Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/10 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu BSR
CTCK SSI (SSI)
Cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc Hóa dầu Bình Sơn đang giao dịch ở mức P/E và EV/EBITDA dự phóng năm 2024 lần lượt là 10,7x và 4,0x.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị trung lập và giá mục tiêu 1 năm là 21.600 đồng/cổ phiếu dựa trên P/E và EV/EBITDA 2024 mục tiêu lần lượt là 10x và 5x.
Trong ngắn hạn, giá cổ phiếu có thể chịu áp lực do biên độ chênh lệch giá crack thu hẹp. Tuy nhiên, giá dầu dự kiến sẽ vẫn ở mức cao trong quý 4 do chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ kéo dài đến cuối năm và mức tiêu thụ dầu phục hồi, điều này có thể hỗ trợ cho giá cổ phiếu BSR.
Biên lợi nhuận gộp của BMP trong quý III/2023 tăng kỷ lục
CTCK Vietcap (VCSC)
CTCP nhựa Bình Minh (BMP) thông báo kết quả kinh doanh quý III/2023 có xu hướng giảm so với quý trước với doanh thu đạt 936 tỷ đồng (tăng 31% so với quý trước và giảm 38% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 209 tỷ đồng (giảm 29% so với quý trước và tăng 19% so với cùng kỳ), phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
Biên lợi nhuận gộp quý III/2023 cao hơn kỳ vọng của chúng tôi và tiếp tục tăng so với quý trước từ mức 42,8% trong quý II/2023 lên mức cao kỷ lục là 43,0%. Chúng tôi chủ yếu cho rằng biên lợi nhuận gộp tăng mạnh là do giá nhựa đầu vào thấp và do BMP đã nỗ lực không ngừng trong việc tối ưu hóa sản xuất.
Tuy nhiên, mức giảm đáng kể trong doanh thu quý III/2023 lớn hơn dự báo của chúng tôi, chủ yếu do nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước thấp trong quý III/2023.
Chi phí tín dụng TCB dự kiến duy trì ở mức dưới 1% trong năm 2023
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Tăng trưởng tín dụng đạt 11,4% so với đầu năm tính đến cuối quý III/2023, đạt 495,4 nghìn tỷ đồng. Tín dụng ghi nhận sự phục hồi cả ở nhóm cho vay bán lẻ và cho vay doanh nghiệp (đã bao gồm TPDN). Tăng trưởng huy động đạt 14,1%, trong đó tiền gửi có kỳ hạn vẫn tăng mạnh dù mặt bằng lãi suất đã hạ nhiệt, tỷ lệ CASA không ghi nhận sự cải thiện mà giảm về mức 33,6% trong quý III.
Thu nhập lãi thuần luỹ kế 9 tháng năm 2023 giảm 14,4% so với cùng kỳ nhưng tốc độ giảm có dấu hiệu chậm lại từ quý III trong bối cảnh kinh tế hồi phục. Thu từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng trưởng 12,9%, trong đó hoạt động Bancassurance vốn ảm đảm từ đầu năm đã trở lại với doanh thu khai thác mới (APE) tăng 32,1% so với quý trước, hoạt động IB cũng hồi phục đáng kể so với quý trước. Nhờ đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) ghi nhận tăng trưởng 2 chữ số (tăng 11,7% so với quý trước).
Chi phí hoạt động tăng đáng kể trong quý 3 chủ yếu do chi phí khấu hao tài sản cố định khi ngân hàng tiếp tục đầu tư mảng số hoá, CIR của TCB đã tăng lên mức 33,2%. Lợi nhuận trước thuế quý 3 của TCB đạt 5.842 tỷ đồng (tăng 3,4% so với quý trước; giảm 13% so với cùng kỳ).
Chi phí vốn quý (CoF) 3 đạt mức 4,7%- thấp nhất trong 3 quý gần đây trong bối cảnh lãi suất huy động điều chỉnh giảm tương đối đáng kể. Lợi suất tài sản giảm nhẹ và với tốc độ chậm hơn CoF đã góp phần giúp NIM quý này cải thiện 4 bps so với quý trước. Tuy nhiên, xu hướng giảm của NIM nhìn chung vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại và sẽ chưa thể hồi phục ngay về mức cao của năm 2022.
Ban lãnh đạo kỳ vọng lãi suất tiền gửi từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm dù mức giảm sẽ không nhiều như thời gian vừa qua, trong khi lợi suất tài sản duy trì ở mức hiện tại giúp NIM cải thiện 30-40 bps trong năm tới. TCB cho biết ngân hàng sẽ ngưng chính sách lãi suất linh hoạt khi NIM được cải thiện.
Tỷ lệ nợ xấu đã tăng từ 1.1% trong quý trước lên 1,4%, chủ yếu là nợ xấu của nhóm khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME tăng, trong khi nợ xấu của nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn vẫn duy trì mức 0% ở nhiều kỳ báo cáo. Mặc dù NPL không ghi nhận sự cải thiện trong quý này nhưng nợ nhóm 2 đã giảm xuống 1,3% trên tổng dư nợ, so với mức 2% cuối quý trước. TCB kỳ vọng sẽ kiểm soát NPL dưới 1,5% trong năm nay.
Chúng tôi nhận thấy chất lượng tài sản chưa thật sự xác lập xu hướng cải thiện, TCB tăng trích lập dự phòng trong quý vừa rồi (tăng 83,7% so với cùng kỳ), tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm về 93% từ mức 116% quý 2. Dù vậy, chi phí tín dụng vẫn được kiểm soát mức 0,7%, dự kiến tỷ lệ này duy trì ở mức dưới 1% trong năm 2023.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn