Giao dịch có phần chậm lại sau khi chấm dứt chuỗi tăng mạnh mẽ 8 phiên liên tiếp trong phiên hôm qua, cộng thêm phiên đáo hạn phái sinh càng là lý do để nhà đầu tư thận trọng hơn. Tuy nhiên, vẫn có những con sóng riêng lẻ nổi bật và cái tên đáng chú ý nhất vẫn là CEO.
Trong phiên hôm qua, thị trường tăng điểm từ sớm và duy trì đà tăng nhờ sự hỗ trợ của VCB dù chịu nhiều áp lực do lệnh bán chốt lời xảy ra ở nhiều mã.
Tuy nhiên, giao dịch đã giằng co, giật cục sau giờ nghỉ trưa, khi VCB có thời điểm bật cao kéo VN-Index lên gần 1.180 điểm, nhưng một mình mã này không thể gánh nỗi thị trường khi lực cung chốt ngắn hạn diễn ra khá mạnh, khiến VN-Index lao xuống giống như lúc đi lên và chốt phiên với mức giảm nhẹ, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 20/7, tiếp tục là áp lực bán nhanh chóng thắng thế trên thị trường khi bảng điện tử nghiêng hẳn về số mã giảm, nhưng biên độ giảm của các cổ phiếu không quá lớn và VN-Index chỉ về quanh ngưỡng 1.170 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Tâm lý giao dịch tương đối thận trọng, khi đối diện với mẫu hình nến đảo chiều Bearish Engulfing vào phiên hôm qua, dù xác suất xảy ra tại thời điểm này không được đánh giá cao, nhưng chỉ báo RSI có lần thứ 4 liên tiếp tiến vào vùng quá mua, bên cạnh đó, hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai phái sinh VN3F2307 cũng là lý do để nhà đầu tư cảnh giác hơn.
Đáng chú ý có lẽ dành cho hai cổ phiếu bất động sản CEO và NDN trên sàn HNX, khi tiếp tục tăng mạnh, với CEO có thời điểm đã tăng trần, khớp gần 10 triệu đơn vị, bỏ xa các mã khác trên sàn, trong khi NDN duy trì sắc tím +9,4% lên 11.600 đồng, sau khi mới đây đã công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần đạt 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, trái ngược với con số lỗ 114 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Lực bán gần như không xuất hiện thêm ở nửa sau của phiên, nhưng việc nhóm bluechip có thêm nhiều nhiều sắc đỏ đã khiến VN-Index nới thêm đà giảm và để mất ngưỡng 1.170 điểm khi kết phiên. Giao dịch vẫn khá thận trọng khiến thanh khoản suy giảm.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 130 mã tăng và 278 mã giảm, VN-Index giảm 5,02 điểm (-0,43%), xuống 1.167,96 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 373,7 triệu đơn vị, giá trị 7.488 tỷ đồng, giảm gần 12% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,8 triệu đơn vị, giá trị 450,3 tỷ đồng.
Rổ VN30 có tới 24 mã giảm, nhưng đa phần cũng chỉ giảm nhẹ, với SSI mất điểm hàng đầu cũng chỉ -2,8% xuống 27.700 đồng, GVR -2,1% xuống 21.250 đồng. Các cổ phiếu PLX, CTG, TPB, MSN, VHM và STB giảm từ 1% đến 1,6%.
Lác đác vài sắc xanh và chỉ FPT là đáng kể khi +2,4% lên 80.400 đồng, còn HPG, HDB và MWG tăng chưa đến 1%.
Thanh khoản cao nhất nhóm là SSI khi có 17,5 triệu đơn vị, STB khớp 13,8 triệu đơn vị, NVL khớp 7,7 triệu đơn vị, VPB khớp gần 7 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, chỉ một vài cái tên riêng lẻ vượt trội, như MHC, MBC và HAR khi đều tăng kịch trần, nhưng chỉ HAR khớp lệnh tương đối tốt với 2,4 triệu đơn vị, hai mã còn lại khớp 0,32 triệu và 0,25 triệu đơn vị.
Ngoài ra còn có PTC +6% lên 8.350 đồng, TEG +4,6% lên 10.300 đồng, HTN +3,8% lên 16.500 đồng, PVP +3,2% lên 15.900 đồng, DGW +3,1% lên 50.900 đồng, KSB +3,1% lên 31.900 đồng, tăng hơn 2% chỉ còn IMP, LSS, DHM, DBD, BMI, DGC và DCL.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn hầu hết mang sắc đỏ với sự tập trung vẫn ở các nhóm ngân hàng, bất động sản, công ty chứng khoán, thép, như HCM, VCI, VND, HSG, NKG, KHG, GEX, CII, BCG, DXG, DIG, STB, EIB, ACB…khớp từ 2,7 triệu đến hơn 15,1 triệu đơn vị.
Phiên này, cổ phiếu MSB bất ngờ vươn lên dẫn đầu thanh khoản trên sàn với 17,6 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 2,7% lên 13.200 đồng.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng dần đuối sức sau những phút đầu khởi động trong sắc xanh, kết phiên giảm nhẹ.
Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,02%), xuống 231,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 49,1 triệu đơn vị, giá trị 792,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,56 triệu đơn vị, giá trị 40 tỷ đồng.
Cặp đôi bất động sản CEO và NDN vẫn nằm trong số những cái tên thu hút sự chú ý nhất, với CEO khớp lệnh hơn 11,6 triệu đơn vị, cao nhất sàn và bỏ xa phần còn lại, giá cổ phiếu lùi từ giá trần về còn +4,8% lên 17.500 đồng.
Trong khi đó, NDN vẫn giữ được sắc tím +9,4% lên 11.600 đồng, khớp lệnh có hơn 1,93 triệu đơn vị và trắng bên bán.
Ở những nơi khác, các cổ phiếu NBC đáng kể khi +7,8% lên 13.800 đồng, khớp 0,68 triệu đơn vị, hai cổ phiếu ngành than khác cũng tăng khá với TC6 +4,3% lên 9.600 đồng, khớp 1,02 triệu đơn vị và TVD +3,1% lên 16.800 đồng, khớp 0,88 triệu đơn vị.
Trái lại thì sắc đỏ tại SHS, MBS, PVS, APS, IDJ, NRC, dù chỉ giảm nhẹ, trong khi IDC HUT, AMV, MBG, TTH, API đứng giá tham chiếu, khớp lệnh từ 0,5 triệu đến hơn 2,04 triệu đơn vị, riêng SHS khớp hơn 7,3 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, dù nhiều cổ phiếu giảm điểm nhưng UpCoM-Index vẫn kết phiên tăng điểm nhờ lực cung được tiết giảm.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,29 điểm (+0,34%), lên 87,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 22,9 triệu đơn vị, giá trị 308,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,3 triệu đơn vị, giá trị 46 tỷ đồng.
Cổ phiếu KVC phiên này bất ngờ khớp lệnh cao nhất UpCoM với 3,3 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng đã tăng hết biên độ +12% lên 2.800 đồng.
Các cổ phiếu khác phần lớn tăng nhẹ, trong khi sắc đỏ lấn át ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, dù mức giảm cũng chỉ khoảng 1-2%, như BSR -1,1% xuống 17.800 đồng, khớp hơn 2,25 triệu đơn vị, SBS -1,2% xuống 8.000 đồng, khớp 2,04 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn