Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

CHUYÊN GIA HỖ TRỢ:

Facebook: Lê Nguyên

Zalo: 0765. 84 85 86

Băn khoăn “tin đồn, tin thật”

 Tin tức trên thị trường chứng khoán là yếu tố không thể thiếu và nhà đầu tư nào cũng luôn “hóng chờ” tin mới nhất. Nắm được tâm lý này, nhiều thông tin được các đội nhóm chủ động tung ra sớm theo dạng “leak tin – tin rò rỉ” với chủ đích riêng.

“Tin đồn có đất sống vĩnh cữu”…

Đó là khẳng định của một nhà đầu tư kỳ cựu khi nói về tình trạng tin đồn trên thị trường chứng khoán. Ngoài nguyên nhân là nhu cầu về tin tức, thì việc đưa tin có chủ đích của các đội, nhóm để dẫn dắt đám đông đầu tư vẫn luôn tồn tại, trong đó có những thông tin sau này đã trở thành tin thật. Chủ đích ở đây có thể là tốt, cũng có thể là xấu.

Chủ đích tốt chẳng hạn trong tình huống muốn truyền tải thông điệp, câu chuyện đúng đắn về doanh nghiệp, nên thông qua các nhóm (group) chat, diễn đàn để lan toả/định hình lại thông tin chuẩn hơn, kịp thời, song song với các kênh tin chính thống, nhằm mục tiêu truyền tải thông điệp đúng về doanh nghiệp. Phần công việc này, thường nằm trong kế hoạch xử lý thông tin chuẩn của bộ phận Quan hệ nhà đầu tư (IR) của doanh nghiệp.

Tình huống chủ đích xấu là tin của các “đội lái”, nhằm lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia với mục đích kéo xả cổ phiếu, và thường là thông tin không chuẩn xác. Những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm quá tin vào thông tin mà không có sự kiểm định, phân tích sẽ bị “kẹt hàng” thua lỗ. Thậm chí, không chỉ nhà đầu tư mới, mà ngay cả các phóng viên yếu nghiệp vụ, “hăm hở” chạy theo tin tức cũng vô tình tiếp tay cho các “đội lái” này.

Trường hợp gần nhất, tin đồn nhưng “may mắn” giá cổ phiếu vẫn lên, nên “vui vẻ cả làng”, là cổ phiếu FPT. Cuối tháng 8/2023, bất ngờ có tin lan truyền về việc FPT sẽ “làm chuyện trước nay chưa từng làm”, đó là phát hành riêng lẻ tăng vốn thêm 20% cho một nhà đầu tư nước ngoài, premium lên đến 30 – 40%. Thật nóng hổi, thật hấp dẫn!

Thời điểm đó, giá cổ phiếu FPT quanh 86.000 đồng/cổ phiếu, đã nhanh chóng lên vùng 90.000 đồng/cổ phiếu khi xuất hiện tin đồn. Giá mục tiêu 3 chữ số được tham chiếu để mua cổ phiếu của nhiều nhà đầu tư lúc này. Chốt phiên 22/9, giá cổ phiếu FPT đứng ở mức 96.700 đồng/cổ phiếu, thậm chí trong phiên 20/9, có lúc đã lên mức 99.700 đồng/cổ phiếu.

Nhiều nhà đầu tư lâu năm, khi nhận thông tin đã đặt câu hỏi ngay: FPT không thiếu tiền, phát hành để làm gì? Cổ phiếu FPT luôn kín room ngoại 49%, vậy phát hành bằng cách nào? Chưa kể, hiện SCIC vẫn còn nắm vốn của FPT, việc phát hành riêng lẻ sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước, nên chắc chắn cần có chủ trương, xin ý kiến và chuẩn bị kỹ lưỡng, đạt sự thống nhất cao mới có thể công bố tin ra thị trường. Bằng các thông tin này, nhiều nhà đầu tư nhận định không phải tin chính xác.

Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cũng nhanh chóng liên hệ với FPT để xác nhận thông tin và lãnh đạo Tập đoàn khẳng định, không có kế hoạch phát hành, huy động vốn nào từ nhà đầu tư nước ngoài, với cả FPT và FSoft.

Dẫu vậy, cổ phiếu FPT vẫn tăng, lập luận lúc này của những người chia sẻ thông tin “hot” trên cho rằng, không cần đi tìm sự thật, chỉ biết cổ phiếu có game, dòng tiền chủ đích “đánh lên”, thì mua, tin tức chỉ kích cầu thêm.

Vì cổ phiếu FPT đã tăng 10 giá từ lúc thông tin không chính xác kia xuất hiện, nên cơ bản, nhà đầu tư cá nhân cũng không quan tâm tới việc tin đồn giả hay tin thật. Song song đó, các thông tin tích cực, chính thống về FPT cũng được phát ra khá nhiều trong giai đoạn qua, như việc trả cổ tức, thông tin lãi 8 tháng trước thuế, nhận sản xuất 70 triệu chip, mục tiêu doanh thu tỷ USD tại Mỹ trước năm 2030…

Trên thị trường chứng khoán, FPT là cổ phiếu bluechip luôn kín room ngoại, có công tác công bố thông tin hàng tháng được duy trì đều đặn – đây là điểm cộng trong việc gây dựng lòng tin với công chúng đầu tư.

Một cổ phiếu bất động sản rất được quan tâm trong suốt giai đoạn thị trường hồi phục mạnh từ cuối tháng 5 trở lại đây là PDR của Phát Đạt. Nếu tính giá cổ phiếu tại ngày 22/5/2023 tới nay, PDR đã tăng gần 97%, từ vùng 12.900 đồng lên 26.250 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản trung bình mỗi phiên hơn 14,4 triệu đơn vị.

Nếu như giai đoạn đầu, PDR cũng như các cổ phiếu bất động sản khác tăng trong nghi ngờ, thì càng về sau, sự đi lên của cố phiếu này được củng cố dần bằng các thông tin theo dạng tin đồn lan truyền rộng rãi trong các room chat. Đa phần gắn liền với pháp lý các dự án, các nội dung lan truyền qua từng giai đoạn có dây chuỗi, có tính cập nhật, rất thuyết phục người nghe.

Mới nhất trong tuần qua, thông tin về PDR tiếp tục được cập nhật: “Trong tuần này, dự án Bắc Hà Thanh (tỉnh Bình Định) sẽ được giao đất giai đoạn 1 là 22 ha, trong đó diện tích thương phẩm là 6,8 ha. Dự án đã đền bù giải phóng mặt bằng đến 85% (37/44 ha) nên có sẵn quỹ đất sạch để triển khai giai đoạn 1. Dự án được PDR đem về thông qua hình thức đấu giá nên đã có quy hoạch chi tiết 1/500. PDR sẽ đóng tiền sử dụng đất trong 2 tháng tới và sẽ có giấy phép xây dựng ngay sau đó 2 tuần.

PDR có kế hoạch mở bán dự án vào quý I/2024 với giá bán khoảng 30 triệu đồng/m2. Doanh thu ước tính khoảng 2.040 tỷ đồng (Đây sẽ là dòng tiền bán hàng tiềm năng trong giai đoạn 2024 – 2025).

PDR một lần nữa khẳng định khả năng giải quyết cực tốt các vấn đề pháp lý hiện tại”.

Thực tế, các kế hoạch triển khai dự án, tiến độ pháp lý dự kiến…, đã được lãnh đạo Phát Đạt chia sẻ nhiều lần trong các cuộc gặp báo chí và tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Bản thân phía doanh nghiệp cũng có động thái công bố thông tin chính thống trên website Công ty về tiến độ các dự án.

Điểm đáng chú ý ở các thông tin lan truyền về PDR, là luôn có độ sớm hơn so với tin chính thống, bởi thế, mỗi lần có thông tin mới về PDR lại tạo được lòng tin nhất định với giới nhà đầu tư đang cầm cổ phiếu PDR.

