Trong phiên thảo luận tại tổ sáng 5/6 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu quốc hội có ý kiến, cần có “van” để khóa tình trạng bong bóng bất động sản.
Tiếp tục kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV , sáng 5/6 sau khi Quốc hội nghe trình bày về Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các đại biểu đã tham gia thảo luận tại tổ về một số nội dung liên quan của dự thảo Luật.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh – Đoàn Cà Mau đồng ý, thống nhất các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật trình bày tại Quốc hội.
Tuy nhiên theo đại biểu Đinh Ngọc Minh: Tôi đọc cả 3 dự thảo luật gồm: Luật Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, tôi thấy chúng ta chưa có “van” để khóa tình trạng bong bóng bất động sản, bong bóng nhà ở. Hiện Trung Quốc đang dư 30 triệu ngôi nhà, Nhật Bản khoảng 3 triệu ngôi nhà và trước đó năm 2008-2009 Mỹ dư 500.000n ngôi nhà, điều này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của các nước. Điều này gây lãng phí rất lớn và ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh thông tin, hầu hết các nước châu Âu, Hàn Quốc đều có “van” điều tiết bong bóng bất động sản bằng cách đánh thuế “mua ngay, bán ngay” hay Việt Nam hay gọi là “lướt sóng”. Thuế “mua ngay, bán ngay” sẽ được nhà nước thu 50% lợi nhuận và tỷ lệ này sẽ giảm dần cho đến năm thứ 10 thì người bán mới được nguyên giá theo thuế thông thường.
Do vậy, đại biểu Đinh Ngọc Minh đề nghị dự thảo Luật cần có quy định để kiểm soát hoặc chống việc “lướt sóng” bất động sản, gây bất lợi cho nền kinh tế.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Chu Hồi – Đoàn Hải Phòng đề nghị dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cần chuẩn lại các từ ngữ, nên ghi lại cho chặt chẽ. “Tại Điều 1 của dự thảo, tôi thấy lặp lại nhiều chữ “về nhà ở” và “nhà ở” và chữ “sử dụng” phải để cạnh ngay sau chữ “sở hữu”, đề nghị sửa lại “… luật này quy định về sở hữu, sử dụng phát triển quản lý vận hành nhà ở; giao dịch và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam”.
Liên quan đến Nhà ở công vụ, đại biểu Tống Văn Bằng – Đoàn Hải Phòng đề nghị xem xét đánh giá mở rộng phạm vi nhà ở công vụ trong mục 3 Điều 42, Điều 47 và đề nghị mở rộng đối tượng để đảm bảo công bằng hơn.
Bên cạnh đó, đại biểu Tống Văn Bằng cho rằng, quy định đối với giáo viên, cán bộ y tế làm ở vùng sâu vùng xa mới bố trí nhà ở công vụ. Tuy nhiên chúng ta có thể quy định thực tế trong phạm vi 40 km từ nơi thường trú đến nơi công tác mà cán bộ y tế, giáo viên không thể đi về trong ngày được thì cần bố trí nhà ở công vụ. Như vậy, mới khuyến khích được cán bộ trong triển khai thực hiện các mục tiêu.
Trong khi đó, đại biểu Lã Thanh Tân – Đoàn Hải Phòng nhận xét, đây là dự án Luật liên quan đến nhiều luật dễ có sự chồng lấn, xung đột với các luật như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, đề nghị tiếp tục rà soát để phân định rõ điều chỉnh của luật.
Liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản 2- Điều 9, đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, hiện đã có quy định cụ thể về “trưng mua, trưng dụng”, việc chúng ta phân định rõ việc “trưng mua trưng dụng”, trong trường hợp nhà nước thu hồi đất cần có chính sách bồi thường hỗ trợ theo quy định của Luật Đất đai. Cần làm rõ điều này, nếu trong dự thảo tiếp tục đưa ra chúng tôi hiểu là vừa “trưng mua, trưng dụng” vừa bồi thường dẫn đến không thống nhất.
Về cải tạo lại nhà ở chung cư, theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu- Đoàn Thừa Thiên Huế, tại Chương 5 kéo dài từ Điều 60- Điều 72 cần có nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định về thủ tục di dời cư dân ra khỏi vùng khu dân cư nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ.
“ Tôi chú ý hình thức lựa chọn chủ đầu tư cải tạo xây dựng lại nhà chung cư. Trong dự thảo quy định lựa chọn Tổng Liên đoàn Lao động Viêt Nam, theo tôi nên có hình thức lựa chọn đa dạng, lựa chọn chủ đầu tư bằng hình thức nào cũng cần được quy định cụ thể. Là chỉ định, đấu thầu hay bằng các phương pháp khác để thể hiện được tính chuyên môn cao nhưng toàn diện, do xây dựng cải tạo cũng là xây dựng nó liên quan đến Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng kể cả quy hoạch, cần lưu ý thêm ”- đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu đến từ Thừa Thiên Huế, về phát triển nhà ở xã hội, Điều 80 có khái niệm tỷ lệ nhất định. Đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng quy định còn chung chung. Đề nghị cần quy định cụ thể tùy thuộc vào các quy mô, chẳng hạn quy mô dưới 10 ha, 20 ha… tỷ lệ nhất định cho các cấp thẩm quyền triển khai như thế nào? Đồng thời phải tương thích với từng loại đô thị. Có đô thị loại 3, loại 4, loại 5 hay tỷ lệ nhất định này áp dụng chung cho cả 3 loại đô thi 3 cấp từ 3-5, cần có quy định cụ thể, tường minh ở đây.
Đối với nhà lưu trú công nhân, đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề nghị cần có quy định hạn định thu nhập bao nhiêu được coi là thu nhập thấp như tiêu chí xác định hộ nghèo, cận nghèo… để có thể xác định cụ thể. Ngoài ra, từng loại đô thị khác nhau cần có tiêu chí khác nhau, đơn cử Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh có mức thu nhập và mức sống khác với các đô thị, nên quy định phải khác. “ Phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất… không chỉ dành cho thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội mà còn Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng…. Cần cân nhắc để tạo sự công bằng, quan trọng nhất nhằm tạo động lực phát triển toàn xã hội ”- đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh.
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Luật này quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của các doanh nghiệp, hợp tác xã có chức năng kinh doanh bất động sản, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản. Sửa Luật Đất đai có giảm được đầu cơ, bong bóng bất động sản? |
Theo Cafef