Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 14/7 của các công ty chứng khoán.
VCG, HHV, C4G, CTD phù hợp với chiến lược đầu tư
CTCK SSI (SSI)
Với bức tranh vĩ mô đầu tư công nói trên, chúng tôi cho rằng các ngành cụ thể được hưởng lợi từ chủ điểm đẩy mạnh đầu tư công rõ nhất là ngành xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng.
Ở khía cạnh doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy có nhiều doanh nghiệp xây dựng đã và đang có doanh thu tăng trưởng bắt đầu từ năm 2021-2022. Doanh thu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2023-2025 theo chu kì đầu tư công.
Tuy nhiên, với đặc thù ngành xây dựng hạ tầng với biên mỏng và các khoản phải thu cao, đa số sử dụng đòn bẩy tài chính cao và chịu áp lực chi phí tài chính tăng trong môi trường lãi suất cao. Điều này dẫn mức độ tăng trưởng lợi nhuận theo doanh thu sẽ chưa thể hiện rõ trong ngắn hạn.
Mặc dù ROE ở mức thấp, mức định giá các cổ phiếu xây dựng đã vào vùng cao so với định giá trong quá khứ, phản ánh phần nhiều kì vọng về tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai.
Do đó, chúng tôi cho rằng các cổ phiếu ngành xây dựng trong phạm vi phân tích (VCG, HHV, C4G, CTD) phù hợp với chiến lược đầu tư theo chủ điểm và tận dụng những nhịp biến động ngắn hạn với những thông tin cập nhật về việc trúng thầu hoặc tin tức về đẩy mạnh đầu tư công, vì như đã phân tích ở trên, có thể sẽ chưa thấy sự tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, chúng tôi đánh giá cao KSB, VLB, DHA, PLC với tư cách là doanh nghiệp đầu ngành và hưởng lợi trực tiếp từ nhu cầu đá, nhựa đường tăng cao từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, và khuyến nghị nhà đầu tư chỉ xem xét tích lũy tại các nhịp điều chỉnh, do định giá hiện tại đã vào vùng cao theo quan điểm của chúng tôi.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SIP
CTCK Vietcombank (VCBS)
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG – SIP phát triển các KCN tại Tây Ninh, TPHCM, Đồng Nai với các KCN có diện tích lớn/vị trí đắc địa nhất là ở HCM và Long Thành – Đồng Nai (cạnh sân bay Long Thành). Tổng diện tích KCN sở hữu lên tới 3.264ha với diện tích thương phẩm còn lại khoảng hơn 1.000ha
Diện tích thương mại còn có thể cho thuê lớn lên tới hơn 1.087ha tập trung chủ yếu ở Tây Ninh (gần 800ha), đặc biệt là các vị trí đắc địa tại HCM (hơn 150ha), Long Thành (144ha). Hiện KCN Phước Đông GĐ 2 phân kỳ B có tổng diện tích 557ha đang chờ đơn giá bồi thường, diện tích sẵn sàng cho thuê hiện đạt 290ha. KCN Lê Minh Xuân 3 hầu như đã giải phóng hết và đang có định hướng xây nhà xưởng cho thuê thay vì cho thuê hết diện tích đất. KCN Lộc An Bình Sơn (144ha sẵn sàng cho thuê) ngay sát sân bay Long Thành cũng có mức giá trên 200 USD/m2 /thời gian thuê.
SIP là một trong số ít các công ty KCN trên sàn có giấy phép hoạt động điện lực và Trạm biến áp mua điện trực tiếp từ EVN và phân phối lại cho các doanh nghiệp trong KCN. Giá điện bán lẻ tăng 3% giúp DT, LNG mảng phân phối điện tăng tương ứng. Mảng phân phối điện đem lại mức lợi nhuận gộp trung bình 220 – 250 tỷ đồng và tiếp tục tăng lên khi giá.
Tự phát triển điện mặt trời áp mái bán với giá cao: Với giấy phép hoạt động điện lực, SIP cũng có thể tự phát triển ĐMT áp mái để bán trong KCN theo giá bán lẻ với mức trung bình 1.700 – 1.800 đồng/kWh. Hiện công ty đã phát triển được hơn 42 MWp.
Luận điểm đầu tư dành cho SIP: Doanh thu từ cung cấp nước sạch, nước thô đạt gần 200 tỷ nhưng biên lợi nhuận gộp lên tới trên 70% do chủ yếu cung cấp nước thô từ kênh tự chảy tại KCN Phước Đông; Hoạt động dịch vụ tiện ích quản lý KCN cũng đem lại dòng tiền đều đặn và tăng trưởng hàng năm theo diện tích cho thuê mới với hơn 130 tỷ/năm với diện tích cho thuê lớn Xây dựng nhà xưởng xây sẵn cũng là một trong các chiến lược tập trung trong thời gian tới; 247ha diện tích KDC tại KCN Phước Đông là tiềm năng dài hạn đối với SIP.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua cổ phiếu SIP với giá mục tiêu 190.000 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn