Lãi suất hạ được xem là yếu tố kỳ vọng dòng tiền có thể chảy vào kênh chứng khoán. Mặc dù thanh khoản đã nhích lên theo từng phiên, từng tuần, nhưng vẫn cần thêm thời gian để hút dòng vốn trở lại thị trường bền vững.
Tiền đi trước là tiền khôn
Trong nhóm chat do ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS) lập ra, chuyên gia này đã khuyến nghị nhà đầu tư mua vào từ những ngày cuối tháng 5 trên quan điểm “dòng tiền còn nhảy múa, thị trường diễn tiến còn chậm nhưng có vẻ mọi người đã bắt đầu cảm thấy sự ấm lên của thị trường, vì thế, ai chấp nhận rủi ro hơn, tham gia trước sẽ hưởng thành quả trước”.
Rất nhiều nhà đầu tư đã giải ngân lại trong nửa cuối tháng 5 với lý do, thị trường bớt rủi ro, ít tin xấu, chỉ chờ đợi chính sách hỗ trợ thẩm thấu đến doanh nghiệp.
Tính đến cuối tháng 5, chỉ số VN-Index ghi nhận tăng hơn 2,7% so với đầu tháng và ghi nhận mức tăng hơn 7% kể từ đầu năm. Trong tháng 5, giá trị giao dịch bình quân ba sàn chứng khoán đã tăng 4,7% so với tháng trước, lên mức 13.905 tỷ đồng/ngày.
Thanh khoản cải thiện tháng thứ hai liên tiếp do dòng tiền của nhà đầu tư trong nước bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán khi niềm tin được cải thiện nhờ hàng loạt chính sách gỡ khó cho cộng đồng doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được ban hành cùng với việc lãi suất hạ nhiệt, giúp giảm chi phí cơ hội, chi phí vốn khi đầu tư chứng khoán. Bên cạnh đó, dòng tiền từ thị trường phái sinh cũng đang đổ ngược lại thị trường chứng khoán cơ sở.
Vận động của chỉ số và dòng tiền hiện tại là giai đoạn tích lũy cần thiết cho đợt vận động xác lập xu hướng và tăng trưởng thanh khoản sau này.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)
Thống kê cho thấy, bình quân từ tháng 1 tới giữa tháng 3/2023, khối lượng hợp đồng phái sinh khoảng 300.000 hợp đồng/phiên, nhưng từ khoảng tháng 4 tới nay, bình quân khoảng 159.000 hợp đồng/phiên.
Thanh khoản tăng rõ nét trong những phiên gần đây. Ngày 29/5/2023, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 13.783 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 16.266,1 tỷ đồng, tăng 22,6% so với phiên liền trước, tăng 20% so với 20 phiên trước đó. Ngày 30/5, giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 16.419 tỷ đồng, giá trị giao dịch toàn thị trường tính cả 3 sàn đạt 19.376,9 tỷ đồng, tăng 19,1% so với phiên liền trước, tăng 41,4% so với 20 phiên gần đây.
Đây là những phiên nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ tăng trần liên tiếp. Dòng tiền sau đó đã chuyển sang cổ phiếu doanh nghiệp quy mô lớn hơn để đảm bảo không mất cơ hội và an toàn. Nhờ thế nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Sau một thời gian dài, thị trường mới chứng kiến phiên giao dịch có thanh khoản trên 18.000 tỷ đồng trên sàn HOSE trong phiên 2/6.
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng bộ phận Phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, lãi suất giảm là yếu tố hỗ trợ quan trọng đẩy nhanh quá trình tạo đáy của thị trường chứng khoán sau chu kỳ đi xuống. Lãi suất giảm sẽ phần nào thu hút lại nhà đầu tư, qua đó cải thiện thanh khoản chung của thị trường. Tuy vậy, giá trị giao dịch bình quân phiên cũng chỉ tăng từ 2 – 3% qua từng tuần. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước xu hướng thị trường không rõ rệt và hoạt động bán ròng mạnh từ khối ngoại. Chỉ tính trong tháng 5/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 3.078 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh nhóm này bán ròng 3.768 tỷ đồng.
Dòng tiền đang luân chuyển nhanh qua các ngành và tập trung vào lớp cổ phiếu vừa và nhỏ, giúp nhóm này giao dịch sôi động, tăng giá mạnh, trong khi dòng vốn hóa lớn như ngân hàng chuyển động chậm hơn, hay các cổ phiếu trụ như VNM, GAS, hay “họ” cổ phiếu Vingroup, MSN… vẫn “nằm im”.
Do vậy, dù giao dịch sôi động ở một số nhóm nhưng bản chất thị trường chưa thể bứt phá. Yếu tố cơ bản chưa đủ mạnh, chưa đủ yếu tố tích cực nên dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài. Đồng thời, xu hướng đầu tư này làm tăng khối lượng giao dịch nhưng không cải thiện đáng kể giá trị giao dịch. Vận động của dòng tiền theo BSC là khá hợp lý trong bối cảnh xu hướng chưa xác lập rõ ràng, trong khi tâm lý và dòng tiền chưa có sự đồng thuận trong ngắn hạn.
“Chu kỳ hồi phục của thị trường được hỗ trợ bởi chu kỳ giảm lãi suất có tính bền vững hơn so các yếu tố khác. Các đợt hạ lãi suất cần có thời gian từ 3 – 6 tháng để phản ánh đầy đủ vận động của thị trường. Do vậy, vận động của chỉ số và dòng tiền hiện tại là giai đoạn tích lũy cần thiết cho đợt vận động xác lập xu hướng và tăng trưởng thanh khoản sau này”, ông Khoa cho biết.
Dù chậm, chu kỳ tăng sẽ trở lại
Sau một thời gian dài, sàn HOSE mới chứng kiến một phiên giao dịch có giá trị khớp lệnh trên 18.000 tỷ đồng. |
Nhìn vào yếu tố kỹ thuật, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, Công ty Chứng khoán DSC cho rằng, thị trường hiện tại vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi xu hướng đi ngang. Nếu VN-Index vượt vùng 1.080 điểm, thị trường diễn biến tương tự như thời gian qua, nhưng với biên độ cao hơn. Độ rộng thị trường đã được cải thiện rất tốt. Hiện đã có khoảng 60% cổ phiếu trên HOSE thoát khỏi xu hướng giảm dài hạn (vượt lên MA200), cấu trúc thị trường đã được cải thiện.
Trong hơn 1 tháng, tỷ lệ cổ phiếu vượt mốc cản MA50 tăng mạnh, từ 38,9% lên tới 68%. Tỷ lệ cổ phiếu vượt mốc cản trung hạn MA200 cũng tăng đáng kể, từ 27,6% lên tới 49,8%. Tỷ lệ cổ phiếu vượt cản trung hạn tăng cho thấy thị trường đang vận động theo xu hướng tích cực. Điều này cũng cho thấy áp lực bán đã giảm và dòng tiền đang trở lại với thị trường (tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ).
“Cả thông điệp chính sách và tín hiệu thị trường đều cho thấy rủi ro đã giảm đi đáng kể và cơ hội xuất hiện nhiều hơn. Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế xấu, tiềm ẩn nhiều biến cố bất ngờ, nhà đầu tư lúc nào cũng cần chuẩn bị tâm thế cũng như sức mua để đương đầu”, ông Huy lưu ý.
Còn theo ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, quá khứ đã cho thấy nhiều trường hợp chỉ số vượt kháng cự xong thì đảo chiều giảm, nên nhà đầu tư cần cẩn thận theo dõi thị trường. Nếu nhà đầu tư mua giá cao thì có thể bị lỗ trong ngắn hạn.
Cũng theo ông Phương, nhà đầu tư không nên đặt nặng chỉ số VN-Index, mà nên theo dõi cổ phiếu hưởng lợi các ngành tới như đầu tư công, bất động sản khu công nghiệp, hay liên quan điện gió, điện mặt trời, năng lượng tái tạo…, hay các ngành dự báo sẽ hồi phục như may mặc, dầu khí, bất động sản dân dụng. Nhà đầu tư cũng nên lập chiến lược cho danh mục của mình, theo từng nhóm ngành hưởng lợi, bởi dòng tiền sẽ chảy lần lượt qua các ngành này.
Chọn chiến lược
Diễn biến thị trường cho thấy, dù xác lập xu hướng tăng hay không thì cơ hội kiếm tiền trên thị trường chứng khoán đã quay trở lại sau giai đoạn giảm kéo dài.
