Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Hai (11/9), với chỉ số Nasdaq đầy tích cực nhờ cổ phiếu Tesla tăng mạnh do sự lạc quan xung quanh lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát sẽ công bố vào cuối tuần này.
Cổ phiếu Tesla đã tăng tới 10%, sau khi Morgan Stanley nâng cấp cổ phiếu của nhà sản xuất ô tô điện lên “tăng tỷ trọng” và cho biết siêu máy tính Dojo của Tesla có thể tăng giá trị thị trường của công ty này lên gần 600 tỷ USD.
Các cổ phiếu megacap khác cũng tăng, với Amazon tăng 3,5%, Microsoft nhích 1,1%, Meta (Facebook) tăng 3,25% sau khi một báo cáo vào Chủ nhật cho biết nền tảng truyền thông xã hội đang xây dựng một hệ thống AI mới, mạnh mẽ hơn.
Tâm lý lạc quan trên thị trường cũng được hỗ trợ bởi một báo cáo trên Wall Street Journal vào cuối tuần qua cho thấy, các quan chức Fed có thể đã nhất trí cao sẽ không nâng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.
Nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát quan trọng trong tuần, sau một loạt dữ liệu kinh tế mạnh hơn dự kiến hồi tuần trước đã làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể nâng lãi suất nhiều hơn so với dự báo trước đó.
Theo đó, trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm, Mỹ sẽ công bố hai chỉ số lạm phát quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng CPI và chỉ số giá sản xuất PPI của tháng 8.
“Thị trường đang lạc quan hơn vì tin rằng CPI và PPI sẽ phản ánh xu hướng dịu đi của lạm phát. Miễn là các số liệu lạm phát nằm trong khoảng dự báo, khả năng Fed tăng thêm lãi suất sẽ giảm xuống”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định.
Kết thúc phiên 11/9: Chỉ số Dow Jones tăng 87,13 điểm (+0,25%), lên 34.663,72 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 29,97 điểm (+0,67%), lên 4.487,46 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 156,37 điểm (+1,14%), lên 13.917,90 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm, khi có một báo cáo đánh dấu khả năng kết thúc sớm chính sách lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,43% xuống 32.467,76 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,06% lên 2.360,48 điểm.
Trong một bài viết trên tờ Yomiuri xuất bản cuối tuần qua, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương có thể chấm dứt chính sách lãi suất âm khi đạt được mục tiêu lạm phát 2%, báo hiệu khả năng tăng lãi suất sau đó.
“Tác động được phản ánh trực tiếp trên thị trường hôm nay, với cổ phiếu tài chính dẫn đầu đà tăng, trong khi cổ phiếu bất động sản bị nhấn chìm. Nhưng thị trường không rơi vào tình trạng bán tháo trên diện rộng khi nhóm cổ phiếu cơ bản tốt vẫn tăng”, Takehiko Masuzawa, người đứng đầu bộ phận giao dịch tại Phillip Securities Japan, cho biết.
Các chỉ số tài chính đều tăng, với ngành ngân hàng tăng 4,69%, bảo hiểm tăng 2,15% và môi giới tăng 1,21%.
Nhóm tài chính chiếm đa số trong danh sách 10 cổ phiếu tăng giá hàng đầu trên Nikkei 225, với Resona Holdings tăng 6,54%, Sumitomo Mitsui Financial Group tăng 5,34% và Mitsubishi UFJ Financial Group tăng 4,29%.
Lĩnh vực bất động sản là lĩnh vực hoạt động kém nhất với mức giảm 3,22%.
Chứng khoán Trung Quốc tăng, được thúc đẩy bởi kích thích mới của chính phủ và dữ liệu tín dụng được cải thiện.
Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 0,84% lên 3.142,78 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,74% lên 3.767,54 điểm.
Tín dụng cho vay ngân hàng mới ở Trung Quốc đã vượt kỳ vọng gần gấp bốn lần trong tháng 8 so với tháng 7. Trước đó vào thứ Bảy, dữ liệu của chính phủ cho thấy giá tiêu dùng đã trở lại vùng tích cực trong tháng Tám.
Thêm vào những tích cực với thị trường là nhà đầu tư được phép vay thêm tiền từ các công ty môi giới để mua cổ phiếu bằng cách sử dụng cùng một lượng tài sản thế chấp (tăng tỷ trọng margin), một động thái dự kiến sẽ bơm khoảng 400 tỷ nhân dân tệ (54,7 tỷ USD) vốn mới vào thị trường.
Cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc cho biết gần đây họ đã tổ chức một cuộc họp với các nhà đầu tư trong và ngoài nước bao gồm Temasek, Bridgewater và BlackRock để thảo luận về cách thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, dẫn đầu bởi cổ phiếu của Tập đoàn Alibaba, sau khi cựu Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Daniel Zhang Yong bất ngờ từ chức.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,58% xuống 18.096,45 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,25% xuống 6.298,72 điểm.
Các cổ phiếu công nghệ đều giảm với Alibaba Group giảm 3%, JD.com giảm 2,3% xuống mức thấp nhất mọi thời đại.
Các cổ phiếu bất động sản cũng lùi bước với mức giảm 1,8%, sau khi các dấu hiệu cho thấy doanh số bán bất động sản ở Trung Quốc vẫn chậm chạp bất chấp một loạt các biện pháp hỗ trợ, với Longfor Group dẫn đầu đà đi xuống khi mất 8,16%
Chứng khoán Hàn Quốc tăng, khi chỉ số giá tiêu dùng ở đối tác thương mại hàng đầu Trung Quốc trở lại vùng tích cực vào tháng trước, báo hiệu áp lực giảm phát giảm bớt.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 9,21 điểm, tương đương 0,36%, lên 2.556,89 điểm.
Kết thúc phiên 11/9: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 139,08 điểm (-0,43%), xuống 32.467,76 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 26,06 điểm (+0,84%), lên 3.142,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 105,62 điểm (-0,58%), xuống 18.096,45 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 9,20 điểm (+0,36%), lên 2.556,88 điểm.
Giá dầu Brent gần như đi ngang, duy trì mức giá hơn 90 USD/thùng đạt được vào tuần trước, mức cao trong 10 tháng sau quyết định cắt giảm sản lượng dầu thô gây sốc thị trường của Saudi Arabia và Nga.
Kết thúc phiên 11/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,22 USD/thùng (-0,24%), xuống 87,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD/thùng (-0,01%), xuống 90,64 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn