Thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi), các đại biểu đề nghị không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn vì nếu không minh bạc sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu.
Các đại biểu đánh giá, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bổ sung nhiều quy định mới như quản lý hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về thị trường bất động sản, điều tiết thị trường bất động sản có vai trò của nhà nước trong bối cảnh thị trường có biến động.
Tuy nhiên, đại biểu Lê Thanh Vân, đoàn Cà Mau nêu thực tế thị trường bất động sản đang sa vào phân khúc cao cấp: “Hiện nay thị trường bất động sản đang sa vào phân khúc cao cấp và cục máu đông vốn nằm ở chỗ này. Vì độ chênh lệch lợi nhuận thu được, cả nhà đầu tư, lẫn phân phối, đầu cơ đều góp phần đẩy giá bất động sản lên rất cao. Đây chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu trong giới thượng lưu, chiếm tỷ lệ không nhiều. Nhưng phân khúc này phát triển quá nóng. Dòng tiền của xã hội, kể cả dòng tiền từ tín dụng đổ vào đây làm cho giá bất động sản không phù hợp với giá trị thật”.
Nhiều đại biểu đề nghị thông tin minh bạch, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tránh trục lợi từ chính sách. Đại biểu Tống Văn Băng, đoàn thành phố Hải Phòng kiến nghị: “Các dữ liệu về các dự án đã được cấp phép nhưng không hoạt động, nhiều dự án để bỏ qua dẫn đến việc khi dự án được cấp hoặc xây một hàng rào có thể xây một cái cổng mà đã đi chào bán. Những người mà không có thông tin nhiều về nội dung này sẽ dễ định lừa. Thứ hai nghiên cứu thêm về việc cơ sở dữ liệu, về mức tín nhiệm của các cư dân về chất lượng công trình của các doanh nghiệp, đã xây dựng nhưng chất lượng vận hành cần đưa vào mức tín nhiệm cho các dự án khác có trách nhiệm hơn”.
Tại tổ thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị: “Đối với dự án bất động sản, chúng tôi đề nghị cơ quan chủ trì nghiên cứu để quy định về năng lực tài chính đối với các chủ đầu tư được cấp phép các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, để đảm bảo doanh nghiệp phải đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. Hiện chúng tôi chưa thấy vấn đề này trong luật. Việc có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án khi đó mới làm dự án đúng tiến độ và đáp ứng yêu cầu”.
Về vấn đề bảo lãnh trong bán, cho thuê, mua nhà ở hình thành trong tương lai, đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị băn khoăn với quy định chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh ngân hàng bằng 2% tổng giá trị tài sản: “Quy định này nếu chủ đầu tư phải trả phí bảo lãnh ngân hàng bằng 2% tổng giá trị tài sản bảo lãnh. Các dự án về nhà ở thương mại thường có giá trị lớn mà phí bảo lãnh được trả trước nhưng thực tế thì chủ đầu tư thường tính khoản này vào giá bán hàng nên người mua phải chịu phí này, nên câu chuyện này làm cho giá bán nhà cho người mua tăng và lợi ích thuộc về chủ đầu tư, không đáp ứng nguyên tắc công bằng trong kinh doanh nhà ở”.
Nhiều đại biểu đề nghị không nên bắt buộc mua bán bất động sản qua sàn vì sẽ phát sinh chi phí, tăng giá bán và người mua phải chịu. Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, đoàn thành phố Cần Thơ lưu ý: “Sàn giao dịch bất động sản được bổ sung nhiều. Hiện với tài sản hình thành trong tương lai hay với đất có hạ tầng kỹ thuật thì phải chuyển nhượng qua sàn, bảo đảm chuyên nghiệp và theo xu hướng chung. Nhưng trong điều kiện hiện nay, giao dịch qua sàn chưa phát triển, nhà đầu tư liêm kết với sàn để nâng giá, đẩy giá bất đống sản, tạo ra trung gian, phát sinh chi phí, chưa rõ tính pháp lý của các hợp đồng giao dịch qua sàn. Nên quy định các giao dịch qua sàn không có tính bắt buộc”.
Tại tổ thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: kinh doanh bất động sản là một trong những ngành nghề đảm bảo cho tăng trưởng của nền kinh tế. Việc sửa đổi Luật đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, có tiêu chí cụ thể đối với ngành nghề kinh doanh bất động sản: “Năng lực tài chính đến đâu và năng lực nghề nghiệp đến đâu mới được phép tham gia thị trường này. Đấy là Luật kinh doanh chứ không phải Luật giao dịch. Giao dịch bất động sản nghĩa là có một cái nhà, bán theo luật dân sự. Nhưng đây là luật về kinh doanh. Kinh doanh thì ai được tham gia kinh doanh này, để làm sao chặt chẽ điều kiện, phù hợp với thực tiễn”./.
Vì sao đừng bao giờ đợi đủ tiền mới mua bất động sản?
Theo Cafef