Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 25/3 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu POW
CTCK MB (MBS)
Năm 2024, chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng của Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW – sàn HOSE) tăng 14% và 11% so với năm trước, đạt 31.723 tỷ đồng và 1.189 tỷ đồng. Tuy ghi nhận tăng trưởng, đây vẫn là mức nền thấp.
Nguyên nhân do 1) Nhơn Trạch 1&2 dự kiến ghi nhận sản lượng huy động thấp do khó khăn về nguồn khí và giá bán điện cao; 2) Biên LN gộp các nhà máy chưa thể cải thiện khi giá trần thị trường điện điều chỉnh giảm 15%, ảnh hưởng đến chào giá của nhóm nhiệt điện khi giá đầu vào neo cao.
Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy vẫn có điểm sáng hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận ròng 2024 đến từ kế hoạch huy động sản lượng Cà Mau 1&2 cao với nguồn khí ổn định, và Vũng Áng 1 được huy động tối ưu sau khi hoàn thành khắc phục sự cố từ T8/23.
Trong 2025, dự kiến doanh thu và lợi nhuận ròng sẽ tăng 47% và 64%. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng nhóm điện khí phục hồi từ nền thấp, cùng với sản lượng đóng góp từ Nhơn Trạch 3&4 khi đi vào hoạt động từ quý I/2025 và quý IV/2025.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng nhu cầu điện tăng trưởng mạnh trở lại cũng như tài chính của EVN cải thiện sẽ là bản lề cho triển vọng huy động điện khí. Dự phóng lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2024/2025 của chúng tôi thấp hơn 28%/21% so với báo cáo trước đây, phản ánh những khó khăn đến từ huy động sản lượng nhóm điện khí trong 2024 cũng như những rủi ro chậm tiến độ Nhơn Trạch 3&4.
Chúng tôi giảm giá mục tiêu 13,300 đồng/cp (giảm 9% sv báo cáo trước) do giảm dự phóng EPS 2024/2025 và duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu POW.
Rủi ro giảm giá bao gồm: 1) Tình trạng thiếu than, khí trầm trọng hơn dự kiến; 2) Tình hình tài chính của EVN chưa được cải thiện, ảnh hưởng đến hiệu quả dòng tiền của doanh nghiệp. Tiềm năng tăng giá bao gồm: Khoản bồi thường Vũng Áng 1 và các khoản thoái vốn công ty con được ghi nhận.
>> Tải báo cáo
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VPB
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
KBSV kỳ vọng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã VPB – sàn HOSE) có đủ cơ sở để đạt được mức tăng trưởng tín dụng 25% dựa trên: (1) nền tảng CAR mạnh mẽ sau khi tăng vốn (2) Mặt bằng lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng từ cả khối khách hàng bán lẻ và khối khách hàng doanh nghiệp; (3) Sự hồi phục của nền kinh tế.
NIM kì vọng hồi phục trong năm 2024 nhờ: (1) Chi phí vốn giảm do lãi suất huy động thấp cùng khoản lãi suất huy động cao đáo hạn; (2) CASA được cải thiện. Tuy nhiên NIM sẽ không tăng mạnh do (1) Áp lực giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy nhu cầu tín dụng; (2) Rủi ro từ chất lượng tài sản.
Mặc dù chất lượng tài sản đã có sự cải thiện nhưng áp lực trích lập dự phòng vẫn ở mức cao trong năm 2024 do: (1) Bộ đệm dự phòng ở mức thấp; (2) Tăng nhanh quy mô tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn yếu; (3) Tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao.
Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VPB. Giá mục tiêu cho năm 2024 là 24.900 đồng/CP, cao hơn 32,4% so với giá tại ngày 22/03/2024.
Khuyến nghị nắm giữ dành cho cổ phiếu VTP
CTCK KB Việt Nam (KBSV)
Năm 2023, Tổng CTCP Bưu chính Viettel (VTP) ghi nhận doanh thu thuần 19.590 tỷ đồng đi ngang so với mức doanh thu đạt được năm 2022. Trong đó, doanh thu hoạt động cốt lõi – doanh thu dịch vụ ghi nhận 10.164 tỷ đồng (tăng trưởng 12%), mảng bán hàng tuy chiếm tỷ trọng doanh thu cao (48%) đạt 9.445 tỷ đồng (giảm 25%) nhưng biên lợi nhuận chỉ ở mức 0,24%.
Theo báo cáo Allied Market Research công bố, thị trường dịch vụ chuyển phát Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 24,1%/năm giai đoạn từ nay đến 2030. Với vị thế là một trong các doanh nghiệp đầu ngành, VTP dự kiến sẽ hưởng lợi đáng kể từ sự tăng trưởng nhanh của của ngành.
Trong 2 năm tới, VTP dự kiến đầu tư 3.000 tỷ đồng đầu tư mở rộng hạ tầng kho bãi và hệ thống chia chọn. VTP đang chuẩn bị mặt bằng tiến hành xây dựng thêm kho bãi tại các tỉnh trọng điểm. Bên cạnh đó công ty cũng đang có kế hoạch mở rộng hệ thống chuyển phát sang các nước lân cận như Thái Lan, Lào, Myanmar, Trung Quốc.
Thị phần chuyển phát của VTP sẽ tăng lên mức 20-21% vào cuối năm nay với động lực đến từ: (1) chất lượng dịch vụ cải thiện và (2) VTP liên tiếp thu hút được các đối tác lớn là các tập đoàn nước ngoài.
Dựa trên triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu VTP, giá mục tiêu 92.500 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức lợi nhuận 2.3% so với giá đóng cửa ngày 21/03/2024.
Khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu HSG
CTCK Bảo Việt (BVSC)
Chúng tôi dự phóng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG – sàn HOSE) niên độ 2023-2024 lần lượt 35.920 tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và 885 tỷ đồng, gấp 28 lần so với 2023.
Ở mức giá hiện tại, ước tính mức P/B và EV/EBITDA của HSG trong 2024 lần lượt 1,05x và 6,3x, thấp hơn mức P/B ngành trung bình 5 năm là 1,2x và EV/EBITDA ngành trung bình 5 năm là 7,0x.
BVSC đưa ra khuyến nghị OUTPERFORM cho HSG với giá mục tiêu là 27.500 đồng/cổ phiếu – với tiềm năng tăng trưởng +21%.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn