Thường xuyên truy cập hocviendautu. để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư         Thường xuyên truy cập hocviendautu.edu.vn để cập nhật tin tức, bồi bổ kiến thức, kỹ năng toàn diện về đầu tư

Doanh nghiệp phân bón thi nhau báo lãi lớn

Các doanh nghiệp phân bón ghi nhận lợi nhuận gấp nhiều lần nhờ sản lượng tiêu thụ gia tăng trong khi giá bán vẫn thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê của Nhadautu.vn , nhiều doanh nghiệp phân bón công bố lợi nhuận quý III gấp nhiều lần nền thấp cùng kỳ năm trước.

Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (HNX: LAS) công bố BCTC quý III với doanh thu 811 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11% lên 13,8%. Chi phí bán hàng tăng từ 22 tỷ đồng lên 35,5 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt 28,7 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu tăng 19% lên 2.891 tỷ đồng và lợi nhuận tăng 41% lên 94,2 tỷ đồng. Công ty thực hiện được 92% mục tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tương tự, Công ty cổ phần Phân bón miền Nam (HoSE: SFG) công bố doanh thu quý III đạt 421 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước; song lợi nhuận sau thuế 19 tỷ đồng, gấp 8,3 lần quý III/2022.

Quý IV, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu tăng 59% lên 380 tỷ đồng và chuyển lỗ 10 tỷ đồng thành lãi 15 tỷ đồng.

Công ty con của Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) là Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí Đông Nam Bộ (HNX: PSE) ghi nhận doanh thu quý vừa qua giảm 10% xuống 932 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng tăng 85% lên 4,2 tỷ đồng. Nguyên nhân là nhờ khoản lãi khác 5,6 tỷ đồng, gấp 2,2 lần quý III/2022. Doanh nghiệp cho biết khoản thu nhập này là quà tặng vật phẩm khuyến mại từ công ty mẹ – Đạm Phú Mỹ.

9 tháng, PSE đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu, lãi ròng 10 tỷ đồng; lần lượt giảm 21% và 55% so với cùng kỳ năm trước. Công ty mới thực hiện khoảng 57% mục tiêu doanh thu và lãi sau thuế cả năm.

Phân bón Bình Điền (HoSE: BFC) thông báo tổng doanh thu tăng 18% lên 2.733 tỷ đồng, lãi trước thuế hợp nhất gấp 12,5 lần lên 86 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, doanh thu 6.447 tỷ đồng, giảm 5%; lãi 128 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, chủ thương hiệu phân bón Đầu Trâu thực hiện được 87% kế hoạch doanh thu và 59% kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm.

Doanh nghiệp phân bón thi nhau báo lãi lớn - Ảnh 1.

2 “ông lớn” ngành gồm Đạm Cà Mau (HoSE: DCM) và Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) chưa công bố BCTC quý III. Đa phần các công ty chứng khoán đều nhận định lợi nhuận sẽ cải thiện so với các quý nửa đầu năm nhờ giá urê phục hồi.

Sản lượng tiêu thụ tăng, xuất khẩu khởi sắc

Các doanh nghiệp phân bón báo lãi tăng mạnh quý III nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện. Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết sản lượng tiêu thụ trong quý tăng 43.319 tấn, tương đương tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, supe lân các loại tăng 17.338 tấn và NPK các loại tăng 25.931 tấn. Phân bón Bình Điền thông tin sản lượng tiêu thụ quý III ước đạt 191.691 tấn, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Giá nông sản các loại tăng mạnh cùng giá phân bón về mức hợp lý đã thúc đẩy nông dân canh tác, chăm bón trở lại. Đồng thời, xuất khẩu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, sản lượng phân bón xuất khẩu các loại có sự tăng trưởng trở lại so với cùng kỳ năm trước từ tháng 7. Cụ thể, xuất khẩu phân bón đạt 141.006 tấn trong tháng 7, tương đương 54 triệu USD, tăng 26% về lượng và giảm 27% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Qua tháng 8, xuất khẩu phân bón tiếp tục tăng lên 158.088 tấn, tương đương 59 triệu USD, lần lượt tăng 34% về lượng và giảm 16,5% về giá trị so với tháng 8/2022.

Về mặt giá bán, tại buổi họp thường kỳ tháng 9 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cho biết giá phân bón thời gian gần đây tăng nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cán cân cung cầu phân bón trong nước vẫn ổn định.

Theo ghi nhận của Nhadautu.vn , giá phân bón các loại gần như đi ngang trong quý III, biến động tăng khoảng 10.000 – 20.000 đồng/bao 25 kg. Giá phân urê Cà Mau và Phú Mỹ ở vùng 540.000 – 600.000 đồng/bao, phân DAP con ó Pháp 1 – 1,1 triệu đồng/bao, phân NPK 16-16-8 từ 750.000 – 850.000 đồng/bao tùy loại, lân Lâm Thao từ 230.000 – 280.000 đồng/bao.

Song, giá phân bón trong nước đang chịu áp lực tăng giá theo thế giới. Theo Bloomberg, giới quan sát lo ngại xung đột giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón trên toàn cầu. Cảng Ashdod của Israel ngay phía bắc Dải Gaza và là trung tâm xuất khẩu phân kali quan trọng của đất nước, đang trong tình trạng khẩn cấp. Hơn nữa, nếu Iran, một nhà xuất khẩu nitơ quan trọng trong khu vực, bị lôi kéo vào cuộc xung đột, giá phân bón có thể tăng vọt. Lý do là nguồn cung phân bón sẽ giảm và khí đốt tự nhiên châu Âu, một mặt hàng được sử dụng để sản xuất phân bón dựa trên nitơ (urê) tăng lên.

Thực tế, giá urê thế giới đã 44% kể từ đáy tháng 6. Không chỉ vì giá khí đốt tăng mà còn bởi vì Trung Quốc gần đây đã tạm dừng xuất khẩu sản phẩm này trong bối cảnh nhu cầu Ấn Độ tăng cao. Theo SSI Research, Ấn độ đang mở rộng diện tích trồng lúa để giải quyết tình trạng thiếu gạo khi điều kiện thời tiết không thuận lợi. Quốc gia này chiếm 17% tổng lượng urê xuất khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm. Do vậy, việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu sẽ hỗ trợ giá phục hồi đối với các doanh nghiệp sản xuất urê toàn cầu ngoài Trung Quốc.

Theo Cafef


CÔNG TY THÀNH VIÊN

© HOCVIENDAUTU.EDU.VN ALL RIGHTS RESERVED
GIAO DỊCH FOREX
GIAO DỊCH CRYPTO