Bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc tự doanh Chứng khoán DNSE đã có những chia sẻ cùng Báo Đầu tư Chứng khoán về cách phân biệt các thông tin tác động đến giá cổ phiếu và giải pháp để nhà đầu tư tránh bị “thao túng tâm lý”.
Theo kinh nghiệm của bà, nếu phân ra hai nhóm là tin hỗ trợ tăng giá cổ phiếu và tin làm giảm giá cổ phiếu, thì đâu là dấu hiệu nhận biết? Đâu là mô típ chung cho hai trường hợp này?
Trong thời đại số ngày nay, thông tin trên thị trường có thể được nhà đầu tư tiếp cận một cách dễ dàng từ nhiều nguồn khác nhau như các trang báo, mạng xã hội cho đến các diễn đàn, hội nhóm. Mặc dù vai trò chính của thông tin là truyền tải những diễn biến, sự kiện mới về ngành, doanh nghiệp, vĩ mô, thị trường… đến nhà đầu tư, song không thể phủ nhận có những thông tin thường tác động lớn đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đối với những loại thông tin này chúng ta có thể chia ra làm 2 loại: tin hỗ trợ tăng giá cổ phiếu và tin hỗ trợ làm giảm giá cổ phiếu.
Để phân biệt được thông tin tác động đến giá cổ phiếu như thế nào thì trước hết chúng ta cần phân loại thông tin là định kỳ hay bất thường. Thông tin định kỳ là những thông tin công bố theo một tần suất nhất định, ví dụ kết quả kinh doanh hàng tháng, hàng quý của ngành, doanh nghiệp hay cập nhật vĩ mô hàng tháng… Mấu chốt để loại thông tin này tác động đến giá cổ phiếu đó là dựa trên thực tế và kỳ vọng của nhà đầu tư.
Nếu thông tin đưa ra vượt so với kỳ vọng của thị trường, điều này sẽ tác động tích cực đến giá cổ phiếu. Ngược lại, thông tin đưa ra thấp hơn so với kỳ vọng có thể tác động tiêu cực đến diễn biến giá.
Ví dụ một doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng mỗi quý chỉ 10 – 20% thì thông tin về kết quả kinh doanh mới nhất của công ty đạt 3 chữ số có thể xem là vượt kỳ vọng của nhà đầu tư, khi đó chắc chắn sẽ có tác động lớn đến giá cổ phiếu. Ngược lại, trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của ngành được cải thiện nhưng thông tin của doanh nghiệp lại cho một kết quả kém khả quan sẽ ảnh hướng xấu đến giá cổ phiếu.
Loại thông tin thứ hai là thông tin bất thường, những thông tin này thường tác động đến giá cổ phiếu khi chúng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ, thông tin về giá đường tăng mạnh sẽ giúp cho đầu ra của ngành đường có giá bán cao hơn, từ đó tác động đến lợi nhuận và giá cổ phiếu.
Do vậy, yếu tố tiên quyết để biết được những thông tin này tác động như thế nào đến cổ phiếu thì chúng ta cần phải nắm rõ về mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể, chúng ta cần nắm rõ về đầu vào, đầu ra, các mảng kinh doanh… của doanh nghiệp là gì để từ đó đánh giá được tác động thực của thông tin.
Vậy trước các thông tin, nhà đầu tư nên giữ tâm thế nào để không bị “thao túng tâm lý”?
Chính vì nguồn thông tin đa dạng và dễ dàng tiếp cận nên nếu chúng ta không cẩn trọng rất dễ bị rơi vào tình trạng nhiễu thông tin. Một sự kiện, một dữ liệu có thể có nhiều cách truyền tải khác nhau và đôi khi là phụ thuộc vào chuyên môn, chủ ý của người truyền đạt, dẫn đến việc chúng ta có thể tiếp nhận những góc nhìn khác nhau.
Ngoài ra, có những nguồn thông tin không chỉ với mục đích truyền đạt mà còn những mục đích xấu khác như hô hào, “lùa gà”…, nếu không tỉnh táo nhà đầu tư rất dễ bị sập bẫy những đối tượng này. Do vậy, để có thể “lọc” tin một cách hiệu quả, nhìn nhận đúng vấn đề thì nhà đầu tư có một số lưu ý sau:
Không đọc tin từ những nguồn không chính thống, thiếu tin cậy như các trang báo “lá cải”, các diễn đàn, hội nhóm mang tính chất hô hào;
Chủ động đưa ra góc nhìn và hạn chế dựa vào quan điểm của người khác;
Cuối cùng, quan trọng nhất là không ngừng tích lũy kiến thức và kinh nghiệm đầu tư để có thể đánh giá thông tin một cách chuẩn xác.
Riêng với nhóm nhà đầu tư ưa thích phong cách lướt sóng ngắn hạn, họ sẽ cần lưu ý vào những thông tin nào để có nhịp vào – ra hợp lý?
Theo kinh nghiệm của tôi rất khó để có thể đưa ra những giao dịch ngắn hạn dựa theo thông tin. Thông thường, khi một thông tin được công bố thì chắc chắn bạn không phải là người biết đến đầu tiên. Do vậy, giá cổ phiếu thường đã có phản ứng từ trước đó.
Thông tin sẽ có giá trị hơn nếu chúng có thể tác động đến cổ phiếu trong lâu dài. Khi đó, sự “bất cân xứng” về thời gian mà thông tin đến nhà đầu tư không còn là một vấn đề quá quan trọng, bởi vì việc bạn mua chậm một vài phiên hay bán chậm một vài phiên so với những người có được thông tin đầu tiên sẽ không làm ảnh hưởng đến hiệu suất đầu tư dài hạn.
Do vậy, để đưa ra được một quyết định đúng đắn trước mỗi thông tin, chúng ta cần đánh giá xem thông tin đó tác động đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, ngành trong tương lai như thế nào. Hoặc với những thông tin mang tính chất định kỳ, chúng ta cần tìm hiểu tại sao thông tin đó lại vượt kỳ vọng hay không đạt kỳ vọng, từ đó có thể đưa ra được những quyết định giao dịch hợp lý theo những chiến lược đặt ra ban đầu.
Dự đoán về mốc điểm số VN-Index và những lưu ý nhà đầu tư để quản trị tài khoản tốt trong những tháng cuối năm?
Việc dự đoán điểm số trong năm 2023 là rất khó, song nhìn chung các yếu tố tích cực vẫn đang ủng hộ cho xu hướng tăng của thị trường. Nhận định này chủ yếu đến từ hai yếu tố là kinh tế bước vào giai đoạn đầu tiên của phục hồi và chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng.
Dữ liệu những tháng gần đây cho thấy nền kinh tế đang có những bước đầu phục hồi, đặc biệt ở khu vực sản xuất. Chỉ số PMI lần đầu vượt 50 điểm sau nhiều tháng, cùng với hoạt động xuất nhập khẩu cũng dần tiệm cận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Dường như sự hồi phục này đến từ yếu tố “bên ngoài” nhiều hơn là đến từ nội tại nền kinh tế khi mà chính sách tiền tệ chưa có nhiều sự thẩm thấu, thể hiện qua tăng trưởng tín dụng trong nước vẫn đang ở mức rất thấp mà không có chuyển biến, nhưng ở thời điểm hiện tại đây có thể xem là một tia sáng cho nền kinh tế.
Theo tôi, nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi thêm sự phục hồi trong nền kinh tế, vì đây là “bộ mặt” thể hiện cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn. Nền kinh tế phục hồi kéo theo hoạt động của doanh nghiệp được mở rộng, từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu và thị trường.
Yếu tố thứ hai là xác suất cao ngân hàng nhà nước vẫn sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Mặc dù trong ngắn hạn tỷ giá đang gặp áp lực và FED vẫn còn để ngõ khả năng có 1 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, nhưng với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng với việc lạm phát duy trì ở mức thấp thì khả năng SBV quay đầu chính sách tiền tệ là rất khó xảy ra.
Đây là 2 yếu tố mà theo tôi có thể tác động mạnh đến thị trường trong các tháng cuối năm và nhà đầu tư cần theo dõi sát sao. Bối cảnh trong nước đang có nhiều điểm sáng nhưng thị trường còn chịu ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, vốn khó nhìn nhận và đánh giá hơn ở thời điểm hiện tại, nên nhà đầu tư không nên chủ quan và cần quản trị tài khoản một cách an toàn.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn