Nhà ở luôn là vấn đề quan tâm số 1 của người dân. Với Hà Nội, Thủ đô của đất nước, thì nhà ở càng bức thiết. Trong quá trình phát triển, yếu tố mật độ dân số là rất quan trọng, vì thế quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Dự thảo Nghị quyết quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại Hà Nội, đối với khu vực ngoại thành là 8m2/sàn/người (17 huyện và thị xã Sơn Tây); đối với khu vực nội thành là 15m2/sàn/người (12 quận).
Tại Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại TP Hà Nội do Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức ngày 14/6 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp. Các ý kiến đều nhất trí cho rằng dự thảo nghị quyết đã quán triệt nguyên tắc “bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước, cộng đồng và xã hội; kết hợp giữa việc bảo đảm quyền tự do cư trú, các quyền cơ bản khác của công dân và trách nhiệm của Nhà nước với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”, theo quy định của Luật Cư trú năm 2020. Việc quy định diện tích tối thiểu khu vực ngoại thành và nội thành để có thể đăng ký thường trú tại Hà Nội là cần thiết, qua đó góp phần làm cho bộ mặt thành phố đẹp lên, bớt đi sự chật chội, nhếch nhác.
Trước đó, tháng 11/2022, dự thảo này từng được UBND TP Hà Nội trình HĐND thành phố để xem xét, thông qua vào kỳ họp cuối năm. Trong dự thảo được xây dựng vào tháng 11/2022, thành phố đưa ra quy định diện tích nhà ở tối thiếu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ trên địa bàn đối với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8 m2. Đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), dự thảo quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20 m2.
Tuy nhiên, vài ngày sau đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin lùi thời gian trình ban hành nghị quyết này để đảm bảo đầy đủ các bước theo quy định.
Trở lại với Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND TP quy định diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ tại Hà Nội, ngày 14/6. Trong số 12 ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, có 2 ý kiến đáng chú ý. Một là của kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam; hai là ý kiến của PGS Bùi Thị An – Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội.
Ông Nghiêm cho rằng, về phân bố khu vực xác định diện tích tối thiểu, dự thảo Nghị quyết nêu 2 khu vực: ngoại thành, nội thành với định lượng được căn cứ từ thống kê nhà ở, dân số. Tuy vậy, cách phân chia theo nội, ngoại thành chưa xem xét đến mối quan hệ giữa thực trạng dân cư với định hướng phát triển, phân bố dân theo quy hoạch tại một số khu đặc thù. Ví dụ khu vực nội thành (các quận hiện nay) đang rất cần giảm dân số, ưu tiên dịch chuyển dân số tới đô thị trung tâm khu mở rộng, khu phát triển nên cần làm rõ để phù hợp với thuê, mượn, ở nhờ. Với khu vực ngoại thành, dự thảo nghị quyết quy định gộp là 8m2 sàn/người, tuy nhiên, cần tính đến đặc thù dạng triển khai các đô thị vệ tinh, nhất là 2 vùng động lực (thành phố trực thuộc Thủ đô).
Còn theo PGS Bùi Thị An, với mong muốn chất lượng sống (ăn, ở, đi lại, học hành) của người dân Thủ đô ngày càng được nâng cao thì điều kiện ở của người dân là một trong những yếu tố quan trọng, bởi nếu chỗ ở quá chật chội, mất vệ sinh, không đảm bảo môi trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, nhất là với Thủ đô. Bà An cho rằng cần rút kinh nghiệm một số nghị quyết ban hành trước đây chưa dự báo được tình huống xuất hiện mới hoặc bất thường, không phù hợp với thực tiễn phát triển Thủ đô trong giai đoạn hiện nay.
Cùng đó, bà An cũng cho rằng, khi xây dựng dự thảo nghị quyết cần có báo cáo đánh giá về thực trạng và mức độ tác động xã hội. Rất quan trọng là sau khi nghị quyết có hiệu lực thì ảnh hưởng đến bao nhiêu người dân. “Cần quy định rõ quyền lợi của người thường trú và tạm trú, nếu không người dân cứ liên tục tạm trú thì cũng không đạt mục tiêu của nghị quyết” – bà An nói.
Người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP.HCM
Theo Cafef