Đại biểu Quốc hội nhận định, Điều 12 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm là không khả thi. Thay vào đó, cần lựa chọn những hành vi, sai phạm điển hình từ Bộ Luật Hình sự để đưa vào dự án luật nhằm răn đe, phòng ngừa chung.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Nam Định cho rằng Quốc hội cần xem xét thêm đối với các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 12.
Theo bà Phương Hoa, về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm quy định đất đai đều không được phép. Tuy nhiên, trong dự thảo luật lại liệt kê tất cả các hành vi bị nghiêm cấm là không khả thi.
Dự án luật cần lựa chọn những hành vi điển hình nhất, dễ xảy ra sai phạm nhất để đưa vào mang tính răn đe, phòng ngừa chung, làm cơ sở quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật có liên quan. Qua đó, áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, hình sự, kỷ luật.
Theo đại biểu, thông thường những hành vi bị coi là tội phạm vi phạm quy định đất đai trong Bộ Luật Hình sự thì phải được thể hiện ở Điều 12 của dự thảo luật.
Đơn cử như hành vi lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái quy định (Điều 228: Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai) hoặc hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn giao đất, thu hồi đất, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định tại Điều 229 hoặc Điều 230: Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư… Về cơ bản các hành vi trên đã được thể hiện trong Điều 12, dự thảo luật. Song, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát để bổ sung những trường hợp cho đầy đủ hơn.
Tiếp theo, liên quan đến khoản 1 Điều 12, đại biểu nêu, dự thảo mới chỉ quy định hành vi bị cấm của cơ quan quản lý Nhà nước mà không quy định đối với chủ thể là cá nhân. Trong khi đó, tại 3 điều nêu trên của Bộ Luật Hình sự chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân mà không xử lý hình sự đối với pháp nhân. Đặc biệt Điều 229, 230 của Bộ Luật Hình sự chỉ điều chỉnh chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn. Do đó, cần bổ sung vào mũ khoản 1 Điều 12 cụm từ “người có chức vụ quyền hạn” và được sửa thành “các hành vi của cơ quan quản lý Nhà nước, người có chức vụ quyền hạn bao gồm…”.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị rà soát những nội dung không rõ, không có tính khả thi, gây khó khăn cho quá trình thực hiện như điểm k khoản 1 Điều 12 quy định “nghiêm cấm việc không kịp thời ban hành bảng giá đất hàng năm”. Đại biểu bày tỏ sự băn khoăn như thế nào là không kịp thời. Chưa kể một số địa phương khó khăn không có nhiều dữ liệu để xây dựng ngay bảng giá đất hàng năm. Vì vậy, nên có những quy định cụ thể để loại trừ những trường hợp bất khả kháng.
Hay như điểm l khoản 1 Điều 12 quy định “nghiêm cấm xác định giá đất cụ thể không đúng thời hạn, không đúng phương pháp theo quy định”. Trong khi, Điều 160 về giá đất cụ thể lại không quy định bất một loại thời hạn nào.
Còn tại khoản 4 Điều 158 về phương pháp xác định giá đất đưa ra 4 phương pháp nhưng không quy định rõ trường hợp nào áp dụng phương pháp nào hoặc ưu tiên áp dụng phương pháp nào. Mỗi phương pháp có thể đưa ra kết quả khác nhau, dẫn đến hậu quả pháp lý khác nhau.
Do đó, vị ĐBQH tỉnh Nam Định nhận định, với những quy định cấm này nếu không quy định rõ ràng có thể đẩy cơ quan, tổ chức, cá nhân vào những rủi ro về sau.
Giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề các ĐBQH còn băn khoăn, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh cho biết, liên quan đến nguyên tắc, phương pháp định giá đất, áp dụng bảng giá đất và giá đất cụ thể và phương pháp tính định giá đất, dự thảo luật bỏ khung giá đất và sẽ thực hiện bảng giá đất hàng năm. Sau khi Luật Đất đai có hiệu lực sẽ xây dựng bảng giá đất hàng năm lần đầu tiên và dự kiến sẽ xong trước ngày 31/12/2025.
Về phương pháp tính định giá đất, dự thảo Luật đưa ra 4 phương pháp có khả năng bao trùm tất cả những trường hợp của đất đai. Về định giá đất cụ thể thì tùy theo trường hợp, địa phương sẽ quyết định trong đó đảm bảo phòng chống tham nhũng, tiêu cực và sát nhất với với thị trường và đảm bảo được công bằng.
Theo Cafef