ABS nghiêng về kịch bản chỉ số VN-Index đi ngang rung lắc quanh vùng 1.100-1.115 điểm và xác nhận điều chỉnh trung hạn một khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.050.
Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán An Bình (ABS) nhận định hiện trạng vĩ mô trên thế giới vẫn duy trì các yếu tố không mấy tích cực, số liệu lạm phát vẫn ở mức cao kỷ lục ở nhiều nước trên thế giới khiến nhiều NHTW các nước lên kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ.
Tại Việt Nam, tổng cầu đã có sự cải thiện ở tiêu dùng trong nước, đầu tư công so với cùng kỳ…. Tuy nhiên, khu vực sản xuất vẫn tiếp tục thu hẹp, xuất khẩu giảm so với cùng kỳ, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu hồi phục yếu so với tháng trước. Trong khi đó, đầu tư công dù có tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng tốc độ hoàn thành kế hoạch năm chưa cải thiện.
Việc NHNN mua ròng ngoại tệ giúp tỷ giá ổn định, và hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng. Mặt bằng lãi suất đã và đang tiếp tục giảm, giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Xu hướng giảm lãi suất tại Việt Nam giúp cải thiện dòng tiền của nhà đầu tư nội.
ABS kỳ vọng các định chế tài chính sẽ được củng cố sức mạnh thông qua việc các ngân hàng và công ty chứng khoán lớn của Việt Nam lên kế hoạch tăng vốn bán cho cổ đông chiến lược, sửa đổi Luật các TCTD. Các doanh nghiệp trong các ngành bất động sản và công nghiệp nặng có tỷ lệ nợ cao và đang chịu áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp sẽ thu xếp được các khoản vay từ các định chế tài chính hoặc bán vốn và tài sản, giúp giảm áp lực lên thị trường tài chính.
Nhiều biện pháp của chính phủ giúp gỡ khó cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường vốn… kỳ vọng gỡ nút thắt pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc nợ, tiếp cận nguồn tín dụng mới. Tuy nhiên, ABS nhấn mạnh tất cả các chính sách thời gian qua vẫn cần thời gian để phát huy tác dụng lên nền kinh tế thực và phản ánh vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.
Về mặt định giá thị trường chứng khoán, với việc VN-Index tăng điểm, P/E toàn thị trường hiện đã tăng lên mức 13,15 lần, cao hơn +1 độ lệch chuẩn trong 1 năm vừa qua. Với triển vọng kết quả kinh doanh quý 2/2023 của đa phần doanh nghiệp vẫn sẽ tiếp tục giảm thấp hơn mức nền cao của cùng kỳ 2022, dự kiến EPS cuối quý 2 sẽ tiếp tục giảm so với quý 1 và P/E forward còn cao hơn mức trên.
Xét tới điểm số, chỉ số VN-Index đã có nhịp tăng khoảng 25% và hiện đang dao động ở vùng 1.100 điểm. Tâm lý thị trường đang lạc quan và kỳ vọng lớn VN-Index sẽ trở lại xu thế tăng sau khi vượt 1.080. Tuy nhiên, thị trường hiện đang ở tuần thứ 30 của thời gian hồi phục và là thời điểm cần quan sát kỹ xu thế và động lượng của dòng tiền.
ABS xây dựng hai kịch bản cho thị trường chứng khoán tháng 6.
Thứ nhất, tại kịch bản xác suất thấp hơn, chỉ số VN-Index sau khi chạm ngưỡng 1.100 sẽ rung lắc hấp thụ lực cung và hướng đến chinh phục các mốc kháng cự mới 1.120 – 1.135 – 1.148 điểm, trong trường hợp tốt nhất thì tối đa có thể đạt 1.215 điểm. Sau đó, dự báo chỉ số sẽ đi ngang và xác nhận điều chỉnh trong 1 pha điều chỉnh trung hạn nếu phá vỡ ngưỡng 1.050 điểm.
Thứ hai, ABS nghiêng về kịch bản chỉ số VN-Index đi ngang rung lắc quanh vùng 1.100-1.115 điểm và xác nhận điều chỉnh trung hạn một khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ 1.050. Do đó, ABS khuyến nghị nhà đầu tư ưu tiên việc quản trị rủi ro trong tháng 6. Tuy nhiên, một số mã đã tạo đáy dài hạn và lên trước thị trường chung có thể cân nhắc nắm giữ hoặc gia tăng tỷ trọng phù hợp khi thị trường chung điều chỉnh hoặc chốt lời chờ một nhịp điều chỉnh tiếp theo.
Về nhóm ngành tiềm năng, ABS kỳ vọng các biện pháp thúc đẩy đầu tư công, các gói hỗ trợ lãi suất, hoãn thanh toán thuế thu nhập và tiền thuê đất, giảm thuế VAT, v.v. sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng GDP quý 2. Nhà đầu tư có thể lựa chọn những nhóm ngành có triển vọng tốt dài hạn, khả năng tạo đáy sau thị trường chung, khi chỉ số hồi phục bao gồm ngành năng lượng (dầu khí – điện); đầu tư công, bán lẻ, hóa chất, phân bón
Theo Cafef