Tuần qua, VN-Index có một phiên giảm sâu hôm 6/7 khi một số thông tin không chính thống về doanh nghiệp lan truyền.
Với góc nhìn của những người am hiểu thị trường, nếu không phải là những tin như vậy, cũng sẽ có thông tin khác làm cho thị trường rung lắc điều chỉnh. Lý do là bởi thị trường đã tăng một nhịp dài 6 tháng nay, đặc biệt quý II là giai đoạn tăng tích cực, đưa VN-Index tăng xấp xỉ 11%.
Chỉ báo tích cực ở đây là thị trường chỉnh nhưng có dòng tiền vào mua và giữ mốc 1.120 điểm thành công. Điều này cho thấy nhiều nhà đầu tư vẫn canh mua giá thấp. Đặc biệt, một số cổ phiếu đặc thù như dòng thép với HPG hay bất động sản khu công nghiệp như KBC, đầu tư công như KSB, cảng biển như HAH… vẫn giữ được giá xanh. Tức là nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng, có kết quả kinh doanh dự phóng quý II tăng trưởng vẫn thu hút dòng tiền. Phiên cuối tuần thị trường đã lấy lại sắc xanh đậm, thanh khoản cũng duy trì khá tốt.
Động lực để nhiều nhà đầu tư vững vàng trong giải ngân đến từ việc phân tích tín hiệu dòng tiền, và tín hiệu vĩ mô.
Nửa đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên sàn tăng trưởng âm và tiêu cực, nhưng nhà đầu tư kỳ vọng lợi nhuận sẽ phục hồi trong giai đoạn 2023-2024 nhờ các chính sách hỗ trợ hồi phục kinh tế của Chính phủ. Dự kiến tăng trưởng lợi nhuận từ quý III-IV/2023 trở đi có thể sẽ tạo hiệu ứng tích cực cho VN-Index.
Thống kê cho thấy, các năm 2015, 2017 và 2021, khi tăng trưởng của các doanh nghiệp được cải thiện thì thị trường chứng khoán cũng phục hồi tích cực. Định giá của VN-Index theo các chỉ số PE và P/B hiện đều rẻ hơn trung bình 5 năm. Nhìn vào kết quả kinh doanh quý II của doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội, đón sóng là chủ đề chuyên mục Tiêu điểm số báo tuần này phân tích kỹ hơn.
Câu chuyện cũng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là chính sách tiền tệ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng. Đây chính là yếu tố quan trọng đối với thị trường chứng khoán. Từ năm 2012 đến nay, 4 trên 5 lần giảm lãi suất điều hành đều là khởi đầu của một sóng tăng. Đặc biệt, các chu kỳ chứng khoán: năm 2013, VN-Index tăng 70%; năm 2017, VN-Index tăng 57%; và 2020, VN-Index tăng 130% cho thấy rõ hiệu ứng này.
Dù vậy, trong ngắn hạn, thị trường vẫn có những lực cản nhất định, đó chính là tâm lý bất ổn định của nhà đầu tư, sự trồi sụt trong hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Chỉ cần một bộ phận chốt lời, cắt lỗ và khiến thị trường đỏ, nhà đầu tư cá nhân vốn chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường thường đua nhau bán dẫn tới VN-Index chỉnh mạnh. Trong giai đoạn thị trường tích lũy, các đợt điều chỉnh chính là cơ hội để thị trường dao động nhịp nhàng, bền vững hơn.
Nhìn về phía trước, thông điệp giữ mục tiêu tăng trưởng 6,5% như nghị quyết của Quốc hội vẫn được Chính phủ quyết tâm thực hiện cũng neo cho thị trường kỳ vọng lớn. Bởi như vậy, tăng trưởng quý III/2023 tối thiểu phải 7,4% và quý IV/2023 phải đạt 10,3%. Muốn đẩy mạnh tăng trưởng, phải nới lỏng chính sách linh hoạt hơn, từ đó tiếp tục giảm lãi suất, tăng cung tiền.
Hiện lãi suất ở 4 ngân hàng thương mại có nguồn gốc nhà nước đã chỉnh về dưới 7%/năm cho kỳ hạn 6-12 tháng. Khi lãi suất tiết kiệm giảm về ngưỡng 6%/năm, dòng tiền dễ dàng có xu hướng tìm cơ hội đầu tư ở các kênh có tỷ suất sinh lời hấp dẫn hơn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn