Khác với những đợt sóng trước, dòng tiền vừa qua bắt đầu bùng nổ từ nhóm cổ phiếu nhỏ, sau đó chuyển nhanh sang nhóm vốn hóa trung bình, rồi mới đến các cổ phiếu vốn hóa lớn.
Băn khoăn chốt hay “gồng” lãi
Tuần qua, trên mạng xã hội, các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư “khoe” thành quả đầu tư, một số người chia sẻ “may hơn khôn” khi tài khoản tăng 30% sau 2 tuần giao dịch.
Vui mừng vì lãi cao, nhưng các nhà đầu tư cũng băn khoăn đặt câu hỏi, sự hưng phấn của thị trường có thể kéo dài trong bao lâu, sóng cổ phiếu liệu có tiếp tục được luân chuyển linh hoạt giữa các nhóm ngành?
Theo đó, có ý kiến cho rằng, khi đa số đều hưng phấn, hô hào mua vào, thì cũng là lúc nên dần hiện thực hóa khoản đầu tư. Nhưng cũng có quan điểm ngược lại, đó là nên cố gắng “gồng” lãi, bởi nếu bán sớm có thể sẽ mất hàng, tức mất cơ hội gia tăng lợi nhuận, hoặc rơi vào tình trạng “bán bò tậu ễnh ương”.
Nhìn chung, nhiều nhóm đầu tư có đánh giá tích cực về thị trường, đồng thuận về sóng tăng, một số phiên điều chỉnh được nhìn nhận là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục hiệu quả hơn, hoặc “làm vòng mới”, thậm chí mua mới.
Dòng tiền dự kiến tiếp tục tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu nhỏ, nhưng sẽ vào nhanh và ra nhanh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, anh Nguyễn Bình, một nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội nhận xét, tâm lý chung của thị trường khá tích cực, giao dịch sôi động và đa số cổ phiếu vươn lên nền giá cao hơn sau khi dao động tích lũy vài tháng trước đó. Trong nhịp tăng này, dòng tiền vận động nhanh, luân chuyển đều giữa các nhóm ngành như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Việc dòng tiền chuyển hướng từ nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa vào nhóm vốn hóa lớn đã thúc đẩy VN-Index bứt phá.
“Mặc dù vậy, nhà đầu tư nên dần hiện thực hóa lợi nhuận ở các cổ phiếu có giá tăng mạnh nhưng thanh khoản thấp để tránh nguy cơ không bán được khi giá điều chỉnh. Ngay cả cổ phiếu có thanh khoản cao thì cũng có rủi ro bị đánh úp, tức nhà đầu tư lớn xả hàng”, anh Bình chia sẻ.
Ở tâm thế lạc quan hơn, nhà đầu tư Trần Minh cho biết, anh vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao, nhưng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu nhỏ và tăng tỷ trọng nhóm vốn hóa lớn, tập trung vào ngành ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, xây dựng và vật liệu xây dựng, vận tải.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, sóng thị trường lần này có sự khác lạ so với các sóng trước, khi dòng tiền từ đầu sóng đến nay chủ yếu chảy vào cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, thay vì các mã vốn hóa lớn khởi tạo sóng tăng, đến cuối sóng thì các mã vốn hóa nhỏ và vừa mới “chạy”.
Vài phiên gần đây, dòng tiền mới dịch chuyển sang các mã vốn hóa lớn. Để các mã vốn hóa lớn tăng bền, đòi hỏi dòng tiền dồi dào. Nhiều khả năng, sóng nhóm này sẽ không kéo dài. Theo logic, khi sóng của các mã vốn hóa lớn kết thúc thì thị trường sẽ bước vào pha điều chỉnh.
Nhận diện cơ hội mới
Dòng tiền đã đảo qua hầu hết nhóm ngành có thông tin hỗ trợ trong giai đoạn vừa qua. Vì thế, ở thời điểm này, nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu nào đã tăng giá mạnh và chưa tăng giá mạnh để xem xét chốt lời hoặc giải ngân, hoặc tạm thời đứng ngoài, chờ nhịp điều chỉnh.
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam cho rằng, dòng tiền luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành, chủ yếu là dòng tiền ngắn hạn. Dòng tiền trung và dài hạn cũng có, nhưng ít và âm thầm, điểm tích cực là khá ổn định, mang tính bền vững. Các nhóm ngành đóng vai trò giữ nhịp thị trường sẽ nằm ở nhóm bluechips, nhất là ngân hàng.
Dòng tiền cũng sẽ tiếp tục tìm cơ hội ở nhóm cổ phiếu nhỏ, nhưng dự kiến vào nhanh và ra nhanh. Một số nhóm cổ phiếu giữ được sự ổn định là bất động sản, đầu tư công, khu công nghiệp, chứng khoán. Sắp tới, có thể kỳ vọng nhóm ngành thép, bán lẻ, dầu khí, điện sẽ tạo ra các nhịp sóng nhỏ.
“Điều quan trọng là nhà đầu tư cần tập trung vào các nhóm ngành nổi bật và phân bổ đều để tận dụng các nhịp sóng của thị trường”, ông Khanh khuyến nghị
Trong khi đó, nhìn từ đồ thị chỉ số ngành, ông Nguyễn Việt Quang cho hay, 2 ngành đang tích lũy với khối lượng giao dịch dần siết lại đó là xây dựng và sản xuất – kinh doanh.
Một cổ phiếu đáng quan tâm đầu tư trong ngành xây dựng là CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, bởi triển vọng lợi nhuận phục hồi với khả năng hoàn nhập các khoản dự phòng mạnh tay trong giai đoạn 2020 – 2022, trong khi giá vật liệu xây dựng duy trì ở mức thấp.
Nhóm cổ phiếu xây dựng hạ tầng có yếu tố hỗ trợ là quyết tâm đẩy mạnh tốc độ giải ngân đầu tư công từ nay cho đến cuối năm 2023 (ước tính đến hết tháng 5 mới đạt 20,8% kế hoạch năm).
Trong ngành hàng không, tình hình hoạt động của Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) đang được cải thiện khi sản lượng khách đi qua các cảng hàng không tăng mạnh.
Bên cạnh yếu tố nhóm ngành hay doanh nghiệp cụ thể, nhà đầu tư cần lưu ý một số sự kiện có thể tác động đến diễn biến của thị trường chứng khoán trong tháng 6 này như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố quyết định về lãi suất điều hành ngày 15/6, Quỹ VanEck và FTSE cơ cấu danh mục ngày 16/6, các dữ liệu vĩ mô trong nước cũng như cập nhật kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hiện tại, thị trường đã thiết lập mặt bằng giá mới nên những nhóm ngành đã tăng nóng thời gian vừa qua có khả năng sẽ tăng chậm lại, hoặc xuất hiện tình trạng phân phối (lượng bán gia tăng), nhường lại cho các nhóm ngành chưa tăng nhiều.
Nhìn từ góc độ vĩ mô và dòng tiền, nhóm cổ phiếu chứng khoán đang có điều kiện thuận lợi để cải thiện kết quả kinh doanh. Yếu tố đầu tiên là giá trị giao dịch duy trì ở vùng đỉnh mới của năm 2023, dự kiến tiếp tục ghi nhận thanh khoản ở mức cao, qua đó cải thiện hiệu quả hoạt động mảng môi giới và cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Hoạt động tự doanh cũng có cơ hội cải thiện khi dòng tiền quay trở lại thị trường giúp giá nhiều cổ phiếu có diễn biến tăng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn