Trong gần 600 doanh nghiệp niêm yết trên cả hai sàn, Ban tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023 đã chọn ra 51 doanh nghiệp xuất sắc để vinh danh ở 3 hạng mục giải thưởng Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo Phát triển bền vững.
Cuối tuần trước, tại Cam Ranh, Khánh Hoà đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023. Sự kiện được tổ chức kết hợp với Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết thường niên năm 2023, với sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lãnh đạo các sở giao dịch chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam và đại diện gần 300 công ty niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ và các định chế tài chính khác trên thị trường.
Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Quyền Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết, trải qua 16 lần tổ chức, Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh mục tiêu khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng báo cáo, công khai và minh bạch thông tin, Ban Tổ chức còn hướng đến thúc đẩy các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị công ty, gắn quản trị công ty với các yếu tố môi trường, xã hội.
Ngày 14/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 841/QĐ-TTg về lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030. Theo bà Hà, điều đó thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam với các cam kết và định hướng rõ ràng trong tiến trình hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng là “chìa khóa” quan trọng để cung cấp vốn cần thiết cho các doanh nghiệp thúc đẩy các sáng kiến xanh, hỗ trợ chương trình bền vững cùng với các mục tiêu xã hội và quản trị.
“Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết hàng năm đã và đang là một sáng kiến góp phần nâng cao nhận thức và thực hành quản trị công ty, phát triển bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp niêm yết”, bà Hà khẳng định.
Tổng kết Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023, bà Nguyễn Nam Anh, Giám đốc Quản lý niêm yết HOSE cho biết, đối tượng tham gia hạng mục Báo cáo thường niên và Phát triển bền vững năm nay được chia thành 2 nhóm: tài chính và phi tài chính, cũng là điểm mới của Cuộc bình chọn (hạng mục quản trị công ty chia theo vốn hoá). Bên cạnh đó, cơ cấu giải thưởng Quản trị công ty tăng lên theo tỷ lệ 10 công ty thuộc nhóm Large cap, 10 công ty nhóm Mid cap và 5 công ty thuộc nhóm Small cap; bổ sung thêm một số giải phụ và cập nhật thêm bộ tiêu chí OECD 2023, bổ sung khía cạnh phát triển bền vững và bền bỉ.
Cụ thể hơn, đối với hạng mục Báo cáo thường niên, năm 2023, Hội đồng bình chọn chỉ chấm điểm doanh nghiệp niêm yết có đăng ký tham gia, chia nhóm tài chính – phi tài chính và tiếp tục đưa nội dung liên quan đến giảm thiểu phát thải nhà kính. Số báo cáo thường niên được đánh giá ở khối tài chính là 24, với điểm trung bình 72,65 điểm, khối phi tài chính là 92 báo cáo với điểm trung bình 68,01 điểm.
Theo thông tin từ Ban Tổ chức, báo cáo cáo thường niên năm nay có sự đầu tư nghiêm túc về nội dung và hình thức, chú trọng đến mục tiêu tiếp cận nguồn vốn và tài chính quốc tế, chủ động áp dụng các thông lệ quốc tế như GRI, ASEAN Scorecard, G20 OECD. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điểm cần cải thiện, tập trung chính ở thông tin rủi ro tài chính và tín dụng đặc thù chưa được thể hiện sâu; thiếu chủ động cung cấp thông tin về quản trị trong lĩnh vực tài chính. Một số doanh nghiệp thiếu báo cáo đánh giá của thành viên hội đồng quản trị độc lập.
Ông Lê Trọng Minh – Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Đồng Trưởng ban Tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2023 trao kỷ niệm chương cho Hội đồng bình chọn |
Với quản trị công ty, có 511 báo cáo được bình chọn, với điểm trung bình có sự nhỉnh nhẹ so với các năm trước, đạt 54,61 điểm, trong đó nhóm vốn hoá lớn vẫn có điểm số cao nhất. Đa số doanh nghiệp công bố thông tin đầy đủ và đúng hạn toàn bộ tài liệu đại hội cổ đông; báo cáo tài chính có cải thiện hơn khi công bố thông tin đầy đủ thu nhập của hội đồng quản trị và ban kiểm soát/ủy ban kiểm toán. Rất ít doanh nghiệp còn tồn tại tình trạng Tổng giám đốc kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Điểm cần cải thiện là chưa nhiều doanh nghiệp công bố tài liệu, nghị quyết, biên bản bằng tiếng Anh và áp dụng công nghệ điện tử vào đại hội cổ đông; chưa nhiều doanh nghiệp đạt được điểm thưởng liên quan khía cạnh ESG. Một số doanh nghiệp vi phạm về việc uỷ quyền cho hội đồng quản trị duyệt các giao dịch theo thẩm quyền đại hội cổ đông.
Ở hạng mục Báo cáo Phát triển bền vững, có những tiêu chí mới để nâng cao chất lượng đảm bảo đối với báo cáo phát triển bền vững, cập nhật theo xu hướng thông lệ GRI; tăng cường chất lượng công bố thông tin phát thải khí nhà kính. Tổng quan, số lượng doanh nghiệp phát hành báo cáo phát triển bền vững riêng tăng dần qua các năm; một số doanh nghiệp thực hiện đánh giá ESG theo tiêu chuẩn quốc tế; một số doanh nghiệp bắt đầu cam kết mục tiêu Net Zero. Lần đầu tiên có doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm định phát thải khí nhà kính của đơn vị được xác thực bởi ISO 14064.
Theo đánh giá của Hội đồng bình chọn, các doanh nghiệp cần cải thiện sự định lượng phù hợp và các mục tiêu thông minh. Nhiều doanh nghiệp vẫn đang thiếu phân tích dữ liệu, chủ yếu các công ty vẫn đang sử dụng một khung báo cáo của GRI. Tỷ lệ doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững còn thấp.
Bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) nhận xét, chất lượng quản trị công ty của Việt Nam có sự chuyển dịch tăng từ rất thấp lên mức trung bình trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn bị bỏ lại khá xa so với các nước trong khu vực ASEAN.
Theo bà Thanh, có 3 trọng tâm quản trị công ty cần cải thiện, bao gồm, cải thiện cấu trúc sở hữu cổ đông của các doanh nghiệp. Hiện các doanh nghiệp thường chỉ tập trung cổ đông Nhà nước, cổ đông tổ chức lớn và cổ đông nhỏ lẻ. Theo phân tích OECD năm 2022, cổ đông nhỏ lẻ chiếm trung bình hơn 30% tại các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam, thiếu vắng các quỹ đầu tư chuyên nghiệp cả trong và ngoài nước – chỉ 6%. Hiện trạng này tạo ra thách thức với quản trị công ty cho các doanh nghiệp Việt Nam, đòi hỏi sự gia tăng về tính độc lập của Hội đồng quản trị trong quá trình điều hành chiến lược, đánh giá chiến lược hiệu quả, đòi hỏi sự gia tăng cả chất lượng, số lượng của các thành viên Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của Hội đồng quản trị độc lập là rất lớn, khi tính độc lập gia tăng thì không chỉ bảo vệ lợi ích cổ đông nhỏ lẻ mà còn khơi dậy sự chú ý của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều quỹ đầu tư đã đưa các yêu cầu với nhà đầu tư có trách nhiệm, thì quản trị công ty là điều kiện cần, không phải điều kiện thêm trong quá trình đưa ra quyết định đầu tư. Thực tế, quản trị công ty của Việt Nam chưa đáp ứng được, trong đó trách nhiệm Hội đồng quản trị là rất lớn. Đầu quý IV/2023, OECD đã công bố nguyên tắc quản trị công ty mới, áp dụng từ năm 2024, trong đó bổ sung nguyên tắc số 6, là tính phát triển bền vững và tính kiên tâm của Hội đồng quản trị trong việc đảm bảo phát triển bền vững.
Trong mùa giải năm nay, Ban Tổ chức đưa nhiều tiêu chí giải liên quan đến ESG, nhưng điểm số mục này của các doanh nghiệp chưa cao, cho thấy sự quan tâm chưa đúng mức, chưa sẵn sàng cho ESG. Nếu các doanh nghiệp không kịp thời đưa phát triển bền vững, ESG vào chiến lược thì cần có cam kết.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn