Sau bốn phiên điểm số thị trường gần như đi ngang, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu mất kiên nhẫn khiến áp lực xả hàng trên diện rộng xuất hiện ngay từ sớm, kéo theo đà giảm sâu hơn 20 điểm của VN-Index ngay nhịp đầu mở cửa phiên.
Trong phiên hôm qua, dù thị trường đã xuất hiện những tín hiệu lạc quan hơn khi áp lực bán tháo đã không còn, nhưng chưa thể tìm được điểm cân bằng khiến giao dịch tiếp diễn trạng thái lình xình trong suốt cả phiên và thanh khoản suy yếu với giá trị xuống mức thấp nhất trong 3 tháng.
Diễn biến trên có thể được đánh giá là thị trường đã dần đi vào trạng thái ổn định hơn và đang tích lũy để chờ đợi các thông tin tiếp theo. Tuy nhiên, nếu lực cầu trong những phiên tiếp theo vẫn yếu thì sẽ khó giúp thị trường đảo ngược được xu thế.
Bước sang phiên giao dịch sáng nay 3/10, ngay từ khi mở cửa, áp lực bán đã dâng cao khiến chỉ số VN-Index có nhịp đổ đèo giảm gần 20 điểm xuống gần 1.130 điểm với hơn 400 mã giảm trên bảng điện tử.
Mặc dù sau đó lực cầu bắt đáy túc tắc nhập cuộc giúp một số trụ cột tránh được ngưỡng giảm sâu, nhưng cũng nhanh chóng yếu đi và VN-Index vẫn chỉ dao động nhẹ quanh ngưỡng 1.135 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Toàn bộ rổ VN30 đều chìm trong sắc đỏ, với một số giảm đáng kể như MSN, VIC, GVR, SSI, GAS, VPB khi mất trên dưới 3%, đặc biệt là MWG thậm chí có lúc còn về giá sàn trước khi thu hẹp được một nửa số điểm đã mất.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dù đều mất điểm, nhưng cũng không xuất hiện áp lực cung giá thấp quá lớn, khi không nhiều mã giảm hơn 4%.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại một vài cái tên riêng lẻ nổi lên như YEG và RDP khi đã chạm giá trần tại 13.600 đồng và 10.600 đồng, cổ phiếu TTA nhích hơn 4% và được khối ngoại mua ròng hơn 0,8 triệu đơn vị.
Càng giao dịch thị trường càng đuối sức với áp lực bán mỗi lúc một gia tăng và VN-Index tiếp tục tìm về các mức điểm sâu hơn và chỉ khi giảm hơn 30 điểm về dưới 1.125 điểm, chỉ số mới bật nhẹ lên ở những phút cuối.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE chỉ còn 32 mã tăng và có tới 474 mã giảm, VN-Index giảm 28,74 điểm (-2,49%), xuống 1.126,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 447,7 triệu đơn vị, giá trị 9.441,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi về khối lượng và 75% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 27 triệu đơn vị, giá trị 629 tỷ đồng.
Có đến 29 trên 30 cổ phiếu trong nhóm VN30 giảm và duy nhất SSB dừng chân ở tham chiếu 25.000 đồng.
Các mã giảm sâu nhất là GVR -5,6% xuống 19.250 đồng, MWG thoát giá sàn nhưng vẫn giảm 4,7% xuống 49.450 đồng, HPG -4,6% xuống 25.000 đồng, SSI -4,1% xuống 30.800 đồng, VIC -4,1% xuống 45.000 đồng. Trong đó, HPG và SSI phiên này thanh khoản cao nhất nhóm và lớn nhất thị trường với 22 triệu và 19,7 triệu đơn vị khớp lệnh.
Các cổ phiếu GAS, TCB, MSN, SHB, VPB, STB giảm 3% đến 3,7%, nhóm BCM, TPB, BID, SAB, VIB, CTG, PLX giảm 2% đến gần 3%. Phần còn lại giảm thấp hơn, với VCB, BVH, ACB, VRE may mắn chỉ giảm dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các nhóm cổ phiếu giảm sâu nhất là bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, thép.
Theo đó, các mã PTL giảm sàn về 5.320 đồng, OGC -6,5% xuống 5.860 đồng, QCG -6,5% xuống 10.800 đồng, TCH -6,3% xuống 11.100 đồng, DXG -6,3% xuống 17.850 đồng, DRH -6,2% xuống 5.140 đồng, DIG -6,2% xuống 23.550 đồng, DC4 -6,1% xuống 10.850 đồng. Các mã giảm sâu khác còn ITC, HTN, EVG, BCG, GEX, KPG, VPH, DXS, SGR với mức giảm 5% đến gần 6%.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán ngoài SSI nêu trên thì CTS -6% xuống 26.600 đồng, VDS -5,7% xuống 14.850 đồng, VCI -5,6% xuống 39.450 đồng, BSI -5,5% xuống 37.500 đồng, VIX -5,3% xuống 15.150 đồng, VND -5,2% xuống 20.000 đồng, AGR -5,1% xuống 16.850 đồng, FTS -4,8% xuống 40.600 đồng, APG -4,3%, HCM -4%, ORS -3,8%…
Nhóm thép, ngoài HPG giảm 4,6% thì HSG -6% xuống 18.900 đồng, TLH -5,9% xuống 8.000 đồng, NKG -5% xuống 18.900 đồng, SMC -4,3% xuống 11.200 đồng…
Ngược dòng thị trường đáng kể có ba cái tên là HUB, YEG và RDP khi đều kết phiên ở mức giá trần, trong đó, RDP khớp lệnh tốt nhất với hơn 2,35 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index dần tìm về các mốc điểm sâu hơn và chỉ thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 27 mã tăng và 141 mã giảm, HNX-Index giảm 7,16 điểm (-3,02%), xuống 229,57 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 63,2 triệu đơn vị, giá trị 1.262,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,53 triệu đơn vị, giá trị 11,1 tỷ đồng.
Hai nhóm cổ phiếu bất động sản và công ty chứng khoán cũng chịu thiệt hại nặng nhất trên sàn, với các mã bất động sản NRC giảm sàn về 5.100 đồng, CEO -6,9% xuống 20.100 đồng, HUT -6,2% xuống 22.700 đồng, IDJ -6,5% xuống 5.800 đồng…
Nhóm chứng khoán với SHS -5,2% xuống 16.500 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 17,3 triệu đơn vị, IVS -7,6% xuống 9.700 đồng, APS -7,1% xuống 6.500 đồng, EVS -7,1%, VIG -7%, HBC -5,6%, PSI -5,2%…
Lác đác một vài sắc xanh xuất hiện ở nhóm cổ phiếu có khối lượng giao dịch cao là TTH, DTD, TNG nhưng mức tăng cũng chỉ trên dưới 2%.
Đáng kể khác là TKG khi có phiên tăng trần tiếp theo sau chuỗi 7 phiên giảm sàn từ 21/9 đến 29/9, kết phiên sáng nay +9,1% lên 7.200 đồng, khớp ,23 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, sắc đỏ bao trùm từ sớm cũng đã khiến UPCoM-Index liên tục đi xuống và kết phiên ở mức thấp nhất.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,39 điểm (-1,57%), xuống 87,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 32,1 triệu đơn vị, giá trị 484,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,54 triệu đơn vị, giá trị 71,3 tỷ đồng.
Hơn 20 cổ phiếu thanh khoản cao nhất UpCoM đều giảm, với mức giảm phổ biến từ 3% đến hơn 4% như C4G, OIL, VHG, DDV, DGT, KVC, HHG…
Các cổ phiếu giảm sâu hơn có công ty chứng khoán AAS và SBS, TCI, ABW khi đều giảm trên dưới 6%.
Trong khi đó, BSR -4,6% xuống 20.700 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 11 triệu đơn vị.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn