Thị trường chứng khoán giảm điểm 2 tuần liên tiếp, nhiều phiên biến động rất mạnh, cổ phiếu bị bán tháo nhưng các chuyên gia cho rằng tất cả chỉ là điều chỉnh ngắn hạn…
Trong 2 phiên cuối tuần, thị trường chứng khoán rung lắc rất mạnh, đặc biệt là phiên giao dịch nghẹt thở cuối tuần đưa VN-Index có thời điểm rơi về 1.175 điểm. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ lo lắng khi nhiều thông tin tiêu cực tác động tới thị trường. Dù vậy, tại talk show chứng khoán với chủ đề “Tỉ giá tăng, chứng khoán còn biến động mạnh?” do Báo Người Lao Động tổ chức cuối tuần qua, các chuyên gia đánh giá xu hướng tăng vẫn tích cực.
Phản ứng thái quá với tin xấu?
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm khối khách hàng cá nhân – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng yếu tố tác động tiêu cực đến 2 phiên chứng khoán gần nhất liên quan việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất tại kỳ họp tháng 9 nhưng có thêm một lần tăng lãi suất trong tháng 11 tới.
“Một bất ngờ là FED nhấn mạnh chỉ cắt giảm lãi suất 2 lần trong năm sau, thay vì 4 lần như dự đoán, khiến giới đầu tư thất vọng, chứng khoán Mỹ giảm mạnh gây tâm lý xấu đối với các nhà đầu tư trong nước. Chưa kể, tỉ giá USD/VNĐ “nóng” lên cộng thêm chỉ số đồng USD neo cao ở mốc 105 điểm cũng là yếu tố không tích cực cho chứng khoán Việt Nam” – ông Thế Minh nói.
Một yếu tố kém vui khác được các chuyên gia phân tích là áp lực rút vốn của những nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại, tổng cộng họ đã bán ròng khoảng 9.000 tỉ đồng từ đầu năm đến nay. Chỉ riêng tuần qua, khối ngoại bán ròng tới 1.700 tỉ đồng trên cả 3 sàn.
Ông Lê Tự Quốc Hưng, chuyên viên phân tích cao cấp Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích động thái của khối ngoại cho thấy họ lo ngại khi tỉ giá USD/VNĐ tăng lên, làm giảm hiệu suất sinh lời của các khoản đầu tư. Dù vậy, nếu nhìn ở góc độ nhà đầu tư trong nước thì lại khác, với mặt bằng lãi suất thấp từ tháng 5 tới nay, kênh gửi tiết kiệm đang kém hấp dẫn so với triển vọng của chứng khoán nên kênh đầu tư này vẫn tích cực trong thời gian tới.
“Tỉ lệ giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm khoảng 8% so với quy mô giao dịch của thị trường. Phần lớn thị trường đang phụ thuộc dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân, trong khi dòng tiền chảy chỗ trũng… Do đó, trong ngắn hạn, VN-Index có thể gặp khó khăn, tâm lý nhà đầu tư e dè nhưng trong trung và dài hạn thì vẫn tích cực. Có thể nói đây là cơ hội cho người đang cầm tiền” – ông Thế Minh nêu quan điểm.
Nhiều nhà đầu tư băn khoăn chưa biết xử lý thế nào trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm nhanh và mạnh Ảnh: Hoàng Triều
Một số nhóm ngành được đánh giá tích cực
Một yếu tố khác tác động xấu tới VN-Index những phiên vừa qua là động thái của Ngân hàng Nhà nước khi phát hành tín hiệu để hút tiền về khoảng 10.000 tỉ đồng. Dù vậy, ông Lê Tự Quốc Hưng cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước hút ròng trở lại nếu so con số này với thời điểm tháng 2 và 3 vào đầu năm khi lượng tiền hút ròng lên tới 100.000 tỉ đồng thì không phải con số quá lớn.
Chưa kể, trong đợt đấu thầu tín phiếu này chỉ có 17 ngân hàng thương mại tham gia và 2 ngân hàng trúng thầu, phản ánh hệ thống ngân hàng dư thừa thanh khoản. Do đó, đây chỉ là bước đi của Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát lạm phát và giảm áp lực tỉ giá.
“Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 20%-21%, dù thị trường không phải còn quá rẻ nhưng cũng không phải quá cao so với mức trung bình định giá P/E trong 5 năm gần nhất là 16x (hiện tại là 14,5x). Quan trọng là thị trường đang được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp, nên điều chỉnh sẽ là cơ hội tái định giá cổ phiếu và vẫn có những cổ phiếu có “câu chuyện” riêng và có tiềm năng tăng trưởng” – ông Quốc Hưng nói.
Biến động của thị trường chứng khoán tuần 18-9 đến 22-9.
Về phía nhà đầu tư, chị Khánh Thy (ngụ quận 3, TP HCM) – đang nắm giữ khá nhiều cổ phiếu ngành chứng khoán, bất động sản và dầu khí – vẫn bày tỏ sự lo lắng khi các nhóm cổ phiếu giảm mạnh tới 10% – 12% chỉ trong 2 phiên. “Thị trường đã kết thúc đợt điều chỉnh giảm chưa? Sắp tới tôi phải làm gì? Nếu giảm là cơ hội mua tích lũy thì nhóm ngành nào sẽ tích cực?” – chị Thy băn khoăn. Đáng chú ý, đây cũng là tâm lý chung của nhiều nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán hiện nay. Người cầm cổ phiếu nếu tiếp tục nắm giữ thì sợ lỗ, bán thì sợ “mất hàng”; còn người cầm tiền cũng không dám mua vào vì chưa biết đâu là đáy.
Theo các chuyên gia chứng khoán, những cổ phiếu có “câu chuyện” và được hưởng lợi từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III và cuối năm sẽ có tiềm năng. Với dòng tiền đang chờ tham gia thị trường hiện nay, xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn sẽ sớm kết thúc và trở lại tăng thời gian tới.
Ông Nguyễn Thế Minh thừa nhận định giá của VN-Index và nhiều cổ phiếu đúng là không còn quá rẻ nhưng vẫn hấp dẫn trong bối cảnh xu hướng hồi phục vào quý III, IV sắp tới của các doanh nghiệp, lãi suất cho vay hạ nhiệt và sự phục hồi kinh tế của các nước. Bằng chứng là trong 2 phiên điều chỉnh tuần qua vẫn có những mã cổ phiếu thuộc nhóm ngành xuất khẩu, hóa chất, bán lẻ đi ngược thị trường…
Do đó, chuyên gia của Yuanta Việt Nam đánh giá tích cực với nhóm cổ phiếu hóa chất khi nhu cầu xuất khẩu tăng trở lại; nhóm xuất khẩu như cổ phiếu thủy sản và nhóm cổ phiếu vận tải… Nhóm cổ phiếu dịch vụ dầu khí nắm giữ về dài hạn.
“Bất động sản khu công nghiệp là nhóm ngành dự báo đang hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia hay mới đây nhất là việc nâng tầm quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ kỳ vọng thu hút làn sóng FDI mới. Các doanh nghiệp ngành này có thể hưởng lợi trong dài hạn” – ông Quốc Hưng nhận định.
VN-Index có thể ổn định trở lại
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Phân tích vĩ mô và chiến lược thị trường – Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhận định VN-Index có thể ổn định trở lại sau khi những tin đồn liên quan tới lãnh đạo HoSE và việc điều chỉnh danh mục margin của một công ty chứng khoán tốp đầu được đính chính và làm rõ. Đồng thời, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng cải thiện tích cực hơn sẽ là yếu tố hỗ trợ cho thị trường trong những tuần giao dịch tới.
Nhà đầu tư nên ưu tiên những doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh chuyển biến tích cực trong 2 quý cuối năm như xuất khẩu (thủy sản, đồ gỗ, hóa chất), bán lẻ và đầu tư công (xây lắp, vật liệu xây dựng)…
Các chuyên gia chứng khoán nhận định thị trường còn cơ hội và xu hướng là tích cực nhưng khuyến nghị nhà đầu tư mua cổ phiếu thời điểm này hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính (margin), nhất là những nhà đầu tư mới để phòng ngừa rủi ro.
Đồng loạt quay đầu giảm sâu sau nhịp tăng kéo dài, cổ phiếu chứng khoán còn hấp dẫn?
Theo Cafef