Báo Đầu tư Chứng khoán trích báo cáo phân tích một số cổ phiếu cần quan tâm trước phiên 28/12 của các công ty chứng khoán.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu VHM
CTCK BIDV (BSC)
Quan điểm đầu tư dành cho cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes: VHM đang giao dịch tại vùng giá thấp nhất kể từ khi niêm yết, tương ứng mức định giá hấp dẫn với PE 2024F=6.9x và P/B 2024F = 0.86x – mức thấp nhất kể từ khi niêm yết.
Bên cạnh đó, triển vọng lợi nhuận dài hạn của VHM được đảm bảo nhờ quỹ đất liên tục được mở rộng, luôn hiện hữu dự án gối đầu và năng lực và sản phẩm đã được chứng minh.
BSC điều chỉnh tăng 5% dự báo tổng doanh thu (bao gồm bán buôn và HTĐT) và tăng 10% dự báo lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số năm 2023, lần lượt đạt 115.508 tỷ đồng (tăng 42% so với năm trước) và 36.684 tỷ đồng (tăng trưởng 27%) nhờ bàn giao các sản phẩm thấp tầng tại đại dự án Vinhomes OCP 2 & 3 tốt hơn kỳ vọng.
Sang năm 2024, chúng tôi dự báo kết quả kinh doanh sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm do điểm rơi bàn giao tập trung vào 2023-nửa đầu năm 2024 trong khi tỷ lệ hấp thụ các dự án mở bán mới thấp. Theo đó, tổng doanh thu đạt 96.408 tỷ đồng (giảm 17% so với năm trước) và lợi nhuận sau thuế – cổ đông thiểu số đạt 26.240 tỷ đồng (giảm 29%), EPS = 5.966 đồng , PE fwd = 6.9x, P/B fwd = 0.86x.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu VHM nhưng điều chỉnh giá mục tiêu giảm 24% còn 60.900 đồng/CP (upside 45.3%), phản ánh: Giảm 11,1% định giá tại các dự án đang triển khai khi hạ dự báo doanh số bán lẻ vào các năm tiếp theo bởi các yếu tố chu kỳ tiến độ triển khai kéo dài, biên lợi nhuận giảm do chính sách bán hàng kích cầu.
Áp dụng mức chiết khấu vào định giá 20% vì rủi ro giao dịch nội bộ Tập đoàn và các rủi ro về xu hướng ngành khi mà biên lợi nhuận các doanh nghiệp nhìn chung sẽ co lại, do nghĩa vụ tài chính cao hơn (chi phí sử dụng đất, chi phí vốn…) và giá bán bình ổn và tốc độ hấp thụ chậm hơn giai đoạn trước do nguồn cung sản phẩm trong tương lai cao hơn.
Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB, MSB, STB và VIB
CTCK Vietcombank (VCBS)
Ước tính, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB – sàn HOSE) có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 20% trong 2024 và tiếp tục được ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với bình quân ngành khoảng 1,5 – 2 lần trong các năm tới nhờ việc nhận chuyển giao ngân hàng Oceanbank.
Bên cạnh đó, NIM kỳ vọng cải thiện theo đà giảm của chi phí vốn, đồng thời với việc đẩy mạnh tăng tỷ trọng bán lẻ lên 50 – 55% dư nợ (hiện chiếm 46%); tỷ lệ CASA 34% cao nhất ngành, trong đó CASA từ khách hàng cá nhân chiếm khoảng 40% với số lượng khách hàng cá nhân tăng nhanh lên 24 triệu người, tiếp tục là động lực duy trì nguồn huy động lãi suất thấp. Dự kiến CASA của MBB sẽ tiếp tục cải thiện trong 2024 nhờ lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hạ nhiệt.
Thêm vào đó, MBB có chất lượng tài sản ổn định ở mức tốt: chi phí trích lập trong các năm tới dự báo tăng, nhưng vẫn chậm hơn tăng trưởng thu nhập hoạt động, tỷ lệ NPL bảo đảm quanh mức dưới 2%.
Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB – sàn HOSE), chúng tôi kỳ vọng có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 20% cho năm 2023 và 2024, với động lực đến từ 2 phân khúc chiến lược trọng tâm của MSB là bán lẻ và doanh nghiệp SME.
Bên cạnh đó, nhờ tận dụng thế mạnh hệ sinh thái, MSB thu hút được lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn và đều đặn chủ yếu đến từ khách hàng doanh nghiệp. Tỷ lệ CASA đạt 26,6%, mức cao thứ 4 toàn ngành và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi lãi suất tiền gửi có kỳ hạn điều chỉnh giảm, giúp NIM của MSB mở rộng.
Tăng trưởng thu nhập bất thường từ việc ghi nhận phần upfront fee còn lại từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Prudential và thoái vốn FCCOM: Trong quý IV/2023 MSB dự kiến ghi nhận phần phí upfront còn lại từ thương vụ kí kết phân phối bảo hiểm độc quyền với Prudential (khoảng 400 tỷ đồng). Thêm vào đó, MSB đang làm việc với các đối tác chiến lược về kế hoạch thoái vốn FCCOM với định giá ước tính đạt 1.800 – 2.000 tỷ đồng.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB – sàn HOSE) đã hoàn tất xử lý lãi dự thu và đưa phần lớn các tài sản tồn đọng ra khỏi bảng cân đối. Nhờ đó, quy mô tài sản sinh lời tăng nhanh, tín dụng kỳ vọng hồi phục tốt trong 2024 với tăng trưởng tín dụng năm dự kiến đạt 12%, giúp STB cải thiện biên lãi ròng NIM và có tốc độ tăng trưởng thu nhập lãi thuần khả quan.
Thêm vào đó, STB có thể tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành trích lập xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong năm 2023 nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại dồi dào. Sau khi trích lập phần lớn nợ xấu tồn đọng, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2024 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ;
STB có thể đẩy nhanh quá trình đấu giá các tài sản bảo đảm bất động sản và chào bán thành công 32,5% cổ phần STB do VAMC quản lý trong nửa cuối năm 2024. Nếu thương vụ này được thực hiện thành công, STB được kỳ vọng sẽ trở lại cuộc đua một cách mạnh mẽ do có thể cùng lúc giải quyết 2 vấn đề về nợ xấu tồn đọng và chủ sở hữu.
Còn tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB – sàn HOSE): Việc tập trung cho vay phân khúc bán lẻ và SME đem lại lợi suất cao cho VIB trong khi ngân hàng vẫn có thể duy trì được mức chi phí vốn hợp lý nhờ sự linh hoạt trong huy động vốn;
VIB có chỉ số ROE trên 30%, cao bền vững trong nhiều năm nhờ việc tối ưu hóa lợi suất đầu ra cũng như kiểm soát tốt chi phí hoạt động nhờ vào chuyển đổi ngân hàng số;
Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. Tính đến cuối quý III/2023, VIB có số dư TPDN khoảng 835 tỷ đồng, tương đương 0,34% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất thương mại và tiêu dùng có tài sản đảm bảo chất lượng và có mục đích sử dụng vốn rõ ràng, khiến áp lực dự phòng thấp.
Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu MBB, MSB, STB và VIB với giá mục tiêu lần lượt 25.184 đồng/CP; 18.453 đồng/CP; 37.719 đồng/CP và 23.596 đồng/CP.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn