Lực cầu tăng mạnh đã giúp hàng loạt mã lớn bé xác lập vùng đỉnh mới và chỉ số VN-Index tăng tốc lên mốc 1.185 điểm với thanh khoản vượt 20.000 tỷ đồng.
Thị trường đã xuất hiện những tín hiệu tích cực hơn trong phiên giao dịch sáng cuối tuần khi dòng tiền nhập cuộc sôi động hơn giúp bảng điện tử tràn ngập sắc xanh. Tuy nhiên, lực cầu giá cao vẫn chưa xuất hiện khiến VN-Index chỉ lình xình tăng, thậm chí có lúc điều chỉnh nhẹ khi một số mã lớn suy yếu.
Bỏ mặc sự thận trọng của phiên sáng, phiên giao dịch chiều diễn ra khá ấn tượng khi lực cầu gia tăng mạnh và lan rộng thị trường, chắp cánh cho các cổ phiếu lớn bé cùng chỉ số chung liên tục nới rộng đà tăng điểm.
Đáng chú ý là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bất động sản. Dường như những phiên “nghỉ nhịp” gần đây là pha lấy đà để các mã này tiếp tục bứt tốc. Dòng tiền chảy mạnh đã giúp hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ lập đỉnh mới trong năm với thanh khoản bùng nổ.
Điển hình là cặp đôi DIG và PDR, sau nhịp tăng nhẹ của phiên sáng, đã đồng loạt “bốc đầu” và đóng cửa tại mức giá trần. Trong đó, DIG tăng 6,9% lên mức 24.800 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong 9 tháng qua, đồng thời khối lượng khớp lệnh sôi động với hơn 40,93 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.
Cổ phiếu PDR cũng đóng cửa tăng 6,9% lên mức giá trần 20.800 đồng/CP, đây là mức giá cao nhất trong hơn 8 tháng qua, đồng thời thanh khoản cũng vọt tăng đạt hơn 25,1 triệu đơn vị.
Ngoài ra, VPH, CIG, DC4 cũng đóng cửa tại mức giá trần; nhiều mã khác đã ghi nhận mức tăng ấn tượng như KBC tăng 5,7% lên 32.550 đồng/CP, SCR tăng 4,6% lên 8.800 đồng/CP, CRE tăng 4,8% lên 9.480 đồng/CP, CII tăng 3,6% lên 20.200 đồng/CP, DXG tăng 3,5%, QCG tăng 3,8%, NVL tăng 2,4%…
Với diễn biến khởi sắc của thị trường chung, nhóm cổ phiếu chứng khoán cùng nhịp đập và đồng loạt đều tăng tốt hơn. Trong đó, VND dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày nhưng đóng cửa tăng 3,6% lên mức 18.800 đồng/CP và thanh khoản dẫn đầu thị trường với 41,32 triệu đơn vị; VIX vẫn giữ mức tăng 3,3% lên 14.000 đồng/CP và khớp gần 24,4 triệu đơn vị; SSI cũng bật mạnh khi tăng 2,7% lên mức 28.750 đồng/CP và khớp 16,42 triệu đơn vị… Điểm sáng là CTS đóng cửa tại mức giá trần 24.150 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,2 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, anh cả VCB đã lấy lại thăng bằng và đóng cửa tại mốc tham chiếu, còn lại chủ yếu tăng nhẹ trên dưới 1%. Ngoại trừ STB tăng tốt nhất ngành đạt 3,23%; trong khi TPB là mã duy nhất mất điểm với mức giảm chưa tới 0,3%.
Nhóm cổ phiếu bán lẻ vẫn dẫn đầu đà tăng của thị trường, với sự đóng góp của cặp đôi MWG và DGW cùng tăng kịch trần. Trong đó, MWG xác lập đỉnh mới về giá tại mức 52.500 đồng/CP cùng thanh khoản đột biến lên tới hơn 11,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Bên cạnh những cổ phiếu vừa và nhỏ của các nhóm ngành đua nhau tỏa sáng, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn là động lực chính cho đà bứt tốc của thị trường. Ngoài MWG tăng trần, các mã tăng tốt như MSN tăng 4,4%, SSI tăng 2,7%, VHM tăng 2,3%, PLX tăng 2%, BVH, VNM, VRE đều tăng hơn 1%… Trong nhóm chỉ còn BCM, POW, TPB, SAB mất điểm với mức giảm đều chưa tới 1%.
Nhìn chung, với dòng tiền sôi động khi thanh khoản thị trường có thêm phiên trên 20.000 tỷ đồng, cùng các nhóm cổ phiếu lớn bé đua nhau khởi sắc, chỉ số VN-Index đã tăng vọt và xác lập vùng đỉnh mới trong năm 2023. Dù chưa thể khẳng định xu hướng tăng đã trở lại, nhưng phiên hồi phục khá ấn tượng cả về điểm số và thanh khoản, đã giúp nhà đầu tư kỳ vọng chỉ số chung sẽ sớm chinh phục mốc 1.200 điểm.
Chốt phiên, sàn HOSE có 348 mã tăng và 120 mã giảm, VN-Index tăng 13,09 điểm (+1,12%) lên 1.185,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 988 triệu đơn vị, giá trị 20.273 tỷ đồng, tăng 24,03% về khối lượng và 23,61% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 91,84 triệu đơn vị, giá trị 1.884,2 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, tiếp nhận tín hiệu tích cực, HNX-Index cũng nới rộng đà tăng mạnh trong phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 116 mã tăng và 71 mã giảm, HNX-Index tăng 1,91 điểm (+0,82%), lên 234,98 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 91,78 triệu đơn vị, giá trị 1.442,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 0,52 triệu đơn vị, giá trị 19,41 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 cũng có đóng góp lớn cho thị trường khi đóng cửa tăng gần 6 điểm với số mã tăng gấp hơn 2 lần số mã giảm, đáng kể là SLS tăng kịch trần, TAR tăng 4%, cùng các mã IDC, VCS, PVS, SHS… đều tăng hơn 1%.
Ở nhóm vừa và nhỏ, điểm sáng là MST kéo trần thành công khi đóng cửa tăng 8,8% lên mức 6.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 2,46 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng nới rộng đà tăng mạnh, trong đó SHS kết phiên tăng 2,1% lên mức giá cao nhất ngày 14.700 đồng/CP, cùng thanh khoản vượt trội trên thị trường, đạt 22,43 triệu đơn vị, MBS cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày khi tăng 3% và khớp 2,46 triệu đơn vị…
Ở nhóm bất động sản, cổ phiếu đáng chú ý CEO những tưởng đảo chiều sau 2 phiên tăng vọt nhưng lực cầu nhập cuộc tích cực đã tìm mã này tìm lại sắc xanh. Kết phiên, CEO tăng nhẹ 0,6% lên mức 18.000 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua SHS, đạt 7,7 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (+0,57%), lên 88,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 67,49 triệu đơn vị, giá trị 736,78 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,29 triệu đơn vị, giá trị 47,65 tỷ đồng.
Trái với diễn biến khởi sắc của nhóm cổ phiếu chứng khoán niêm yết, cổ phiếu cùng ngành trên UPCoM là AAS đảo chiều giảm khá mạnh khi mất 3,6%, đóng cửa tại mức giá 10.800 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 5,19 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SBS khởi sắc khi đóng cửa tăng 3,8% lên mức cao nhất ngày 8.200 đồng/CP, thanh khoản thuộc top 5 dẫn đầu thị trường với hơn 3,15 triệu đơn vị khớp lệnh.
Cổ phiếu BSR vẫn là sôi động nhất khi có 5,52 triệu đơn vị chuyển nhượng thành công, đóng cửa hồi phục sắc xanh khi tăng 1,1% lên mức 18.200 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2308 đáo hạn gần nhất là ngày 17/8 đóng cửa tăng 21,9 điểm, tương ứng +1,9% lên mức 1.184,9 điểm, khớp lệnh gần 136.590 đơn vị, khối lượng mở 48.370 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh tràn ngập, chỉ có duy nhất mã CFPT2210 giao dịch trên 1,1 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 6,7% lên mức 640 đồng/cq. Còn lại các mã đều khớp lệnh dưới 1 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn