Thị trường bất động sản kém thanh khoản, nhiều môi giới chấp nhận cắt phí hoa hồng cho khách mua để giữ giao dịch.
Thị trường bất động sản đến nay vẫn trầm lắng, tình trạng người bán nhiều hơn người mua tiếp tục được duy trì. Thanh khoản thấp khiến nhiều môi giới chật vật để tìm kiếm giao dịch thành công. Thậm chí, có những trường môi giới bất động sản chấp nhận cắt hoa hồng để khách hàng xuống tiền.
Anh Trần Trung, môi giới bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, đầu tháng 6 anh nhận được một lô đất nền có diện tích 200m2 khách cần bán gấp với giá 6,5 tỷ đồng. Do chủ cần tiền nên chấp nhận trả môi giới gần 100 triệu đồng tiền hoa hồng nếu giao dịch thành công.
“Tôi nhanh chóng chào mời được khách hàng cũ quan tâm. Sau khi xem đất, khách hàng vẫn chê gia còn cao nên chủ chấp nhận giảm thêm xuống còn 6,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khách mua vẫn lưỡng lự xuống tiền. Ba ngày sau vẫn không thấy khách chốt, tôi lập tức liên hệ lại và chấp nhận sẽ cắt lại cho khách hàng 90 triệu từ tiền hoa hồng và chỉ nhận 10 triệu phí. Khách đồng ý mua ngay. Số tiền này tôi sẽ trả cho khách sau khi chủ nhà thanh toán phí hoa hồng. Thời buổi mua bán đất đai khó khăn, nhận ít tiền còn hơn không được gì”, anh Trung nói.
Bên cạnh một số trường hợp môi giới chủ động đề xuất cắt hoa hồng để chốt giao dịch nhanh chóng. Một số thương vụ giao dịch người mua còn chủ động yêu cầu môi giới cắt lại phí.
Đơn cử, trường hợp của anh Tiến Đạt, môi giới nhà đất tại Hà Nội mới đây đã chấp nhận cắt 50% tiền hoa hồng cho khách hàng để có được giao dịch. Theo anh Đạt, không chỉ thị trường bất động sản tỉnh trầm lắng mà nhà đất thổ cư tại trung tâm Thủ đô cũng tương tự. Hơn 2 tháng trở lại đây anh mới có một giao dịch thành công là căn nhà trong ngõ có diện tích 40m2, đã xây dựng 5 tầng với mức giá 3,9 tỷ đồng.
“Thương vụ này chủ chốt với tôi mức hoa hồng 40 triệu đồng. Ban đầu chủ nhà rao bán với giá 4,1 tỷ đồng, nhưng lâu chưa bán được nên đã giảm 200 triệu đồng cho khách. Tuy nhiên, khách hàng mua để ở nên họ cũng tính toán rất kỹ vì nếu mua họ vẫn phải bỏ thêm tiền sửa chữa. Theo đó, khách hàng cũng đặt thẳng vấn đề muốn chủ giảm giá thêm hoặc tôi sẽ cắt một phần phí hoa hồng. Về phía chủ họ không muốn giảm thêm, do vậy để có giao dịch tôi đàm phán sẽ cắt 20 triệu từ phí hoa hồng hỗ trợ khách, họ đồng ý ngay. Chấp nhận ít tiền nhưng có giao dịch còn hơn tôi không được gì”, anh Đạt nói.
Thực tế, việc môi giới phải cắt hoa hồng cho khách để có giao dịch lúc nào cũng xảy ra, nhưng khi thị trường sôi động việc này ít hơn. Còn hiện tại khách mua ít và họ có nhiều lựa chọn hơn trước nên các môi giới càng đẩy mạnh việc này để có giao dịch thành công.
Anh Vũ Tùng, chủ một sàn giao dịch bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời điểm sốt giao dịch tốt, thậm chí người mua còn gửi thêm phí cho môi giới nếu tìm được đất ưng ý. Tuy nhiên, hiện nay hoàn cảnh đã hoàn toàn trái ngược. Rất nhiều môi giới bất động sản đang làm mọi cách để bám trụ với nghề.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30%-40% so với thời điểm cuối năm 2022. “Hiện tượng này diễn ra trong khoảng thời gian dài, với từng đợt giảm dần, giảm dần và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại”, VARS nhận định.
Theo Cafef