Tuần này, không ít mã chứng khoán mới sẽ xuất hiện trên sàn, kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho thị trường.
Hàng mới, gió mới
Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 8/1/2024, Công ty cổ phần Cấp nước Kon Tum (mã chứng khoán KTW) và Công ty cổ phần Đồng Tân (mã chứng khoán D17) chào sàn UPCoM, với giá tham chiếu lần lượt là 10.900 đồng/cổ phiếu và 22.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch của 2 doanh nghiệp này là 8,3 triệu đơn vị và 5,3 triệu đơn vị.
Ngày hôm sau, Công ty cổ phần Nước sạch Thái Bình và Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land) sẽ đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, với mã chứng khoán TBW và TAL, giá tham chiếu 15.200 đồng/cổ phiếu và 21.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch 9,9 triệu đơn vị của Nước sạch Thái Bình cao hơn Cấp nước Kon Tum và Đồng Tân, nhưng quy mô vẫn quá nhỏ, song Taseco Land gây chú ý với 297 triệu cổ phiếu.
Năm 2022, Taseco Land ghi nhận doanh thu 2.829 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 508,3 tỷ đồng, chi trả cổ tức tỷ lệ 12%; tổng tài sản đạt 7.842 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 3.783,2 tỷ đồng, lần lượt tăng 22% và 33% so với năm 2021.
Năm 2023, Taseco Land đặt mục tiêu đạt kết quả kinh doanh hợp nhất với doanh thu 3.418 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 641 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 26% so với mức thực hiện năm 2022, cổ tức dự kiến chia tỷ lệ 15%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt 688 tỷ đồng doanh thu, tăng 32,3%; lợi nhuận sau thuế 26,6 tỷ đồng, giảm 45,7% so với cùng kỳ năm 2022, do chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao.
Tính đến cuối tháng 9/2023, Taseco Land có tổng tài sản 10.060 tỷ đồng, trong đó tồn kho 4.380,2 tỷ đồng, tài sản dở dang dài hạn 1.971,4 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn 1.078,6 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn 1.050,6 tỷ đồng, tổng nợ vay 2.719,1 tỷ đồng (nợ vay ngắn hạn 1.260,5 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 1.458,6 tỷ đồng).
Một số dự án đầu tư trọng điểm của Taseco Land là dự án Khách sạn và căn hộ cao cấp À La Carte Halong Bay, dự án Khu nhà ở Riverview Lương Sơn – Hòa Bình, dự án Tòa nhà N01-T6 Khu ngoại giao đoàn, dự án Số 4 Khu đô thị trung tâm thành phố Thanh Hóa, dự án Khu tái định cư Nguyên Bình – thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, dự án Khu đô thị mới phía Nam Trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam…
Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo Taseco Land cho biết, Công ty nhất quán với chiến lược đầu tư kinh doanh tập trung, trọng điểm, trong đó các yếu tố quan trọng hàng đầu là đảm bảo tính pháp lý các dự án, lựa chọn vị trí, quy mô và lĩnh vực bất động sản hợp lý với chi phí đầu tư và sản phẩm tạo ra có giá trị. Công ty xác định không chạy theo số lượng quỹ đất, mà tập trung thực hiện các dự án phù hợp với nhu cầu của khách hàng tại các địa phương.
Trên sàn HOSE cũng sẽ có thêm các doanh nghiệp mới như Thủy điện Hủa Na, Chứng khoán Thành Công, Ngân hàng Nam Á, Cảng Quy Nhơn, Vietel Post…, phần lớn là các doanh nghiệp chuyển từ UPCoM sang.
Thông tư số 69/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2021/TT-BTC quy định lộ trình sắp xếp lại thị trường giao dịch cổ phiếu, thị trường giao dịch trái phiếu, thị trường giao dịch chứng khoán phái sinh và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác, có hiệu lực từ ngày 30/12/2023 đã thúc đẩy việc chuyển sàn của các doanh nghiệp trên UPCoM sang HOSE.
Theo Thông tư số 69/2023/TT-BTC, trước ngày 1/7/2025, HOSE tiếp tục nhận đăng ký niêm yết với tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng trở lên. Từ ngày 1/7/2025, HOSE tiếp nhận và xem xét hồ sơ đăng ký niêm yết, tổ chức giao dịch cổ phiếu mới của tổ chức đáp ứng điều kiện niêm yết quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Chậm nhất đến hết ngày 31/12/2025, HOSE hoàn thành việc tiếp nhận cổ phiếu của tổ chức niêm yết từ HNX.
Sau ngày 1/7/2025, HNX sẽ không nhận hồ sơ đăng ký niêm yết mới, mọi hoạt động niêm yết sẽ được chuyển về HOSE. Chậm nhất tới ngày 31/12/2025, HNX sẽ chuyển hết cổ phiếu niêm yết về HOSE và chậm nhất tới 31/12/2026, toàn bộ cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM sẽ được chuyển về HOSE.
Tại lễ khai trương phiên giao dịch đầu năm 2024, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp niêm yết huy động vốn qua thị trường chứng khoán, gắn phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với niêm yết và rút ngắn thời gian IPO cũng như thời gian niêm yết.
Thông điệp trên tạo ra kỳ vọng về một lượng hàng hóa mới bổ sung cho thị trường thứ cấp. Ngay cuối tháng 1 này, Công ty Chứng khoán Đại Nam dự kiến sẽ tiến hành IPO, với giá kỳ vọng gấp 3 lần mệnh giá.
Ưu tiên về chất
Ngoài cổ phiếu IPO, niêm yết mới, không ít doanh nghiệp trên sàn nhận giấy phép phát hành thêm.
Ngoài cổ phiếu IPO, niêm yết mới, không ít doanh nghiệp trên sàn nhận giấy phép phát hành thêm trong những ngày cuối năm 2023, qua đó bổ sung lượng hàng mới ra thị trường. Đây cũng là yếu tố được kỳ vọng sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu trong thời gian tới.
Trường hợp của Công ty cổ phần Container Việt Nam (Viconship, mã chứng khoán VSC) là một ví dụ. Ngày 29/12/2023, Viconship được cấp phép chào bán hơn 133 triệu cổ phiếu theo hình thức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu hiện hữu được mua 1 cổ phiếu phát hành thêm, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Theo phương án chào bán, tổng số tiền huy động được là 1.334 tỷ đồng, Viconship dự kiến dùng 1.320 tỷ đồng nhận chuyển nhượng thêm tối đa 44% vốn điều lệ tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ (đơn vị vận hành cảng Nam Hải Đình Vũ tại Hải Phòng) từ các thành viên góp vốn hiện hữu; còn lại 12,96 tỷ đồng sẽ bổ sung vốn điều lệ.
Trước đó, Viconship đã tiếp quản cảng Nam Hải Đình Vũ vào ngày 31/5/2023, sau khi nhận chuyển nhượng phần vốn góp từ Công ty cổ phần Gemadept.
Nam Hải Đình Vũ là cảng container, công suất thiết kế 500.000 TEU/năm, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, đưa vào khai thác từ năm 2014, hiện chiếm 10% thị phần khu vực cụm cảng Hải Phòng. Năm 2022, Công ty TNHH Nam Hải Đình Vũ đạt doanh thu xấp xỉ 700 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng.
Việc sở hữu cảng Nam Hải Đình Vũ giúp Viconship trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất khoảng 2,6 triệu TEU, tăng 36% so với năm 2022 và chiếm 30% thị phần trong khu vực. Tính tới 30/6/2023, Viconship sở hữu 35% vốn tại Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ và ghi nhận đầu tư vào công ty liên kết, giá trị đầu tư là 1.050 tỷ đồng.
Sau khi thông tin Viconship được cấp phép chào bán cổ phiếu nhằm thâu tóm Công ty TNHH Cảng Nam Hải Đình Vũ, giá cổ phiếu VSC đã bứt phá khỏi đường MA50, khối lượng giao dịch cũng tăng cao.
Trong quý I/2024, các doanh nghiệp dự kiến sẽ triển khai kế hoạch tăng vốn thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng bao gồm Công ty cổ phần Năng lượng và Bất động sản Trường Thành (mã chứng khoán TEG), Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG), Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí Đông Dương (mã chứng khoán PTT)…
Theo quy định, nếu doanh nghiệp không được phê duyệt hồ sơ chào bán trong năm 2023 sẽ phải đợi nộp bổ sung báo cáo tài chính kiểm toán vào tháng 4 năm sau. Do đó, doanh nghiệp đủ điều kiện đều cố gắng tăng tốc hoàn thiện hồ sơ để có giấy phép phát hành trong năm cũ.
Tuy số lượng doanh nghiệp được cấp phép phát hành thêm còn khiêm tốn, nhưng thị trường chứng khoán dần hồi phục đang mở ra cánh cửa huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn