© Reuters.
Theo Lan Nha
Hocviendautu.edu.vn – Theo số liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc, vốn FDI vào Trung Quốc đã giảm xuống còn 72,8 tỷ NDT (tương đương 10 tỷ USD), giảm 34% trong tháng 9/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa kể, đây còn là mức giảm cao nhất của dòng vốn FDI vào Trung Quốc kể từ năm 2014.
Kể từ tháng 5 năm nay, dòng vốn FDI vào Trung Quốc liên tục ghi nhận mức giảm 2 chữ số. Trong quý II/2023, nghĩa vụ đầu tư trực tiếp, một thước đo vốn nước ngoài vào Trung Quốc, đã giảm xuống còn 6,7 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ năm 2000. So với con số 21 tỷ USD của quý I/2023, có thể thấy rằng bức tranh FDI tại nền kinh tế thứ hai thế giới này đang ảm đạm hơn bao giờ hết.
Dòng vốn FDI chuyển sang âm, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút tiền khỏi thị trường khiến GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm trong năm nay theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến làn sóng tháo vốn FDI khỏi thị trường Trung Quốc là do các nhà đầu tư lo ngại trước chính sách quản lý cứng nhắc, hà khắc cũng như các cuộc điều tra nhắm vào các công ty thẩm định nước ngoài của chính quyền Bắc Kinh.
Tuy nhiên theo WSJ, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do giá đồng USD bật tăng trong khi đồng NDT mất giá. Trong năm nay, sự trái chiều của chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và chính sách tiền tệ thả lỏng của Trung Quốc đã khiến tỷ giá đồng NDT/USD biến động. Tính từ đầu năm đến nay, giá đồng NDT đã giảm gần 5,4% so với đồng USD và rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm qua.
Thế nhưng đồng NDT mất giá không hẳn là một điều tiêu cực đối với Trung Quốc khi nhờ đó mà đồng tiền của quốc gia này ngày càng phổ biến hơn.
Trong khi lãi suất tại Mỹ đang duy trì ở mức cao thì chi phí đi vay ở Trung Quốc lại đang đi xuống. Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics, nhận định: “Nhiều doanh nghiệp có thể đi vay với chi phí thấp hơn tại Trung Quốc. Hầu hết các doanh nghiệp đều có thể kiếm lời từ tiền dự trữ bằng cách chuyển chúng sang nước khác”.
Theo khảo sát của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC), trong 8 tháng năm 2023, các công ty nước ngoài đã phát hành số trái phiếu trị giá 106 tỷ NDT tại Trung Quốc, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 9 năm nay, đồng NDT cũng đã vượt qua đồng euro để trở thành đồng tiền phổ biến thứ hai trong tài trợ thương mại, chiếm 6% các khoản vay thương mại trên toàn cầu.
Các khoản thanh toán và nhận về từ đối tác bằng đồng NDT xuyên biên giới đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, lên 38,9 nghìn tỷ NDT (tương đương 5.420 tỷ USD). Lượng thanh toán bằng đồng NDT đã chiếm 1/4 tổng thương mại hàng hóa xuyên biên giới.
Trung Quốc đã tăng cường cho các nước thu nhập thấp và trung bình vay vốn bằng đồng NDT thay vì USD. PBoC đã cung cấp cho các nước đang gặp khó khăn về tài khóa các khoản vay bằng đồng NDT.
Giáo sư Saleem Bahaj thuộc Đại học College London và Giáo sư Ricardo Reis thuộc Trường Kinh tế London chỉ ra các nước vay bằng đồng NDT nhiều khả năng sẽ sử dụng loại tiền tệ này để thanh toán quốc tế, từ đó góp phần giúp đồng NDT trở nên phổ biến hơn.
Ngoài ra, có tới 40 nền kinh tế đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với PBoC, giúp tỷ trọng của đồng NDT trong thanh toán quốc tế của quốc gia đối tác tăng thêm 1,3 điểm phần trăm.
Đồng NDT cũng trở nên phổ biến hơn trong các giao dịch thương mại với các quốc gia trên thế giới nhờ các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Theo chuyên gia kinh tế Yu, cố vấn học thuật cho Diễn đàn Tài chính Trung Quốc 40 do chính phủ hậu thuẫn, cho biết: “Những thay đổi địa chính trị và biến động của nền kinh tế toàn cầu đã mang lại cơ hội cho đồng NDT đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế”.
Theo investing.com