Phố Wall tăng điểm trong phiên thứ Năm (8/6), khi dữ liệu việc làm cho thấy khả năng Fed sẽ tạm dừng việc tăng lãi suất trong cuộc họp vào giữa tháng này.
Dữ liệu mới công bố cho thấy số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần tính đến ngày 3/6 đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy thị trường lao động có khả năng suy yếu. Sự gia tăng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp cũng làm tăng hy vọng rằng Fed sẽ tạm dừng chiến dịch nâng lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới.
Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, có xu hướng nhạy cảm theo kỳ vọng lãi suất ngắn hạn, đã giảm từ mức cao nhất trong một tuần xuống 4,5%, sau khi dữ liệu việc làm trên được tung ra.
Các nhà giao dịch hiện dự báo 73% khả năng Fed sẽ giữ nguyên mức lãi suất hiện tại ở 5-5,25% trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 13-14/6. Tuy nhiên, họ nhìn thấy 50% khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng Bảy.
David Russell, Phó chủ tịch Market Intelligence tại TradeStation cho biết: “Có rất nhiều lý do để lạc quan rằng lạm phát đang giảm, nhưng Fed có thể sẽ giữ giọng điệu tương đối diều hâu cho đến khi họ biết chắc chắn. Vì vậy, tại thời điểm này, Fed muốn lùi lại một bước và xem liều thuốc tăng lãi suất có hiệu quả hay không”.
Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố dữ liệu lạm phát vào ngày 13/6, ngày đầu tiên của cuộc họp Fed. Các con số dự kiến sẽ cho thấy giá tiêu dùng giảm nhẹ trong tháng 5 nhưng chỉ số lõi vẫn không thay đổi.
Kết thúc phiên 8/6, chỉ số Dow Jones tăng 168,59 điểm (+0,50%), lên 33.833,61 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 26,41 điểm (+0,62%), lên 4.293,93 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 133,63 điểm (+1,02%), lên 13.238,52 điểm.
Chứng khoán châu Âu giằng co quanh tham chiếu và tăng nhẹ, khi cổ phiếu công nghệ nhạy cảm với lãi suất và tiêu dùng thiết yếu trượt dốc do dự báo các ngân hàng trung ương lớn tăng lãi suất, trong khi cổ phiếu Vodafone đè nặng lên lĩnh vực viễn thông.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,01% lên 460,87 điểm, với lĩnh vực công nghệ nhạy cảm với lãi suất giảm 0,3%.
Chỉ số FTSE 100 của Anh dẫn đầu đà giảm trong số các chỉ số khác trong khu vực, với các mặt hàng tiêu dùng nặng về xuất khẩu như Unilever và Reckitt Benckiser Group PLC đều giảm chịu áp lực khi đồng bảng Anh tăng do áp lực từ việc tăng lãi suất của Ngân hàng Anh.
Những lo ngại rằng Fed có thể lựa chọn lập trường diều hâu trong cuộc họp vào tuần tới và dự báo Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ đã đè nặng lên thị trường chứng khoán. Đặc biệt là sau khi Ngân hàng Canada tăng lãi suất qua đêm lên mức cao nhất trong 22 năm là 4,75%.
Những người tham gia thị trường tiền tệ hiện nhìn thấy 74,7% khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 6 nhưng sẽ tăng vào tháng 7. Đối với ECB, các nhà giao dịch nhìn thấy khoảng 96,3% xác suất sẽ tăng lãi suất 0,25% vào cuối tuần tới.
Phiên này, cổ phiếu viễn thông giảm 1,1%, dẫn đầu là Vodafone giảm 5,5% sau khi đạt mức cao nhất trong một tuần vào thứ Tư, khi Reuters đưa tin rằng công ty và Hutchison đang trong giai đoạn cuối của quá trình thỏa thuận sáp nhập cho các hoạt động tại Anh của họ.
Kết thúc phiên 8/6: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 24,60 điểm (-0,32%), xuống 7.599,74 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 29,40 điểm (+0,18%), lên 15.989,96 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 19,36 điểm (+0,27%), lên 7.222,15 điểm.
Giá dầu giảm mạnh phiên này là thông tin nói rằng Mỹ và Iran có thể sắp đạt một thoả thuận xuất khẩu dầu. Tuy nhiên sau đó, giá dầu đã lấy lại được một phần mất mát sau khi cả Mỹ và Iran đều phủ nhận thông tin trên.
Kết thúc phiên 8/6, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 1,24 USD/thùng (-1,7%), xuống 71,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,99 USD/thùng (-1,3%), xuống 75,96 USD/thùng.
Theo tinnhanhchungkhoan.vn