Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa, bởi đây là vấn đề của thị trường

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ

Vietstock – Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa, bởi đây là vấn đề của thị trường

Chiều 15/8, tiếp tục chương trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đưa ra các giải pháp cải thiện, nâng cao đời sống cho nông dân; tăng cường liên kết, thúc đẩy gỡ thẻ vàng IUU; an ninh lương thực đi đôi với cân bằng dinh dưỡng cho người dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn chiều 15/8

 

Giải pháp giải cứu nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long?

Tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Thanh Phong (tỉnh Vĩnh Long) đề cập đến vấn đề nông sản (thanh long, khoai lang) rớt giá khi thu hoạch, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân; đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp giải “cứu” nông sản cho đồng bằng sông Cửu Long.

Về tình trạng được mua mất giá, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng nên tư duy lại vấn đề này, theo đó, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản nữa, bởi đây là vấn đề của thị trường. Như câu chuyện trồng sầu riêng, không thể cấm bà con không được trồng sầu riêng mà cần có giải pháp khuyến nông, thông tin thị trường, kết nối doanh nghiêp, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn hệ thống từ nông nghiệp đến công thương, hiệp hội ngành hàng, đến từng hợp tác xã. Về trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ có trách nhiệm khi chưa chuẩn hóa quy trình trồng sầu riêng, xây dựng mã ngành hàng.

Về xây dựng thương hiệu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đã có nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đứng chân được ở trong những siêu thị lớn của nước ngoài. Có được kết quả này là quá trình của các doanh nghiệp kiên trì xây dựng thương hiệu. Trong thời gian tới, Bộ tiếp tục phát triển thương hiệu những ngành hàng chủ lực, trong đó có sầu riêng. Một khi có được thương hiệu sẽ tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn rất nhiều.

Bộ trưởng cũng làm rõ cần phân biệt giữa nhãn hiệu với thương hiệu. Nhãn hiệu chỉ cần đăng kí là xong. Nhưng thương hiệu phải là những thứ in vào tâm trí của người tiêu dùng bao gồm nhãn hiệu và những cảm xúc vô hình, chẳng hạn như khi nói đến thương hiệu xe Toyota thì sẽ nghĩ ngay đến chất lượng xe, độ bền của xe.

Trả lời chất vấn của đại biểu về nâng cao thu nhập cho người trồng lúa, Bộ trưởng cho biết, theo niên giám thống kê, khảo sát, nông nghiệp là ngành có thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế. Trong nông nghiệp, người trồng lúa là người có thu nhập thấp nhất. Ở bối cảnh hiện nay, giá gạo tăng hằng ngày, đây cũng là thời cơ cải thiện thu nhập lớn đối với những người nông dân.

Do đó, việc đảm bảo nguồn thu nhập cho người nông dân là điều được Bộ hết sức quan tâm, trong đó, việc cải thiện thu nhập không phải chỉ là vấn đề giá cả, mà cần tính toán đến các chi phí. Theo tính toán, thời gian qua, việc sản xuất lúa gạo đã giảm được 20 đến 25% chi phí đầu vào, do ứng dụng quy trình canh tác, “ba tăng, ba giảm”, tiết kiệm đất, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân, tiết kiệm giống, tiết kiệm thuốc. Chính những chi phí giảm xuống này là thành quả giúp gia tăng thu nhập cho người dân.

Bộ trưởng cho rằng, hiện nay chúng ta đang lo ngại giá cao hơn nữa có thể làm rối loạn ngành, gây thiếu bền vững. Đó cũng là một vấn đề. Nếu người nông dân nuôi trồng gì chỉ hưởng thu nhập từ sản phẩm đó, thì chưa đúng tinh thần Nghị quyết 19, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp, đa giá trị, tạo ra nhiều ngành nghề khác, không gian trồng lúa, thời gian trồng lúa có thể lồng ghép, tạo ra nhiều không gian, thời gian cho các ngành nghề khác. Nếu chúng ta tận dụng tốt quỹ không gian, thời gian đó, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo những nghề nghiệp ở nông thôn, thì người nông dân không chỉ hưởng thành quả từ cây lúa, mà có nhiều nguồn thu nhập khác.

Bộ trưởng cũng cho rằng, cần liên kết lại trong hợp tác xã, để có giá ưu đãi do mua nhiều, giúp tăng lợi nhuận. Cần nhìn nhiều chiều hơn về cấu trúc ngành hàng lúa gạo, để có hướng khuyến khích bà con vào hợp tác xã, mua chung, bán chung, hưởng dịch vụ chung, để có thu nhập từ nhiều phân khúc khác nhau, không phải chỉ từ nông sản nuôi trồng, tránh manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Xử lý nghiêm tàu cá vi phạm để gỡ thẻ vàng thủy sản

Chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chiều 15/8, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Chủ tịch HĐND TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) nói thẻ vàng thủy sản không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của Việt Nam.

“Đã gần 6 năm nước ta vẫn chưa gỡ được thẻ vàng, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để có thể đạt mục tiêu gỡ thẻ vàng trong lần đánh giá thứ 4 của Ủy ban Châu Âu (EC) vào tháng 10 không?”, bà Thanh chất vấn.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Phó đoàn Quảng Ngãi) nói hiện nay có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển nhưng yêu cầu phải đúng quy hoạch. Công việc này lại còn nhiều vướng mắc, nên bà Sương đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết trữ lượng thủy sản ở vùng biển Việt Nam là 3.95 triệu tấn, nhưng đã bị khai thác “tận diệt” đến 3.8 triệu tấn. Do đó, gỡ thẻ vàng không phải mục tiêu duy nhất, mà quan trọng là giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học đại dương của Việt Nam.

“Thẻ vàng về thủy sản nếu gỡ được mà tính bền vững không có thì Việt Nam sẽ tiếp tục bị áp dụng thẻ vàng khác vì cường lực khai thác đang quá lớn so với trữ lượng”, ông Hoan nói.

Bộ trưởng kể ông đã đối thoại với Cao ủy EU (Liên minh châu Âu) và được chất vấn hai nội dung. Một là nếu không áp đặt thẻ vàng thì Việt Nam còn dùng cường lực để khai thác kiệt quệ tài nguyên, khi đó người thiệt thòi là Việt Nam hay EU? Thứ hai, có công bằng hay không khi người vi phạm và người không vi phạm đều được hưởng lợi ích như nhau?

Theo ông Hoan, Việt Nam chưa tạo dựng được niềm tin chủ yếu do các địa phương chưa có biện pháp kiên quyết xử lý tàu cá vi phạm (gần 60% trường hợp vi phạm vẫn chưa xử lý). “Chúng ta hay nghĩ rằng người ta nghèo mà phạt nặng quá thì tội nghiệp. Nhưng Việt Nam không biện minh cái nghèo với EU được nữa, họ cần chúng ta hành động”, ông nói.

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo địa phương cùng đối thoại để tìm hướng hỗ trợ ngư dân, giải quyết được câu chuyện “càng cạn kiệt thì càng khai thác, càng khai thác thì càng cạn kiệt”. Ông sẽ báo cáo Thủ tướng danh sách các địa phương không cương quyết xử lý vi phạm, trong đó khoanh vùng xã, thôn thường xuyên có đội tàu vi phạm vì chỉ cần một tàu vi phạm, EC cũng không gỡ thẻ vàng cho Việt Nam.

Giải pháp lâu dài mà Bộ hướng đến là giảm đội tàu cá (hiện giảm từ 120,000 xuống hơn 90,000 tàu); ưu tiên nuôi trồng để giúp ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp. Việc nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo quy hoạch không gian biển, đảm bảo an ninh, quốc phòng, biển đảo, du lịch.

Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đối thoại với người dân trong diện chuyển đổi để có phương án cụ thể. Ngư dân có thể lên bờ nhưng vẫn duy trì nuôi trồng thủy sản trên biển hoặc trên cạn. “Bà con có thể chuyển hẳn sang nghề khác như làm du lịch biển hoặc làm việc trong các khu công nghiệp”, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thông nói.

Năm 2008, EC ban hành quy định số 1005 về thiết lập hệ thống cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, có hiệu lực từ năm 2010. Tháng 10/2017, EC thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU với lý do “Việt Nam chưa kiểm soát được đội tàu dẫn đến tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài gia tăng và chưa kiểm soát được tính hợp pháp sản phẩm hải sản từ khai thác xuất khẩu sang thị trường EU”.

Nhật Quang

Theo investing.com 


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO