Đại biểu Quốc hội đề xuất, số vốn tồn dư 1 triệu tỷ đồng của Nhà nước đang gửi hệ thống ngân hàng có thể bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động hoặc xây dựng nhà ở cho thuê, nhà trọ ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ngày 31/5, tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Trần Anh Tuấn, đoàn ĐBQH TP.HCM cho ý kiến về việc tồn dư ngân quỹ của Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng rất lớn, 1 triệu tỷ đồng.
Đại biểu cho biết, số vốn dư thừa rất lớn có thể linh hoạt bố trí ngay, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
“Với nguồn lực này, việc có những giải pháp tức thời sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế. Khi đó, nền kinh tế sẽ ổn định và sẽ kích cầu hơn thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của Chính phủ, room tín dụng, tăng trưởng tín dụng hiện nay còn thấp, chậm, 5 đối tượng ưu tiên được ưu đãi về tín dụng thì các doanh nghiệp trong đối tượng này chưa cảm nhận được sự hỗ trợ của chính sách hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ đưa vào nền kinh tế có độ trễ nhất định, muốn đưa nhanh thì thủ tục phải rút gọn hơn. Thủ tục hiện nay yêu cầu tài sản đảm bảo đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rất khó, cần phải có phương án khác. Ví dụ, thay thế bằng dự án khả thi, xét tính khả thi của dự án thì chúng ta có thể cấp tín dụng ưu đãi cho những đối tượng này và xem xét, mở rộng thêm các đối tượng khác để có độ phủ và có mức độ tăng tín dụng tốt hơn.
“Chúng ta đang thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua giải pháp đó thì lượng cung tiền cho nền kinh tế sẽ tốt hơn”, đại biểu cho hay.
Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục mở rộng một cách thận trọng, xem xét miễn, giảm thuế. Về thuế giá trị gia tăng (VAT), vị ĐQH TP.HCM ủng hộ theo phương hướng mở rộng cho tất cả đối tượng, không nên hạn chế những ngành có độ lan tỏa cao. Bởi, mở rộng chính sách tài khóa là để kích thích nền kinh tế phát triển.
Lý giải về việc tồn dư ngân quỹ lớn, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá, khó khăn nhất trong nền kinh tế hiện nay là hạn chế tổng cầu, trong khi cơ cấu hình thành lên tổng cầu là tiêu dùng xã hội, đầu tư tư nhân, tiêu dùng Chính phủ, xuất nhập khẩu…
“Để kinh tế phát triển thì phải làm cho đầu tư tư nhân, tiêu dùng xã hội tăng lên, tức là phải có cơ chế chính sách, môi trường đất đai… Khi đầu tư công được giải ngân sẽ thúc đẩy cho kinh tế xã hội phát triển, các ngành nghề đều được thụ hưởng, dẫn dắt đầu tư tư nhân”, Bộ trưởng nhận định.
Theo Bộ trưởng, do tắc nghẽn giải ngân đầu tư công, nên Bộ Tài chính phải gửi số tiền này của Kho bạc Nhà nước vào Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0,8% một năm. Luật Đầu tư công quy định, có tiền mới được lập dự án, có dự án mới được bố trí tiền, do đó, vốn phải chờ công trình, nên không giải ngân được.
Nói thêm, Bộ trưởng nhấn mạnh, để giải ngân được phải hoàn thành khâu chuẩn bị đầu tư nhưng hiện nay đang vướng mắc. Khâu chuẩn bị đầu tư quá lâu do vốn phải chờ công trình, khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán như “cục máu đông”. Về giải pháp, phải dùng 1 luật để sửa nhiều luật, trong đó có Luật Đầu tư công.
Mới có 2 tỉnh vay gói 120.000 tỷ đồng làm nhà ở xã hội
Theo Cafef