Văn bản vừa qua của Bộ Công thương về việc thúc đẩy triển khai chuỗi dự án dầu khí Lô B – Ô Môn là “chất xúc tác” khiến nhóm cổ phiếu dầu khí hấp dẫn nhà đầu tư.
Kỳ vọng nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ “làm nên chuyện”
Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu dầu khí thu hút dòng tiền, nhất là các mã PVD, PVS, PVT, nhờ thông tin Bộ Công thương gửi công văn đến các doanh nghiệp dầu khí thúc đẩy tiến độ triển khai chuỗi dự án khí – điện Lô B, mở ra kỳ vọng về giai đoạn tăng trưởng mới của ngành dầu khí.
Trong đó, Bộ Công thương yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các bên nước ngoài và chủ đầu tư các nhà máy điện Ô Môn, thống nhất và ký kết các thảo thuận thương mại (GSPA, GSA, PPA) để có quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong tháng 3/2024, từ đó đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thượng nguồn, bỏ mục tiêu đón dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026.
Bộ Công thương cũng yêu cầu chủ đầu tư dự án ống dẫn khí (trung nguồn) thúc đẩy các công việc dự án, bảo đảm đồng bộ với tiến độ dự án thượng nguồn. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Phát điện 2 – CTCP và Công ty TNHH Điện Ô Môn II sớm hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư các nhà máy điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn để triển khai đầu tư xây dựng, đảm bảo đồng bộ với tiến độ của các dự án thượng nguồn và trung nguồn.
Theo đánh giá của giới phân tích, nếu dự án Lô B – Ô Môn được triển khai đúng tiến độ sẽ mở ra triển vọng lớn cho các nhóm cổ phiếu dầu khí.
Trong nhiều hội nhóm (group) chứng khoán, các môi giới khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu dầu khí. Trưởng một group thông báo: “VN-Index đang điều chỉnh để tăng. Mục tiêu đạt 1.300 – 1.350 điểm không đổi. Group mình nắm giữ cổ phiếu tốt để đợi tăng cho đến khi đạt đủ biên lợi nhuận gộp. Các nhóm nắm giữ trong tuần này có dầu khí…”. Trong một group khác có thông tin: “Nhóm dầu khí đang có câu chuyện kỳ vọng, khối lượng giao dịch gia tăng nên ngoài giá dầu giảm hay thị trường điều chỉnh mạnh, nhóm này rất khó bị đẩy xuống thấp. Nhưng khẳng định, giá dầu sẽ không giảm”.
Nhìn chung, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, nhóm cổ phiếu dầu khí sẽ “làm nên chuyện” trong năm 2024. Thực tế, dòng tiền dần tìm đến nhóm này sau vài tháng qua “sóng yên biển lặng”. Hiện tại, giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đối tác duy trì cắt giảm sản lượng, đẩy thị trường dầu vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung, trong khi một số nhà máy lọc dầu và cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Nga không tránh khỏi thiệt hại trong cuộc xung đột với Ukraine.
Tâm điểm PTSC và PV Drilling
Dự án Lô B – Ô Môn là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiết để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt.
Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong năm 2024, giá dầu khó tăng mạnh, nhưng dự án Lô B – Ô Môn vẫn sẽ là động lực chính của ngành dầu khí với tính chất khá cấp thiết để bù đắp cho các mỏ khí nội địa đang dần cạn kiệt. Các tin tức cập nhật về dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu ngành dầu khí, đặc biệt là các công ty thượng nguồn.
Các doanh nghiệp thượng nguồn dầu khí là nhóm đầu tiên được hưởng lợi khi dự án Lô B chính thức được khởi động, trong đó Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán PVS) và Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán PVD) là tâm điểm.
PTSC đã trúng các gói thầu EPCI#1, 2, 3 của dự án Lô B với tổng giá trị 1,2 tỷ USD. Về gói thầu EPCI#1 (thiết kế, xây dựng, lắp đặt cụm giàn công nghệ trung tâm và giàn nhà ở cho dự án phát triển mỏ Lô B), giá trị hợp đồng cho PTSC là 493 triệu USD (tương đương 11.800 tỷ đồng), doanh nghiệp này và đối tác McDermott Asia Pacific Sdn. Bhd. đã hoàn thành 15% tiến độ theo thư thỏa thuận giới hạn (LLOA) của các gói thầu thuộc chuỗi dự án Lô B – Ô Môn.
PTSC đang tham gia 2 gói thầu khác của Lô B – Ô Môn gồm gói thầu đường ống biển trị giá 400 triệu USD (EPCI#4) và gói thầu cho thuê kho nổi chứa dầu khí (FSO). Với năng lực và kinh nghiệm của PTSC, các cổ đông mong chờ thông tin Công ty sẽ trúng các gói thầu này.
Trên sàn chứng khoán, các quỹ đầu tư của VinaCapital gần đây mua thêm cổ phiếu PVS sau khi đánh giá về tiềm năng của doanh nghiệp. Trong đó, Quỹ đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường VinaCapital đã mua 400.000 cổ phiếu PVS, nâng khối lượng sở hữu lên 2,09 triệu đơn vị; Quỹ đầu tư cổ phiếu kinh tế hiện đại VinaCapital sau vài đợt mua cổ phiếu PVS đã nâng khối lượng nắm giữ lên 127.000 đơn vị; Công ty Quản lý quỹ VinaCapital đăng ký mua thêm 150.000 cổ phiếu PVS (hiện sở hữu 117.000 cổ phiếu).
Đối với PV Drilling, trong phiên giao dịch ngày 14/3/2024, thị trường chung giảm điểm, nhưng cổ phiếu PVD bứt phá lên đỉnh 9 năm qua, đạt 32.900 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh hơn 16,3 triệu đơn vị. Thị trường đánh giá, cả cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của PV Drilling đang quay lại thời kỳ “hoàng kim” khi thị trường dầu khí toàn cầu đối mặt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung giàn khoan, giúp giá thuê giàn khoan lập kỷ lục mới.
Thị trường giàn khoan tự nâng trên toàn cầu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung, đẩy giá thuê giàn khoan lên cao nhất hơn 10 năm qua, kỳ vọng mang lại kết quả kinh doanh khả quan cho các doanh nghiệp dịch vụ khoan như PV Drilling.
Hiện tại, toàn bộ 6 giàn khoan của PV Drilling đã có việc làm trong cả giai đoạn 2024 – 2025. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, các hợp đồng cho thuê giàn đã có lịch trình khoan năm 2024 và một số giàn đã có hợp đồng đến năm 2025, sẽ giúp PV Drilling tiết giảm chi phí hoạt động và cải thiện biên lợi nhuận gộp. Công ty dự kiến đầu tư thêm giàn khoan trong thời gian tới, giúp tăng khối lượng công việc, nhất là khi dự án Lô B chính thức hoạt động.
Công ty Chứng khoán Vietcombank kỳ vọng, chiến dịch khoan của các nhà thầu dầu khí sôi động trong năm 2024 sẽ giúp mảng dịch vụ giếng khoan hoạt động ổn định và xuyên suốt, đồng thời triển khai dịch vụ này sang nước ngoài nhằm mở rộng hoạt động.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn