Thời gian qua, một loạt doanh nghiệp đưa ra kế hoạch phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, từ đó thu về nguồn tiền mặt phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dòng vốn eo hẹp.
Nội dung chính
-
Ngân hàng dư tiền, doanh nghiệp vẫn ngại vay do áp lực chi phí lãi vay cao và điều kiện giải ngân khắt khe hơn từ các ngân hàng.
-
Thị trường chứng khoán có nhiều phiên phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai phương án phát hành cổ phiếu.
-
Loạt doanh nghiệp lên kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ, thu về nguồn tiền giải quyết những khó khăn hiện hữu.
Tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm chỉ đạt 4,6%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2022 (9,54%). Đặc biệt trong tháng 7, tín dụng giảm nhẹ so với tháng 6. Tại ngày 30/6, tổng nợ xấu của 28 ngân hàng tăng 33% so với đầu năm. Trong đó, 26/28 ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng.
Ngân hàng đối mặt với nguy cơ nợ xấu, thắt chặt các điều kiện cho vay khiến các doanh nghiệp ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn này. Tín dụng tăng chậm, nhưng chi phí lãi vay các doanh nghiệp vẫn tăng mạnh mẽ trong nửa năm vừa qua.
Theo dữ liệu từ báo cáo tài chính quý II/2023 của 1.026 doanh nghiệp do FiinPro cung cấp, các doanh nghiệp đã phải chi hơn 53.770 tỷ đồng lãi vay trong 2 quý đầu năm, tăng 47% so với cùng kỳ 2022.
Kể từ giữa tháng 8, thị trường chứng khoán đang có một chuỗi phiên tăng điểm liên tiếp, trở lại mốc 1.200 điểm. Thanh khoản thị trường được cải thiện trong khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng ở mức cao nhất 2 tháng vào 30/8.
Thị trường tăng điểm mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu trong giai đoạn tín dụng còn nhiều trắc trở.
VN-Index chứng kiến đà tăng trở lại trong 2 tuần gần đây.
Cổ phiếu “trà đá” chào bán giá cao
Sau vụ việc bán “chui” cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT, Công ty LDG (HoSE: LDG) sẽ chào bán 220 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp, cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thực tế, nếu nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu LDG hoàn toàn có thể giao dịch bằng hình thức khớp lệnh để nhận mức giá thấp hơn gần một nửa so với giá chào bán từ Công ty này. LDG hiện đang được giao dịch quanh mức 5.300 đồng/cp với hàng triệu cổ phiếu được sang tên mỗi phiên.
Dự kiến nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của LDG sẽ tăng từ gần 2.570 tỷ đồng lên tối đa gần 4.900 tỷ đồng. Số tiền thu về từ đợt chào bán riêng lẻ (dự kiến hơn 2.200 tỷ đồng) sẽ được dùng để đầu tư các dự án Khu du lịch Bãi Bụt – Sơn Trà, khu chung cư Lô C1 – Bình Nguyên; thực hiện mua cổ phiếu các công ty bất động sản; cơ cấu khoản nợ trái phiếu và nợ ngân hàng.
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, Chủ tịch LDG – ông Nguyễn Khánh Hưng tự tin với mục tiêu cổ phiếu LDG có thể vượt mệnh giá trong 3-6 tháng tới. Tuyên bố này được đưa ra sau khi ông Hưng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt hơn 500 triệu đồng vì “bán chui” cổ phiếu.
Với diễn biến giá cổ phiếu LDG cùng động thái bán ra của lãnh đạo công ty, việc chào bán riêng lẻ với giá cao của LDG sẽ gặp nhiều khó khăn.
Giá cổ phiếu LDG lao dốc sau thông tin Chủ tịch công ty bị phạt vì bán chui cổ phiếu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, Địa ốc Hoàng Quân đã thông qua phương án phát hành 100 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tài trợ cho dự án Golden City tại tỉnh Tây Ninh. Mức giá này cao hơn gấp đôi mức giá cổ phiếu HQC đang được giao dịch trên thị trường.
Nếu phương án này được các cơ quan chức năng thông qua và Hoàng Quân phát hành thành công, công ty có thể thu về 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, kế hoạch phát hành cổ phiếu vẫn chưa có thông tin gì mới trong khi giá cổ phiếu HQC vẫn đi ngang sát mức 4.300 đồng/cp – cách xa giá mục tiêu của công ty.
Suốt 1 năm qua, cổ phiếu HQC vẫn giao dịch dưới mức 5.000 đồng/cp.
Trong các kì ĐHĐCĐ thường niên, Địa ốc Hoàng Quân đã lên kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá. Tuy nhiên, do không đạt được mục tiêu kinh doanh 8 năm liên tiếp, cộng với nhiều vấn đề tồn đọng chưa giải quyết, kế hoạch này vẫn chưa thành hiện thực
Doanh nghiệp “nặng nợ” Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) cũng vừa có tờ trình để xin ý kiến bằng văn bản về việc chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ để huy động 1.300 tỷ đồng (giá chào bán 10.000 đồng/CP) từ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Kế hoạch chào bán của HAGL cũng gặp nhiều thách thức khi hiện tại cổ phiếu HAGL vẫn dưới 10.000 đồng/cp.
Trước đó, tháng 4/2023, HAGL đã chào bán 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.500 đồng/cp nhưng không thành công. Công ty lý giải do diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán không phù hợp với giá chào bán dự kiến, dẫn đến việc các nhà đầu tư từ chối mua.
Gần 1 năm qua, giá cổ phiếu HAG vẫn biến động dưới mức 10.000 đồng/cp.
Món hời cho nhà đầu tư?
Chứng khoán Nhất Việt liên tục được nhắc đến trong những ngày gần đây khi sở hữu mã chứng khoán VFS trùng với mã chứng khoán của hãng xe điện VinFast đang niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Mỹ – Nasdaq.
Chứng khoán Nhất Việt cũng là doanh nghiệp hiếm hoi chào bán cổ phiếu với mức giá thấp hơn giá giao dịch trên thị trường. Giá chào bán thấp mang lại lợi ích đáng kể cho nhà đầu tư mua vào trong đợt phát hành thêm nhờ việc mua rẻ.
Cụ thể, công ty vừa phát hành riêng lẻ gần 40 triệu cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư với mức giá 10.000 đồng/cp. Mức giá chào bán thấp hơn 65% giá đóng cửa phiên 31/8 là 29.000 đồng/cp. Mức giá chào bán thấp hơn đáng kể so với thị giá giúp Chứng khoán Nhất Việt nhanh chóng thành công trong phương án phát hành riêng lẻ.
Cũng trong tháng 8, Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã trình phương án phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ để cấn trừ nợ.
Cổ phiếu HBC đóng cửa phiên giao dịch 31/8 với mức giá 10.000 đồng/cp, thấp hơn 17% so với mức giá dự kiến chào bán của công ty. Nhà đầu tư mua cổ phiếu phát hành thêm của Hòa Bình vì vậy sẽ chịu thiệt đáng kể về giá do mua đắt. Tuy nhiên, việc mua cổ phiếu cấn trừ nợ cũng giúp họ xóa đi các khoản nợ khó đòi từ Hòa Bình, tránh phải trích lập chi phí dự phòng.
Nếu kế hoạch này có thể thực hiện, Xây dựng Hòa Bình sẽ xoá bỏ được khoản nợ hơn 1.280 tỷ đồng. Các chủ nợ mà Hòa Bình dự kiến phát hành để hoán đổi nợ chính là các nhà thầu phụ, nhà cung cấp và nhà sản xuất của Tập đoàn này.
Theo SGI Capital, lượng phát hành cổ phiếu của quý III sẽ tăng đột biến, gấp đôi của quý II. Giao dịch tập trung vào một số nhóm cổ phiếu bất động sản và chứng khoán sẽ tạo một vùng cung đủ lớn tiềm tàng rủi ro điều chỉnh cho những nhóm ngành đã tăng mạnh này.
Theo Cafef