Ông Phương cho rằng, đây là giai đoạn có thể tích lũy dần cổ phiếu tốt để chờ đợi sự hồi phục của thị trường, khi mà những gì xấu nhất của nền kinh tế đã đi qua. Dĩ nhiên, theo chuyên gia này, vẫn còn những e ngại nhất định về áp lực đáo hạn trái phiếu, mặt bằng lãi suất cao và khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp…
Ông Bùi Nguyên Khoa thì cho rằng, chu kỳ thị trường chứng khoán luôn đi trước chu kỳ vĩ mô nên chính tâm lý nghi ngờ là dư địa cho thị trường và thanh khoản dần cải thiện. Nhà đầu tư có thể canh mua ở những nhịp điều chỉnh ngắn hạn để có thể đón một chu kỳ tăng điểm đồng hành với chu kỳ hạ lãi suất. Cơ hội thị trường đã tăng dần khi diễn biến các chỉ số ổn định và dòng tiền luân chuyển nhanh qua các lớp cổ phiếu. Cơ hội lớn dần thì dòng tiền mới sẽ dần chuyển dịch vào chứng khoán.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị với nhóm cổ phiếu penny và midcap. Theo đó, do các nhóm cổ phiếu này đã qua một nhịp tăng mạnh, nhà đầu tư chỉ nên giải ngân tại các cổ phiếu có động lượng tốt, ưu tiên các cổ phiếu có đường EMA cao dần (EMA 9 > EMA 13 > EMA 50 > EMA 200). Trong khi với nhóm bluechips, khuyến nghị của chuyên gia vẫn là ưu tiên nắm giữ trong trung và dài hạn.
Theo Công ty Chứng khoán DSC, với những tài khoản lớn, giao dịch ngắn hạn có thể không phải lựa chọn tốt do không thể “đánh nhanh, thắng nhanh” theo các nhịp chạy của thị trường. Thị trường đi ngang hiện tại là cơ hội để nhà đầu tư giải ngân vào các cổ phiếu tốt, có định giá rẻ để đón nhịp phục hồi trong trung hạn (thời hạn nắm giữ ít nhất 3 tháng). Một số mã cổ phiếu bluechips được khuyến nghị như STB, ACB, VPB, SSI, VND, VRE…
Trong khi đó, theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, ở giai đoạn hiện tại, cán cân rủi ro và cơ hội của thị trường chứng khoán trong nước đang dần nghiêng về hướng cơ hội. Những tín hiệu tích cực sẽ tiếp tục duy trì và chỉ số VN-Index có thể bứt phá qua vùng kháng cự mạnh 1.100 điểm để hướng tới các cột mốc cao hơn trong tháng 6.
“Về mặt chiến lược, nhà đầu tư có thể tận dụng các phiên điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu, ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như chứng khoán, ngân hàng, đầu tư công, hạ tầng năng lượng điện”, ông Hinh khuyến nghị.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam
Dòng tiền cá nhân và tổ chức đang bị “kẹp” ở các kênh tài sản như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… nên dòng tiền lớn chưa đổ mạnh vào thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II/2023 của các doanh nghiệp dự báo không mấy sáng sủa, đặc biệt là báo cáo tài chính sẽ soát xét nên sẽ phản ánh bức tranh chân thực hơn về sức khỏe doanh nghiệp. Đặc biệt, từ tháng 6 trở đi, con số đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lớn, mỗi tháng ước tính đáo hạn 40.000 – 50.000 tỷ đồng, trong đó có nhiều trái phiếu có tài sản thế chấp bằng cổ phiếu, cũng tạo áp lực cho thị trường. Nhiều tổ chức phát hành đang tích cực gửi thư mời tới các trái chủ để thỏa thuận việc gia hạn thời gian trả nợ gốc, lãi.
Nói đến uptrend thì phải chờ thêm câu chuyện dòng tiền lớn vào các cổ phiếu lớn, kéo chỉ số mới có thể tạo sóng lớn. Còn dòng tiền hiện nay là dòng tiền đầu cơ ngắn hạn tham gia khi nhìn thấy những rủi ro đã giảm đi khá nhiều, rủi ro giảm mạnh không cao, nền tảng vĩ mô cũng đang ổn định dần. Nhiều cổ phiếu nhỏ có kết quả kinh doanh tốt tăng thì bình thường, nhưng rõ ràng, có nhiều cổ phiếu chất lượng kém (thuộc doanh nghiệp thua lỗ) vẫn được đánh sóng lên rất mạnh.
Dòng tiền lớn vẫn chờ đợi các chính sách vĩ mô đi vào nền kinh tế, thẩm thấu tốt hơn. Lãi suất cho vay giảm chậm, room tín dụng vẫn đang bị kiểm soát, giới hạn, ngân hàng chỉ cần đảo nợ cho khách hàng thôi cũng đã hết room. Hoặc đầu tư công được kỳ vọng nhất thì cả triệu tỷ đồng vẫn đang “nằm im”, nếu khơi thông được thì nền kinh tế mới cải thiện được.
Đây là đoạn mà nền giá của cổ phiếu tốt, bluechip đang ở mức thấp, dòng tiền đầu cơ sẽ dần dần chuyển từ penny, midcap sang những cổ phiếu có tính cơ bản cao hơn, đặc biệt khi tín hiệu cải thiện nền kinh tế có thể rõ ràng hơn từ quý III.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Agriseco
Thời điểm này, tôi nhận thấy xu hướng chủ đạo của dòng tiền là luân chuyển liên tục giữa các nhóm ngành. Mặc dù vậy, thanh khoản thị trường đang có sự gia tăng và đi kèm với mức điểm số nhìn chung duy trì xu hướng đi lên, cho thấy một phần lực cầu có xu hướng quay lại thị trường.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý giai đoạn tháng 10 – 12/2022 cũng là thời điểm người dân chuyển kênh đầu tư sang kênh tiền gửi tiết kiệm nhiều nhất (từ 11,43 – 11,82 triệu tỷ đồng/tháng) trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng dần (từ 6,5%/năm lên khoảng 7 – 7,5%/năm và hiện tại là thời điểm đáo hạn của các khoản tiền gửi 6 tháng. Tôi kỳ vọng trong tháng 6 này, dòng tiền quay lại thị trường sẽ gia tăng và tập trung vào các doanh nghiệp có triển vọng kết quả kinh doanh khả quan.
Về mặt kỹ thuật, với việc chỉ số xác nhận đỉnh sau cao hơn đỉnh trước, đáy sau cao hơn đáy trước, một xu hướng tăng ngắn hạn đã được thiết lập. Thêm vào đó, điểm số của VN-Index cũng đang nằm trên các đường hỗ trợ quan trọng (MA20, MA50, MA100), cho thấy xu hướng trong trung hạn cũng đang ở trạng thái tăng giá.
Để nói xu hướng tăng có thực sự bền vững hay không, theo tôi, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, song quan trọng nhất vẫn là sự phục hồi trong kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Vì vậy, thời điểm này vẫn là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh kỳ vọng phục hồi nhờ hưởng lợi từ các chính sách vĩ mô. Một số ngành nghề mà nhà đầu tư có thể lưu ý là bất động sản, xây dựng – vật liệu, chứng khoán.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF)
Xu hướng hạ lãi suất cùng các chính sách từ Chính phủ là chất xúc tác hỗ trợ cho nhịp tăng vừa qua. Dù vậy, qua thực tế từ Quỹ VCBF, dòng tiền vào vẫn có phần dè dặt, bởi các nhà đầu tư vẫn có tâm lý nghe ngóng và chờ đợi thêm.
Tôi vẫn cho rằng, đây là giai đoạn tốt để tích lũy cổ phiếu. Dẫu nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng từ nền kinh tế thế giới, kinh tế Mỹ, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu giảm…, các doanh nghiệp trong nước cần thêm thời gian để phục hồi sức khoẻ, nhưng thị trường chứng khoán thường đi trước diễn biến thực của nền kinh tế.
Dự báo lãi suất huy động có thể sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới, lợi nhuận toàn thị trường có thể phục hồi vào giai đoạn cuối năm, kỳ vọng thị trường có thể được định giá lại ở mức cao hơn. Nếu chờ các tín hiệu nền kinh tế hồi phục rõ ràng thì mặt bằng giá cổ phiếu khi đó đã tăng, cơ hội mua cổ phiếu giá tốt sẽ khó khăn hơn.
Nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng hoặc được hưởng lợi từ chính sách và xu hướng lãi suất giảm trong thời gian tới như nhóm chứng khoán, ngân hàng, hạ tầng năng lượng…
Theo tinnhanhchungkhoan.vn