà Hằng nhấn mạnh và cho rằng, quy mô vốn của các quỹ mới nổi lớn hơn gấp nhiều lần so với các quỹ ở thị trường cận biên. Việt Nam dự kiến sẽ đón nhận dòng vốn từ 8-10 tỷ USD khi lần lượt được FTSE và MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng của Việt Nam rất thấp
Cùng với thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng là một kênh huy động vốn hiệu quả trung và dài hạn cho doanh nghiệp và chính phủ. Đến hết năm 2023, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 46 tỷ USD, tương đương mức 12% GDP, so với các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc và Malaysia thì dư địa tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn.
Bên cạnh đó, nhìn vào con số 321 nghìn tỷ trái phiếu phát hành trong 2023, với tỷ trọng ngân hàng và bất động sản chiếm tới 83% quy mô phát hành, thì còn rất nhiều ngành và doanh nghiệp có nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn chưa thể kết nối đến thị trường vốn. Điểm tích cực là số lượng doanh nghiệp niêm yết phát hành trái phiếu trong năm 2023 là tăng, cho thấy nhu cầu vẫn luôn tồn tại trong bất kỳ điều kiện thị trường nào.
Tuy nhiên theo bà Hằng, một trong những rào cản hạn chế sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là thiếu vắng ý kiến và đánh giá có tính chuẩn mực của bên thứ 3 – cụ thể là các công ty xếp hạng tín nhiệm. Điều này làm cho các nhà đầu tư như công ty bảo hiểm hay quỹ đầu tư chưa thể có một bộ tiêu chí khách quan, cụ thể để quyết định phân bổ tỷ trọng lớn hơn cho TPDN. Nếu nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực, tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp được xếp hạng của Việt Nam rất thấp.
“Chúng tôi kỳ vọng hiệu lực của nghị định 65 bao gồm đăng ký giao dịch bắt buộc, quy định chặt chẽ hơn đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp, và xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ giúp hình thành kỷ luật chặt chẽ hơn giữa tổ chức phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, giúp nâng cao chất lượng TPDN mới phát hành”, bà Lệ Hằng chia sẻ.
Từ đó, kỳ vọng việc tăng cường minh bạch trên thị trường trái phiếu sẽ giúp thu hút thêm và đa dạng hơn các nhà đầu tư tổ chức vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam.
Nhìn vào các mục tiêu phát triển thị trường vốn Việt Nam trong giai đoạn 2025-2030 đã được Chính Phủ phê duyệt, dù mục tiêu là rất thách thức nhưng với tiềm năng tăng trưởng lớn, dư địa phát triển nhiều và thái độ cầu thị, chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế của các cơ quan quản lý, cùng với sự đồng hành của các thành viên thị trường, bà Hằng tin thị trường vốn Việt nam sẽ đạt và vượt các mục tiêu mà Chính Phủ đề ra.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn