Tính chung cổ phiếu dầu khí này đã tăng xấp xỉ 32% trong chưa đầy 1 tháng qua để leo lên mức cao nhất trong lịch sử niêm yết.
Đóng cửa phiên 20/9, cổ phiếu PVT của Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí (PV Trans) đã có cú bứt phá ngoạn mục khi tăng hết biên độ lên vượt 28.000 đồng/cp – vùng giá cao nhất kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Tính chung cổ phiếu dầu khí này đã tăng xấp xỉ 32% trong chưa đầy 1 tháng qua. Vốn hóa thị trường của PVT tương ứng có thêm hơn 2.200 tỷ đồng chỉ sau hơn hai tuần, đạt xấp xỉ 9.200 tỷ đồng. Con số này cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp cảng biển này niêm yết năm 2002.
Thực tế, đà tăng của PVT đồng pha với sự sôi động của nhóm cổ phiếu dầu khí trong vài tuần gần đây, nhiều mã leo lên mức đỉnh trong hàng chục tháng, PVS thậm chí lập đỉnh mới trong bối cảnh giá dầu thô thế giới liên tục neo cao do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt.
Doanh nghiệp sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam
PVTrans là công ty con của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và được thành lập năm 2002. PVTrans là đơn vị vận tải biển duy nhất của PVN sở hữu đội tàu chở dầu lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu thụ tiêu thụ dầu khí trong nước và quốc tế.
PVTrans nằm trong số hiếm hoi doanh nghiệp trên sàn duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận trong 10 năm liên tục. Tuy nhiên, lợi nhuận của PVTrans chỉ thực sự tăng tốc từ năm 2018 và từ đó đến nay luôn duy trì đều đặn trên 800 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PVT đều lập đỉnh, lần lượt đạt hơn 9.047 tỷ đồng và 1.456 tỷ đồng, tăng 21% về doanh thu và tăng hơn 40% về lợi nhuận so với năm 2021. Đây cũng năm đánh dấu lần đầu tiên PVT đạt lãi sau thuế vượt 1.000 tỷ đồng trong suốt quá trình hoạt động.
Dù ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá, song doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2023 khá khiêm tốn với doanh thu, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 6.800 tỷ đồng và 538 tỷ đồng, giảm 29% và giảm 53% so với cùng kỳ.
Sau 6 tháng, PVTrans đã vượt kế hoạch cả năm với lợi nhuận sau thuế gần 630 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu giúp doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận khả quan nhờ giá cước thuận lợi, đội tàu mở rộng cũng như lợi nhuận bất thường từ thanh lý tàu PVT Dragon và PVT Apollo Pacific,…
Theo tính toán của SSI Research, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của PVT trong năm 2023 đạt 9.487 tỷ đồng và 1.549 tỷ đồng, lần lượt tăng 5-6% so với cùng kỳ. Điều này có nghĩa là trong nửa cuối năm 2023, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế cốt lõi của PVT sẽ đạt 772 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.
Tiềm năng tăng trưởng mạnh nhờ kế hoạch mở rộng đội tàu và giá cước vận tải neo cao
Chiến lược để duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn cho PVT không thể không kể đến việc tích cực trẻ hóa đội tàu của doanh nghiệp với tổng vốn đầu tư ~8.000 tỷ đồng trong 5 năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2023, PVT vẫn tiếp tục chiến lược mở rộng đội tàu với việc đầu tư thêm 5 tàu chở nhiên liệu có tổng công suất trên 130.000 DWT (trong đó có 2 tàu được đầu tư theo hình thức thuê mua tàu trần) và 1 tàu VLGC (~55.000 DWT).
Hiện nay, PVT đang sở hữu và vận hành đội tàu gồm 45 tàu chở dầu thô, nhiên liệu/hóa chất, tàu chở hàng rời và tàu chở LPG với tổng công suất trên 1,2 triệu DWT. Do giá thuê định kỳ tàu chở dầu toàn cầu vẫn đang neo ở mức cao, PVT sẽ tiếp tục kiếm được mức giá cao hơn khi gia hạn hợp đồng cho thuê tàu, là tín hiệu tích cực đối với triển vọng của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2023 và xa hơn nữa.
Vào cuối năm 2023, PVT đặt mục tiêu đạt 63 tàu, so với con số 41 tàu vào cuối năm 2022. Đến năm 2025, PVT đặt mục tiêu mở rộng đội tàu lên mức 85 tàu (72 tàu mua và 13 tàu BBHP).
Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lợi nhuận cốt lõi của PVT (loại trừ LN khác từ việc thanh lý tàu cũ) sẽ tăng trưởng kép 13,5% trong năm 2023-24, được hỗ trợ bởi (1) môi trường giá cước thuê tàu cao và (2) công suất đội tàu lớn hơn (tăng trưởng kép 12,5% trong năm 2023-24).
Chứng khoán KBSV dự báo trong giai đoạn nửa cuối 2023 – 2024, nhu cầu vận tải dầu thô và dầu thành phẩm/hóa chất sẽ gia tăng do giá dầu neo cao kích thích hoạt động khai thác tại các khu vực ngoài OPEC+ và biên lọc dầu tăng cao sẽ thúc đẩy công suất hoạt động của các nhà máy lọc/hóa dầu trên thế giới.
Trong khi đó, nguồn cung đội tàu vận tải mảng dầu thô vẫn bị thắt chặt do nguồn cung tàu hạn hẹp. Điều này khiến giá cước vận tải dầu trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục neo cao trong thời gian tới và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải dầu khí như PV Trans.
Mặt khác, tại thị trường nội địa, PV Trans đã thỏa thuận thành công về việc tăng giá cước vận chuyển dầu thô cho Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR). Với thỏa thuận mới, ngoài việc giá cước điều chỉnh tăng theo giá nhiên liệu, PV Trans sẽ được hưởng lợi nhờ phần lợi nhuận đảm bảo tăng khoảng 10%, giúp cải thiện trực tiếp biên lợi nhuận gộp.
Mảng vận tải dầu thành phẩm/hóa chất nội địa của PV Trans được kỳ vọng sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay và cả năm 2024 do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) hoạt động với hiệu suất tốt hơn so với năm 2022.
Theo Cafef