… Và trách nhiệm của “bộ lọc” thông tin

Trước rừng tin đồn tràn lan trên thị trường, các phóng viên theo dõi, đưa tin về lĩnh vực tài chính, chứng khoán phải tỉnh táo, tương tác nhiều hơn cùng doanh nghiệp để có những thông tin chuẩn xác, phản biện, cũng như đưa ngược vấn đề về tin đồn tới lãnh đạo doanh nghiệp để có hành động kịp thời.

Tình huống “dở khóc dở cười” gặp khá nhiều trên thị trường, đó là những thông tin đã được công bố chính thức, lại được lan truyền theo hình thức “tin đồn”, tức bản thân người chia sẻ thông tin cũng không theo dõi sát tin tức về doanh nghiệp, nhận tin là chia sẻ tin như một phản xạ.

Đơn cử, trường hợp cổ phiếu BCG của Bamboo Capital ghi nhận đà tăng gần 30% từ đầu tháng 7 tới nay đang hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Như một thói quen, việc tìm kiếm “lý do” để giải thích việc cổ phiếu tăng/giảm mới khiến cho “chứng sĩ” an tâm, bởi vậy, tin tức về cổ phiếu BCG lúc tăng/giảm cũng sẽ liên tục được sục sạo.

Chỉ mới tuần trước, lại loạt “tin đồn” được truyền đi “BCG: Liên doanh BCG Energy – SP Group nhận 31,5 triệu USD; BCG Gaia được DBS Bank của Singapore giải ngân gói tín dụng 1.834 tỷ đồng; Bamboo Capital sẽ tăng vốn bằng cách phát hành 2:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu; BCG lên kế hoạch lãi sau thuế hơn 650 tỷ đồng, tương đương 20% lợi nhuận; Năm 2024 doanh thu dự kiến tăng lên 10.547 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.355 tỷ đồng, các con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng ở các năm sau. Đồng thời, đã có văn bản niêm yết BCG Land trên sàn UPCoM…”.

Trong các tin này, ngoại trừ thông tin có văn bản chấp nhận chính thức giao dịch trên UPCoM của BCG Land là tin mới, thì các thông tin còn lại đều là thông tin cũ, đã được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông, website của doanh nghiệp.

“Việc lấy một thông tin đã cũ, lan truyền trong một xu hướng tăng giá của cổ phiếu là cách hô hào thường gặp”, một nhà đầu tư lâu năm cho hay. Cách này thường lấy được lòng tin của nhà đầu tư, trong trường hợp tích cực, là người chia sẻ tin có độ nhạy bén nhất định trong việc tin tức, phân tích, xâu chuỗi được thông tin theo thời gian… để chớp cơ hội. Trường hợp không tích cực là dùng tin chính thức để hô hào theo mục đích riêng của mình.

Có một điểm chung của những người đi chia sẻ tin đồn, là thường không có phản xạ “nghi ngờ” và tìm cách kiểm tra chéo thông tin. Do đó, nhiệm vụ của phóng viên lúc này là cần tăng cường hơn nữa nghiệp vụ, liên hệ ngay với doanh nghiệp để xác minh và cung cấp thông tin chính thống kịp thời cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, trau dồi kiến thức để tìm ra những “điểm mờ”, “điểm không logic” ở các thông tin được chia sẻ để tương tác với chuyên gia, phản biện những “luận điểm đầu tư” nghe có vẻ xuôi tai, nhưng thực ra có nhiều bất thường, hoặc cố tình chỉ đưa những “triển vọng” và làm mọi người quên đi những “rủi ro”.

Với thị trường có nhiều tin đồn như chứng khoán Việt Nam, đòi hỏi phóng viên, nhất là các phóng viên theo dõi mảng tài chính chứng khoán của Đầu tư Chứng khoán phải không ngừng trau dồi kiến thức, đề cao đạo đức làm nghề, tuân thủ nguyên tắc tác nghiệp… để trở thành những “bộ lọc” kỹ càng, cung cấp các thông tin chính thống kịp thời tới nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững.

Theo tinnhanhchungkhoan.vn


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO