Những ngày gần đây, nhiều khách hàng liên tục nhận được cuộc gọi từ số lạ, xưng là môi giới bất động sản công ty Phú Mỹ Hưng, Vạn Phúc, Hưng Thịnh…báo rằng, anh/chị đã trúng voucher trị giá 30 triệu đồng của Điện Máy Xanh, xin mời đến nhận.
Mới đây, chị N, ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM nhận được cuộc gọi từ số lạ. Vừa bắt máy, chị nghe đầu dây bên kia nói chị đã trúng voucher trị giá 30 triệu đồng của Điện Máy Xanh. Nhân viên xưng là nhân viên của Công ty Phú Mỹ Hưng mời chị tham dự buổi tri ân khách hàng.
Tưởng thật, chị N hỏi thời gian và địa điểm tổ chức sự kiện. Nhân viên này đưa ra một địa điểm tại Q.Bình Thạnh, Tp.HCM và nói có xe đưa rước. Tuy nhiên, chị N nói sẽ tự đi.
Sau đó, nhân viên này gửi mẫu voucher của Điện máy xanh và ghi rõ trị giá 30 triệu đồng cho chị N xem. Điều này khiến chị N lại càng tin đó là sự thật.
Đồng thời, nhân viên công ty này liên tục dặn dò chị là mang theo giấy tờ tuỳ thân để nhận voucher và đến sớm để bố trí chỗ ngồi. Chạy xe đến địa điểm là 292 đường Bình Lợi, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM nhưng chị N phát hiện đó là một nhà dân, cổng đóng kín, hoàn toàn không có một sự kiện nào diễn ra ở đây. Khi lấy điện thoại ra gọi cho nhân viên công ty Phú Mỹ Hưng thì đều thuê bao. Biết mình bị lừa, dù chưa thiệt hại gì về tài sản nhưng chị N không khỏi tức giận vì mất thời gian đi lại. Theo chị N đây có thể là trường hợp dụ khách hàng lên xe và dẫn đi xem đất ở nơi khác.
Mới đây Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (gọi tắt là Công ty Phú Mỹ Hưng) cũng đã cảnh báo tình trạng giả mạo thương hiệu của công ty. Doanh nghiệp này khẳng định, những thông tin về việc tri ân khách hàng, tặng voucher Điện Máy Xanh hay Nguyễn Kim hoàn toàn không đúng, có dấu hiệu mạo danh thương hiệu Phú Mỹ Hưng để lừa dối, gây nhầm lẫn cho khách hàng, cư dân, cộng đồng.
“Công ty Phú Mỹ Hưng không tổ chức hay liên kết với bất kỳ tổ chức/công ty/sàn giao dịch bất động sản khác thực hiện các hoạt động tri ân, tặng quà hoặc giới thiệu sản phẩm…tại các địa điểm mà khách hàng phản ánh”, đại diện đơn vị này cho biết.
Trước đó, vào năm 2022, một sàn giao dịch tại quận Tân Bình, Tp.HCM đã giả mạo là nhà phân phối độc quyền của Tập đoàn Đại Phúc có địa chỉ 621 Điện Biên Phủ, P.25, Bình Thạnh, Tp.HCM, là chủ đầu tư dự án Vạn Phúc City tại Tp.Thủ Đức, Tp.HCM quy mô gần 200ha. Tuy nhiên, khi một số khách hàng đề nghị xem đất của Tập đoàn Đại Phúc thì sàn này dẫn khách đến huyện Bàu Bàng, Bình Dương – giáp ranh tỉnh Bình Phước.
Đến nơi, khách hàng chứng kiến đó là khu đất rộng tầm 2ha được bao bọc bởi rừng cao su, bảng tên ghi dòng chữ tên dự án là Boulevar City do công ty Đại An Lộc làm chủ đầu tư. Tại đây, không khí sự kiện rất náo nhiệt. Người dẫn chương trình liên tục hô vang việc khách hàng chốt cọc liên tục, cùng loạt giải thưởng hấp dẫn…
Cùng thời điểm, Tập đoàn này cũng phải lên tiếng khi một dự án tại Q.12 có tên Bảo Phúc Residence lấy hình ảnh thực tế của dự án Vạn Phúc City (Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) để gắn vào dự án chạy quảng cáo trên các kênh bán hàng. Sau khi phát hiện, pháp chế doanh nghiệp đã liên hệ yêu cầu gỡ bỏ phần hình ảnh, và đơn vị này đã gỡ bỏ thay bằng hình ảnh 3D của dự án đang bán.
Trước đó, Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp đã có đơn gửi Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) tố cáo Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát giả mạo Tập đoàn Hưng Thịnh để bán hàng. Cụ thể, ngày 22/1/2021, doanh nghiệp được một khách hàng cung cấp thông tin về thư mời có in logo của Tập đoàn Hưng Thịnh và nội dung Tập đoàn Hưng Thịnh mời khách hàng đến dự chương trình Tri ân khách hàng vào lúc 8h ngày 24/1/2021 tại tòa nhà Cantavil Hoàn Cầu (số 600 – Điện Biên Phủ, phường 22, Bình Thạnh, Tp.HCM). Vào thời điểm đó, cạnh tòa nhà, có một nhóm khoảng 50 người (hầu hết đều đeo bảng tên Công ty Bất động sản Vạn An Phát) tập trung để đón khách đi Long Thành (Đồng Nai) để tham quan dự án.
Trong thông cáo phát đi, Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định, không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến Công ty Cổ phần Bất động sản Vạn An Phát. Hoạt động nói trên là hành vi giả mạo do một nhóm người tự giới thiệu là nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần Bất động sản Vạn An Phát thực hiện nhằm tiếp cận, lôi kéo, lừa dối khách hàng hướng đến việc mua bán sản phẩm bất động sản của công ty này.
Đây cũng là đơn vị nhiều lần bị các đơn vị khác “nhái thương hiệu” để câu khách, bán hàng.
Tương tự, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long cũng từng phát thông cáo “kêu cứu” vì bị Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Nam Long Real sử dụng trái phép, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu “Nam Long” đã được bảo hộ độc quyền. Ngoài ra, một số “ông lớn” bất động sản khác như Đất Xanh, Phú Đông Group, Hà Đô, Cát Tường, Novaland… cũng “đau đầu” vì tình trạng “nhái” thương hiệu tràn lan, gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp địa ốc, nhiều đơn vị đã sử dụng hình ảnh logo gần giống, trùng tên doanh nghiệp để bán đất nền ở các khu vực khiến khách hàng liên tục hiểu nhầm, gọi vào hotline để hỏi. Thậm chí, có một số đơn vị không chỉ lấy trùng tên doanh nghiệp mà còn sử dụng cả hình ảnh cá nhân của HĐQT để đưa vào website quảng bá dự án, chỉ khác địa chỉ dự án.
“Kiểu mạo danh này thực sự quá tệ, phải có chế tài xử lý. Tùy theo mức độ vi phạm để xử phạt. Có thể bằng tiền hoặc rút giấy phép, cấm có thời hạn hoặc vĩnh viễn hành nghề môi giới nếu quảng cáo đăng thông tin sai sự thật”, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Tp.HCM nhấn mạnh.
Thực tế, chiêu trò “quảng cáo bất động sản một nơi, dắt khách một nẻo” hay giả mạo tên thương hiệu lớn đã từng rộ lên trên thị trường bất động sản. Đến nay, khi thị trường khó khăn, chiêu trò này lại có dấu hiệu bùng nổ và cách thức tinh vi hơn.
Trước đây, môi giới đa phần sử dụng chiêu bài là dùng “chim mồi” để câu khách. Sau khi dụ được đến điểm tập trung, môi giới sẽ thiệu một dự án mới và đưa khách đi tham quan. Trên chuyến xe và tại dự án, rất nhiều các chiêu trò chim mồi và hiệu ứng đám đông (có khách chốt cọc liên tục, khách mua gần hết lô đẹp), chiết khấu giảm giá chỉ trong ngày duy nhất, rút thăm trúng thưởng, áp lực tâm lý,… làm khách dễ rơi vào bẫy nhu cầu. Nghĩa là tự nhiên xuất hiện “nhu cầu muốn mua” mà chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ, nhưng sau đó về nhà lại không hiểu tại sao mình lại quyết định như vậy.
Sau thời gian chiêu trò này bị phát hiện, tỉ lệ khách chịu lên xe đi tham dự án vơi dần, các môi giới tìm cách khác để dụ khách. Tình trạng sử dụng voucher của các thương hiệu bán lẻ lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Chợ Lớn… xuất hiện thời gian gần đây cho thấy, chiêu trò “câu khách” của môi giới ngày càng tinh vi. Với giá trị lớn hàng chục triệu đồng, các voucher được thiết kế logo và thông tin y hệt các thương hiệu lớn đã đánh vào lòng tin của khách hàng.
Dẫu vậy, “rượu mới nhưng bình cũ”, chung quy mọi cách thức môi giới sử dụng đều nhằm đạt mục đích dụ được khách hàng lên xe tham quan dự án khác ở nơi xa, hẻo lánh. Đến ngày giờ hẹn, khi đến điểm tập trung sẽ có hơn một nửa khách bỏ về vì phát hiện ra quảng cáo sai sự thật (khi chiêu trò này mới xuất hiện, gần như trên 90% khách đều lên xe, càng ngày lượng khách lên xe càng giảm), nhưng vẫn còn số khách còn lại đã lỡ đến rồi thì thôi cũng lên xe đi cho biết. Số ít còn lại lên xe cũng được xem là “câu khách” thành công của môi giới.
Theo Cafef