Chứng khoán được đánh giá là một lựa chọn hấp dẫn trong các kênh đầu tư tài sản năm 2024, với không ít ngành có thể lựa chọn để “xuống tiền”.
Thị trường có động lực tăng
Kỳ vọng sự xoay chiều chính sách của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới sẽ là động lực chính hỗ trợ tình hình vĩ mô thế giới trong năm 2024, trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu suy giảm và các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, EU vẫn tồn tại rủi ro.
Tại Việt Nam, 2024 được kỳ vọng là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững, nhờ chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ, kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi.
Theo đó, thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ có diễn biến khả quan, dựa trên triển vọng lãi suất giảm và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng. Năm 2024, nhiều tổ chức đưa ra dự báo, lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết có thể tăng trưởng hai con số, một phần dựa trên nền thấp của năm 2023.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, có những yếu tố tích cực sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm mới.
Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024, tổng mức giảm đến cuối năm khoảng 1%/năm, xuống 4,5%/năm. Lãi suất giảm sẽ kích thích các nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng từ những thị trường mới nổi.
Thứ hai, MBS dự báo, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng 16,8% trong năm 2024, trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy.
Thứ ba, nhiều dự án bất động sản ở TP.HCM và Hà Nội dần được tháo gỡ các vướng mắc pháp lý, tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Thứ tư, hệ thống KRX dự kiến sẽ sớm được đưa vào vận hành, tạo nền tảng cơ sở cho các sản phẩm mới được triển khai, từ đó rút ngắn con đường nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Định giá thị trường đang ở mức hợp lý là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng, Fed và các ngân hàng trung ương lớn đã hoàn thành quá trình thắt chặt tiền tệ trong năm 2023. Thời điểm bắt đầu hạ lãi suất sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của các nền kinh tế. Nếu Mỹ xảy ra suy thoái nhanh và mạnh, Fed có thể sẽ phải giảm lãi suất vào cuối quý I/2024, nhưng kịch bản phổ biến là kinh tế “hạ cánh mềm” và cơ quan này bắt đầu hạ lãi suất từ giữa năm 2024.
Thị trường chứng khoán năm 2024 có thể dao động trong biên độ hẹp, chứ chưa hồi phục mạnh mẽ, nhưng đây sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhìn chung vẫn được dự báo khá ảm đạm, đặc biệt là Trung Quốc. Bên cạnh đó, rủi ro địa chính trị có thể bùng lên ở một số nơi, thậm chí có nguy cơ lan rộng. Khi đó, nỗi lo về gián đoạn chuỗi cung ứng gia tăng, đẩy giá năng lượng, chi phí vận tải và giá cả hàng hóa cơ bản tăng lên. Lạm phát có khả năng sẽ dai dẳng và lộ trình giảm lãi suất của Fed cũng như các ngân hàng trung ương khác bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn trầm lắng, sức cầu tiêu dùng chưa thể hồi phục mạnh. Theo đó, các chỉ số sản xuất, nhà quản trị mua hàng, xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 khó có thể cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng trong nước cũng vậy. Thị trường bất động sản cần thêm thời gian để hồi phục. Cầu tín dụng nói chung của nền kinh tế sẽ cải thiện so với năm 2023, nhưng một bộ phận doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém dự kiến sẽ ngày càng trở nên khó khăn, khiến gánh nặng nợ xấu và trích lập dự phòng vẫn là nỗi lo thường trực của ngành ngân hàng.
Mặc dù vậy, các yếu tố liên quan tới chính sách tiền tệ nhiều khả năng ‘dễ thở’ hơn, do xu hướng hạ lãi suất của Fed tất yếu sẽ diễn ra. Áp lực lên tỷ giá USD/VND sẽ giảm, nhờ dòng vốn FDI ổn định, xuất nhập khẩu cải thiện và áp lực vốn ngoại rút ròng không còn lớn khi chênh lệch lãi suất USD/VND giảm. Nền lãi suất sẽ duy trì ở vùng thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dự báo thận trọng của ACBS về mức tăng trưởng GDP trong năm mới là 5,5 – 6,0%.
“Chúng tôi cho rằng, bức tranh chủ đạo của thị trường chứng khoán năm 2024 tiếp tục là tích lũy trong biên độ hẹp, chứ chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Những tin tức tốt về vĩ mô và dòng tiền có thể hỗ trợ thị trường tăng điểm trong ngắn hạn, nhưng để có sự bứt phá qua đỉnh cũ hoặc một xu hướng tăng giá trung và dài hạn thì vẫn cần nhiều yếu tố thuận chiều hơn”, bà Trang nói.
Quan trọng vẫn là chọn danh mục
Thực tế, dự báo thị trường chỉ là một yếu tố cơ bản, việc phân tích, lựa chọn ngành và cổ phiếu đầu tư giúp gia tăng giá trị tài khoản mới là điều cốt lõi mà nhà đầu tư quan tâm.
Là nhà đầu tư bám sát thị trường, ông Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, khó có một công thức chọn cổ phiếu, bởi phụ thuộc vào việc nhà đầu tư chọn đầu tư ngắn hạn (lướt sóng) hay đầu tư dài hạn, khả năng tài chính, mức độ chịu đựng rủi ro… Trong khi đó, việc đầu tư cổ phiếu vừa phải dựa vào nội lực của doanh nghiệp, nhưng cũng phải xem xét tác động của các yếu tố bên ngoài.
Về nhóm ngành đầu tư, ông Tuấn cho rằng, với mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức thấp kỷ lục, chứng khoán vẫn là nhóm có nhiều tiềm năng tăng trưởng trong thời gian tới. Việc tần suất xuất hiện các phiên giao dịch có giá trị tỷ USD nhiều hơn được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện hiệu quả hoạt động mảng môi giới và cho vay giao dịch ký quỹ. Bên cạnh đó, hoạt động tự doanh có thể ghi nhận kết quả khả quan nhờ mức nền so sánh thấp và triển vọng tích cực hơn của thị trường.
Nhà đầu tư trên cũng đánh giá cao nhóm cổ phiếu bất động sản, dù kết quả kinh doanh năm 2023 có nhiều màu xám. Với những chuyển động thực tế trên thị trường bất động sản như việc tháo gỡ các khó khăn về pháp lý, áp lực về trái phiếu doanh nghiệp giảm dần, một số phân khúc thị trường có dấu hiệu phục hồi…, một số mã cổ phiếu đáng quan tâm là KDH, NLG, PDR, NVL.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank, nhiều ngành suy giảm trong năm 2023 do lực cầu yếu. Kỳ vọng, năm 2024, kinh tế thế giới tích cực hơn, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá của những nước lớn như Mỹ, EU quay trở lại, kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc, việc làm, thu nhập, tiêu dùng theo đó được cải thiện. Những ngành liên quan đến xuất khẩu, sản xuất, tiêu dùng sẽ phục hồi, ngành ngân hàng cải thiện được lợi nhuận do biên lãi ròng đã ổn định sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Để thúc đẩy kinh tế trong nước, đầu tư công sẽ được chú trọng, những ngành liên quan đến xây dựng cơ sở hạ tầng được hưởng lợi. Vốn FDI tăng trưởng và xu hướng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp nước ngoài sang Việt Nam sẽ giúp lĩnh vực bất động sản công nghiệp, logistics ghi nhận lợi nhuận khả quan. Lĩnh vực công nghệ tiếp tục có triển vọng sáng.
Tuy vậy, bà Nga lưu ý, đằng sau mỗi cổ phiếu là một doanh nghiệp. Khi một ngành tăng trưởng, không phải tất cả các doanh nghiệp trong ngành đó đều tăng trưởng và ngược lại, khi một ngành suy giảm, vẫn có những doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ. Vì vậy, nhà đầu tư nên tập trung vào triển vọng của từng doanh nghiệp và cân nhắc triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong tương quan với định giá cổ phiếu để đưa ra quyết định.
Thị trường chứng khoán năm 2024 có thể dao động trong biên độ hẹp, chứ chưa hồi phục mạnh mẽ, nhưng đây sẽ là cơ hội để tích lũy cổ phiếu với tầm nhìn dài hạn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn